Tháng thứ ba liên tiếp, xe năng lượng mới (bao gồm cả xe thuần điện và xe hybrid) chiếm phần lớn doanh số ô tô tại Trung Quốc trong tháng 9, đạt 53,3%, tăng 16,4 điểm phần trăm so với mức 36,9% của tháng 9 năm ngoái.
Tuy nhiên, đáng nói hơn, 3 trong số 4 mẫu xe của thương hiệu nội địa Trung Quốc bán ra trong tháng 9 là xe năng lượng mới (NEV).
Theo số liệu từ Hiệp hội Ô tô du lịch Trung Quốc, doanh số xe năng lượng mới trong tháng 9 đạt 1,123 triệu chiếc, tăng 50,9% so với tháng 9 năm ngoái. Tuy nhiên, tình hình chung trên thị trường không sáng sủa như vậy.
Trong tháng 9, tiêu thụ ô tô các loại ở Trung Quốc đạt 2,1 triệu chiếc, chỉ tăng 4,5% so với năm ngoái. Đây là tháng thứ hai doanh số tăng, sau 5 tháng liền sụt giảm.
Số liệu thống kê cho thấy tiêu thụ xe động cơ đốt trong đang giảm tại Trung Quốc, và việc tiêu thụ ô tô nói chung tăng lên chủ yếu là nhờ xe năng lượng mới.
Theo số liệu của Fast Technology, tỷ lệ doanh số xe năng lượng mới của các thương hiệu nội địa Trung Quốc là 74,9%. Điều đó có nghĩa là chỉ có một trong số 4 chiếc xe bán ra là xe động cơ đốt trong.
Trong tháng 9, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đóng góp 73% doanh số xe năng lượng mới của nước này. Lép vế nhất trên thị trường xe năng lượng mới là các thương hiệu liên doanh, hiện chỉ nắm 3,4% thị phần, giảm 2,3 điểm phần trăm so với tháng 9 năm ngoái.
Ngược lại, các tên tuổi mới đang ghi điểm, giờ đây chiếm 16,5% thị phần, tăng 2,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.
Xe sang có vẻ như là phân khúc cuối cùng mà xe động cơ đốt trong vẫn chiếm phần lớn doanh số. Tỷ lệ xe năng lượng mới ở phân khúc này là 33,5%.
Sự lên ngôi của xe năng lượng mới đã giúp BYD tạm thời vượt qua Tập đoàn công nghiệp ô tô Thượng Hải (SAIC) vươn lên trở thành nhà sản xuất ô tô Trung Quốc lớn nhất.
Năm ngoái, BYD đã trở thành thương hiệu bán chạy nhất tại Trung Quốc, lần đầu tiên cho một thương hiệu nội địa kể từ khi bắt đầu ra đời các liên doanh. BYD giờ đây đang tiến đến vị trí tập đoàn ô tô lớn nhất Trung Quốc. Trong tháng 9, BYD đã chính thức soán ngôi vương của SAIC.
Việc lâu nay SAIC giữ ngôi vị nhà sản xuất ô tô Trung Quốc lớn nhất luôn gây nhiều tranh cãi vì doanh số của họ phụ thuộc vào các liên doanh với Volkswagen, General Motors (GM), và SAIC-GM-Wuling. Xe mang thương hiệu riêng của SAIC chỉ đóng góp một phần rất nhỏ trong tổng doanh số.
Doanh số của BYD không chỉ có thương hiệu BYD, mà còn có các thương hiệu con như Denza, Fang Cheng Bao, và Yangwang.
Trong tháng 9, doanh số của Tập đoàn BYD đạt 419.426 chiếc, tăng 45,32% so với tháng 9 năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh số đạt 2.747.875 chiếc, tăng 32,13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, SAIC chứng kiến doanh số không mấy khả quan trong năm nay. Mặc dù một phần sự sụt giảm doanh số là do liên doanh với GM, nhưng các vấn đề mang tính hệ thống và có thể lan sang các thương hiệu của SAIC. Hiện chỉ có doanh số của liên doanh với Volkswagen và Wuling đang khá ổn định.
Doanh số của SAIC trong tháng 9 giảm 35,03% so với năm ngoái, đạt mức 313.260 chiếc. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh số của SAIC thấp hơn của BYD, đạt 2.649.333 chiếc, giảm 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu tình hình này tiếp diễn, BYD sẽ chính thức trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc trong cả năm 2024.