Cá nhân tôi đồng cảm với quan điểm này, không chỉ riêng trong khía cạnh giao thông. Luật chỉ có một, không thể có các quy định, có các yếu tố ưu tiên đứng trên pháp luật.
Xe ưu tiên có thể được nhường đường khi di chuyển, có thể được nhận biết và bỏ qua các quy tắc, quy định dưới luật, nhưng tuyệt đối không được xung đột với những quy định pháp luật nhằm đảm bảo sự an toàn của cộng đồng.
Xe ưu tiên vượt đèn đỏ không chỉ gây nguy hiểm cho người dân tham gia giao thông trên đường, nhất là tại những giao lộ không có đủ lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ tại chỗ, mà còn gây nguy hại cho hệ thống biểu tượng luật pháp. Người dân tham gia giao thông phải tuyệt đối tuân thủ các tín hiệu quy ước, và việc tuân thủ các tín hiệu quy ước đó, phải trải qua rất nhiều thời gian để hình thành ý thức, văn hóa giao thông.
Tuy nhiên, hệ thống ý thức, văn hóa giao thông được bồi đắp qua thời gian dễ dàng bị xô đổ chỉ vì những hình thái ưu tiên, khi họ phải dừng lại ở đèn xanh để chứng kiến những phương tiện khác thoải mái di chuyển khi đèn đỏ.
Muốn hình thành một xã hội thượng tôn pháp luật, việc đầu tiên, và quan trọng nhất cần làm là phải hạn chế tối đa, thậm chí loại bỏ hoàn toàn các hình thức ưu tiên đứng trên pháp luật. Bởi có ưu tiên là sẽ có những nỗ lực lạm dụng sự ưu tiên cho đến khi luật pháp trở nên yếu ớt trước các đặc quyền, đặc lợi.
Sự ưu tiên trong một xã hội thượng tôn pháp luật, nếu có, chỉ nên dành cho những người yếu thế, những nhóm người gặp khó khăn đặc biệt về khả năng tiếp cận hạ tầng giao thông, dành cho những hoạt động cấp cứu, chết người, cháy nhà. Khi chúng ta ưu tiên quá nhiều đối tượng ngoài nhóm yếu thế, chúng ta sẽ tạo nên một xã hội cạnh tranh sự ưu tiên, phấn đấu để giành quyền được ưu tiên.
Bản chất của luật pháp là để đảm bảo sự công bằng, các hình thức ưu tiên thì bản chất là hình thức bù đắp cho những cộng đồng yếu thế để giúp họ tiếp cận những cơ hội bình đẳng với mặt bằng chung của xã hội. Ưu tiên là phương tiện để thể hiện sự cảm thông, chia sẻ, là khía cạnh nhân văn của luật pháp chứ không nên là phương tiện để khiến cộng đồng phải đối mặt với những yếu tố nguy hiểm, hoặc phải ước ao, phấn đấu để được ưu tiên.
Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm, từ góc nhìn của người đứng đầu cơ quan soạn thảo dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, rõ ràng có sự thấu hiểu những nguy cơ mất an toàn từ việc xe ưu tiên vượt đèn đỏ để thảo luận về vấn đề này. Hơn nữa, tôi tin rằng, từ góc độ xây dựng luật, với quan điểm "luật chỉ có một", đại biểu Quốc hội Tô Lâm đã nhấn mạnh quan điểm lập pháp cơ bản trong xây dựng pháp luật, mà trong thực tế có lúc, có nơi đã bị xao lãng trước rất nhiều áp lực từ nhu cầu được ưu tiên.
Với cách tiếp cận trên, tôi xin nhắc lại phát biểu của Đại tướng Tô Lâm để biểu thị sự đồng tình: Xe ưu tiên vượt đèn đỏ là "rất dở"
Tác giả: Nhà báo Phạm Trung Tuyến hiện là Phó giám đốc kênh radio Giao thông quốc gia 91 Mhz của Đài Tiếng nói Việt Nam.