Xe tăng Leopard-2 liệu có thay đổi cục diện chiến trường Ukraine?

09/02/2023 19:46

Theo các thông tin công khai, trong số xe tăng Mỹ và Phương Tây dự kiến viện trợ cho Ukraine, các phiên bản của dòng xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) Leopard-2 do Đức chế tạo sẽ được viện trợ nhiều nhất.

Thực tế, MBT Leopard-2 là dòng xe tăng hiện đại được thiết kế để chống lại “làn sóng thiết giáp” khổng lồ của Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh Lạnh. Nó đã được nâng cấp liên tục trong nhiều thập kỷ qua và hiện vẫn là một trong những dòng MBT phổ biến trên thế giới và được đánh giá cao về khả năng bảo vệ, hỏa lực, độ tin cậy. Tuy nhiên, chiến trường Ukraine là môi trường tác chiến khác biệt và cực kỳ khắc nghiệt đối với mọi loại phương tiện chiến đấu hiện đại nhất. Vậy MBT Leopard-2 có là dòng xe tăng thay đổi cục diện chiến trường Ukraine?

Xứng danh MBT của người Đức

Dù không phải là quốc gia khai sinh ra xe tăng, nhưng cùng với Liên Xô, Đức là quốc gia có truyền thống phát triển và sản xuất những mẫu xe tăng trứ danh trên thế giới. Trong Thế chiến 2, chắc hẳn sẽ nhiều người không thể quên được các mẫu xe tăng uy lực như Tiger và Panther do người Đức phát triển và tung ra chiến trường. Truyền thống này sau đó tiếp tục được Tây Đức duy trì và phát triển. Dòng xe tăng Leopard và sau này là mẫu Leopard-2 do hãng chế tạo Krauss-Maffei sản xuất đã tiếp tục duy trì được uy tín của người Đức trong lĩnh vực phát triển vũ khí.

MBT Leopard-2 hiện là một trong những dòng xe tăng hàng đầu thế giới hiện nay. Ảnh: Wikipedia.

Khi nhắc tới xe tăng Leopard-2, đầu tiên phải nhắc tới nguyên mẫu MBT-70 hợp tác giữa Mỹ và Tây Đức. Đây chính là nguyên bản công nghệ để sau này Mỹ và Đức phát triển các dòng xe tăng danh tiếng tới thời điểm hiện tại là Leopard-2 và M1 Abrams.

Chính vì có chung thiết kế gốc, cả 2 dòng MBT của Mỹ và Đức đều chia sẻ tư duy thiết kế của phương tiện đấu tăng chủ lực ưu tiên vỏ giáp ở bán cầu trước và mang một khẩu pháo uy lực và hiệu quả đối phó với các dòng xe tăng của Liên Xô cùng thời. Vì thế, không quá ngạc nhiên khi Mỹ mua công nghệ pháo 120mm nòng trơn L/44 của Đức để trang bị trên xe tăng Abrams hay Đức mua công nghệ quan sát quang-ảnh nhiệt của Mỹ để trang bị trên các phiên bản Leopard-2.

Uy lực, sự tin cậy, hiệu quả của Leopard-2 đã được minh chứng trong thực tế và nó nhận được sự công nhận trên thế giới và được hàng chục quốc gia đặt mua với khoảng hơn 3.000 xe được chế tạo, trong đó hơn 2.200 xe để xuất khẩu. Hiện tại, phần lớn các quốc gia châu Âu đang sở hữu các biến thể của xe tăng Leopard-2.

Trong suốt hàng thập kỷ tồn tại, Đức đã liên tục nâng cấp MBT Leopard-2 để phù hợp với phương thức tác chiến hiện đại và các đặc thù tác chiến riêng của từng quốc gia nhập khẩu. Một trong những biến thể đáng chú ý nhất và cũng là loại được Đức viện trợ cho Ukraine chính là biến thể Leopard-2A5/6 với hệ thống giáp phức hợp kết hợp với giáp hộp bổ sung thế hệ thứ 3 để tăng cường khả năng bảo vệ trước các loại vũ khí chống tăng cầm tay, cũng như nâng cấp phiên bản pháo chính mới L/55 uy lực hơn.

Cùng với đó là hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến cung cấp khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 5km và tấn công chính xác ở cự ly 2km đã giúp Leopard-2 tiếp tục là MBT hiện đại và mạnh mẽ hàng đầu thế giới.

Hình ảnh xe tăng Leopard-2 bị bắn cháy tại Syria ảnh hưởng không nhỏ tới danh tiếng của dòng MBT này. Ảnh: Defense News.

Đối thủ xứng tầm tại Ukraine

Trong cuộc chiến giữa MBT và vũ khí chống tăng giống như quan hệ “mâu-thuẫn”, cả hai đều liên tục phát triển để đối phó lẫn nhau. Chính vì thế khi xe tăng Leopard-2 liên tục nâng cấp khả năng bảo vệ và hỏa lực thì vũ khí chống tăng lại có phần phát triển nhanh hơn.

Chưa tính tới phiên bản Leopard-2A5/6, tại chiến trường Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã từng tung các xe tăng Leopard-2A4 nâng cấp tham chiến và đã nhận quả đắng thì chúng không chống chịu nổi các loại tên lửa chống tăng chưa phải mạnh nhất của Liên Xô và Nga là 9M113 Konkurs và Mertis-M. Hình ảnh xác những chiếc Leopard-2 bay tháp pháo tương tự như xe tăng Nga trên chiến trường năm 2016 đã ảnh hưởng không nhỏ tới danh tiếng của dòng MBT chủ lực của NATO.

