Những ngày cận Tết Nguyên đán, nhu cầu vận chuyển hành khách tăng cao, nhiều người dân đặt vé xe từ sớm, tuy nhiên họ phải chịu cảnh nằm hành lang, nhồi nhét.
Rạng sáng 5/2 (tức 26 tháng Chạp), nhiều người dân tập trung trước cây xăng ga Sóng Thần (Khu công nghiệp Sóng Thần, phường An Bình, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đợi lên xe về quê.
Có mặt lúc 2h30 cùng ngày, anh T. (40 tuổi, quê Hà Tĩnh) tay bế con nhỏ cùng 4 người thân ngồi vật vạ chờ xe đến. Anh T. cho biết, anh đặt vé của nhà xe N.Đ.M. chạy tuyến TPHCM về tỉnh Hà Tĩnh từ một tháng trước. Tuy nhiên, trước ngày về quê, một nhà xe khác có tên K.H. chạy cùng tuyến lại gọi thông báo giờ khởi hành.
Khi hỏi lại nhân viên bán vé lý do thay đổi xe, người này trả lời xe K.H. chỉ là xe thêm của nhà xe mà anh T. đã đặt.
"Vì thời gian quá gấp, gọi điện cho các nhà xe khác đã hết vé nên gia đình chúng tôi đành chấp nhận về quê theo xe này", anh T. nói.
Đến khoảng 4h, xe khách K.H. màu vàng cam, biển số 51B - 118.xx, dán chữ "xe hợp đồng" phía trước tấp vào cây xăng ga Sóng Thần đón khách. Đến 4h30, sau khi kiểm tra đủ khách, phương tiện này rời cây xăng chạy theo hướng quốc lộ 1A về Hà Tĩnh.
Lên chuyến xe này, gia đình anh T. bị nhân viên tùy ý sắp xếp không theo số ghế như trên vé đã đặt.
"Tôi đặt vé từ trước rồi, số ghế cũng đã có rồi, nhưng cả hai cha con không có giường để nằm, phải nằm vật vờ giữa hành lang lối đi lên xe. Chỗ nằm chật chội, sợ con say xe nên tôi phải thức canh", anh T. bức xúc.
Hàng chục người khác trên chuyến xe này phải chịu chung hoàn cảnh.
Sáng cùng ngày, nam thanh niên (23 tuổi) lên xe K.H. tại Bệnh viện nhi Đồng Nai về quê Quảng Bình. Anh cho biết, đã đặt vé từ trước và được nhà xe hứa, đảm bảo giường nằm, không nhồi nhét; tuy nhiên đến ngày lên xe thực tế lại không như mong đợi.
"Tôi cũng đặt vé như bao người khác, vé từ Đồng Nai về Quảng Bình có giá 1,6 triệu đồng và được xếp ghế B4, tuy nhiên lại phải nằm hành lang. Nằm không thoải mái, đi đường gần còn đỡ chứ về quê hơn 1.000km, mất gần một ngày mới đến nơi, chật chội như vậy ai mà chịu được", nam thanh niên thất vọng.
Ngay sau đó, một nam thanh niên khác lên xe, bức xúc vì việc đặt vé nhưng không có giường nằm, anh này lời qua tiếng lại với nhân viên nhà xe.
"Thông cảm đi, Tết nhất đến nơi rồi, mỗi người nhường nhau một tí. Không phải chỉ riêng anh đặt vé 1,6 triệu đồng, ai cũng giá như nhau, anh không thanh toán mời anh xuống xe", nhân viên nhà xe đáp lại.
Vì xe này đã di chuyển quá nữa quảng đường nên nam thanh niên này phải chấp nhận đóng tiền dù không bằng lòng về cách phục vụ của nhà xe nói trên.
Theo một nhân viên trên xe K.H., thời điểm này trên xe có 75 người, tuy nhiên phương tiện trên thuộc loại 45 chỗ. Trong suốt quá trình di chuyển từ TPHCM về tỉnh Hà Tĩnh, nhà xe này đã gặp không ít chốt CSGT. Mỗi lần gặp chốt, nhân viên nhà xe lại yêu cầu hành khách kéo rèm che, khách ở giữa hành lang phải nằm xuống để qua mặt lực lượng chức năng.
Trao đổi với phóng viên, nhân viên bán vé nhà xe nói trên cho hay, do cận Tết, người bán vé nhiều nên họ không kiểm soát được lượng khách, số khách quá đông tuy nhiên chỉ có 2 xe, do đó đành phải nhồi nhét.
2 xe này chạy cùng tuyến TPHCM - tỉnh Hà Tĩnh nhưng thay nhau, luân phiên xe ra, xe vào. Số khách trên xe đông vì gồm có khách của nhà xe và một phần khách của cò xe.
Xác nhận với chúng tôi, người này cho biết, tối cùng ngày phương tiện này bị CSGT lập biên bản xử phạt chở quá 3 người so với quy định, tuy nhiên thực tế theo ghi nhận số người trên xe lại gấp nhiều lần.
Theo Nghị định 100/2019, ô tô chở khách chạy tuyến có cự ly lớn hơn 300km có hành vi chở quá từ 5 người trở lên ở xe trên 30 chỗ bị phạt từ 1 đến 2 triệu đồng/người vượt quá quy định. Tổng mức phạt không quá 40 triệu đồng.