Tại Ukraine, xe tăng Leopard-2 sẽ phải đối phó với nhiều loại vũ khí chống tăng nguy hiểm hơn nữa của Nga, cũng mối nguy cơ đến từ vũ khí chính xác cao tấn công từ trên không trước khi có cơ hội đối mặt trực tiếp với các dòng MBT chủ lực của Nga như T-72B3, T-80BVM hay T-90M.

Chiến trường Ukraine hiện tại có đủ khả năng chôn vùi danh tiếng của mọi loại MBT hiện đại của thế giới khi đối thủ là Nga, siêu cường vũ khí thế thới. Ảnh: Defense Talk.

Lớp giáp phức hợp thế hệ thứ 3 liệu có thể đối phó hiệu quả với các loại vũ khí chống tăng cực kỳ uy lực như Kornet, Vikhr, Shturm…vốn được thiết kế với mục tiêu chính đối phó với xe tăng của Mỹ và phương Tây hay không vẫn là dấu hỏi lớn. Nên nhớ rằng, vũ khí càng tinh vi, càng hiện đại thì tỷ lệ xảy ra lỗi hoặc hỏng hóc khi gặp các tác động mạnh mẽ của các loại hỏa lực tấn công trên chiến trường càng cao. Một phát bắn của vũ khí chống tăng có thể không đủ để hạ xe tăng Leopard-2, nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới việc hoạt động ổn định của hệ thống trinh sát và điều khiển hỏa lực trên xe hoặc khiến nó phải quay trở về tuyến 2 sửa chữa.

Cùng với đó, các xe tăng T-90M của Nga hiện tại cơ bản đã cân bằng với MBT của NATO về hỏa lực và tầm giám sát, thậm chí có ưu thế hơn 1 phần nhờ khả năng phóng tên lửa AT-11 Sniper qua nòng pháo chính.

Leopard-2 thậm chí chưa chắc có khả năng kịp đụng độ T-90M trước khi bị hỏa lực chống tăng của Nga tấn công và tiêu diệt. Ảnh: Topwar.

Mặt khác, việc tăng cường giáp bảo vệ đã khiến cỗ xe tăng Đức tăng trọng lượng lên tới hơn 60 tấn, nên dù trang bị động cơ diesel tăng áp 1.500 mã lực thì khả năng cơ động của Leopard-2 trên địa hình bùn lầy và đã bị tàn phá thời gian qua cũng là dấu hỏi lớn.

Xét một cách toàn diện, Leopard-2 với khả năng và truyền thống của mình sẽ là loại vũ khí đáng gờm tại chiến trường Ukraine. Tuy nhiên, nếu để coi nó là vũ khí có thể thay đổi chiến trường tại Ukraine vẫn là dấu hỏi lớn và chỉ có thực tiễn chiến trường mới có thể chứng minh.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Bài liên quan
  • Cuộc đua triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật mới
    Những tuyên bố mới nhất của Nga về khả năng triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật thế hệ mới tại Belarus đã khiến giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá lại về sự nguy hiểm của loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhưng vẫn được đánh giá là vũ khí cấp chiến thuật này.
  • Quân sự thế giới hôm nay (30-3): Israel phóng thành công vệ tinh tình báo Ofek-13
    Israel phóng thành công vệ tinh tình báo Ofek-13, Malaysia mời thầu mua sắm hệ thống tên lửa dẫn đường chống tăng tầm trung và 9 binh sĩ Colombia thiệt mạng trong một vụ tấn công của các tay súng ELN là những thông tin quan trọng trong bản tin Quân sự thế giới hôm nay (30-3).
  • Xem Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine lần đầu lái thử thiết giáp Đức
    Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov hôm 29/3 đã bày tỏ sự biết ơn với người dân và chính quyền Đức, sau khi lái thử xe thiết giáp Marder được Berlin viện trợ.
  • Đức có thể sớm loại bỏ trực thăng tấn công Tiger
    Hãng tin quân sự Defense News đăng tải, do các vấn đề kỹ thuật, Quân đội Đức đang lên kế hoạch thay thế hoàn toàn các đơn vị trực thăng tấn công Tiger bằng dòng trực thăng trinh sát đa nhiệm Airbus H145M cho nhiệm vụ săn thiết giáp đối phương.
  • Tại sao tên lửa siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal không thể bị ngăn chặn?
    Là loại vũ khí được đích thân Tổng thống Mỹ Joe Biden công nhận là không thể ngăn chặn ở thời điểm hiện tại, tên lửa siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal xứng đáng là vũ khí sẽ đảm bảo an ninh chiến lược của Nga trong nhiều thập niên tới. Vậy tại sao tên lửa Kh-47M2 Kinzhal lại không thể bị ngăn chặn?
  • “NATO nhỏ” ở Bắc Âu
    Kế hoạch thiết lập một hệ thống phòng không Bắc Âu thống nhất mà 4 nước Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Đan Mạch công bố mới đây, được ví như việc thành lập một “NATO nhỏ” trong bối cảnh Thụy Điển và Phần Lan đang trong quá trình gia nhập NATO.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Xe tăng Leopard-2 liệu có thay đổi cục diện chiến trường Ukraine?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO