Xâm phạm bản quyền phim thiệt hại cả trăm tỷ đồng lại chỉ phạt... cảnh cáo

Phương Bảo| 24/08/2023 11:13

Một người ăn trộm chiếc xe máy có thể bị đi tù, trong khi đó ăn trộm tài sản trí tuệ có giá hàng trăm tỷ đồng như một bộ phim lại chỉ bị phạt 3 triệu đồng.

Ngày 23/8, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Netflix tổ chức Hội thảo Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số tại Hà Nội.

Xâm phạm bản quyền phim thiệt hại cả trăm tỷ đồng lại chỉ phạt... cảnh cáo - 1
TS. Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phát biểu tại sự kiện (Ảnh: Thế Công).

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển của công nghệ số, kết nối toàn cầu đã tác động mạnh mẽ đến toàn bộ đời sống kinh tế xã hội.

Trong đó có lĩnh vực văn hóa nói chung và các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo nói riêng, đòi hỏi phải có sự chuyển đổi và thích ứng bằng cách áp dụng công nghệ số, đổi mới mô hình kinh doanh, biến đổi chuỗi giá trị từ các khâu sáng tạo - sản xuất - phổ biến - tiêu thụ.

Theo bà Hòa, sự đột phá của công nghệ số mang lại nhiều cơ hội cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

"Tuy nhiên, việc chuyển đổi số, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra nhiều thách thức như: Vấn đề bản quyền tác giả, mất an toàn, an ninh mạng, sự thống trị hàng hóa, dịch vụ văn hóa từ các nước phát triển, lấn át tiếng nói của các nước đang phát triển, đe dọa sự đa dạng văn hóa… tác động trực tiếp đến quyền và sinh kế của những người thực hành văn hóa, nhà sáng tạo", bà Hòa cho biết.

Tại sự kiện, TS. Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - cho biết, đơn vị này đang triển khai các dự án liên quan đến công nghệ số, giúp cho khách tham quan tiếp cận dễ và nhanh hơn, du khách có thể tham quan bảo tàng ở bất kỳ đâu.

"Công nghệ số tác động trong nhiều lĩnh vực ở đời sống, xã hội ở Việt Nam cũng như trên thế giới, làm cho di sản gần gũi, sống động hơn với công chúng.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là nơi lưu giữ nhiều tư liệu quý về mỹ thuật, tuy nhiên trong một thời gian dài, chúng tôi chỉ đón được một con số rất khiêm tốn là 50.000 lượt khách/năm. Trong đó, 90% là khách nước ngoài, 10% là khách trong nước. Các hướng dẫn viên du lịch từng sợ vào Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vì họ không biết hướng dẫn cho du khách thế nào ở các điểm tham quan trong bảo tàng", TS. Minh kể lại.

Xâm phạm bản quyền phim thiệt hại cả trăm tỷ đồng lại chỉ phạt... cảnh cáo - 2
TS. Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (áo trắng) cho biết, việc ứng dụng công nghệ đã cho thấy những con số "biết nói" trong việc đón khách tại đơn vị ông quản lý (Ảnh: Thế Công).

Trước những thách thức này, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho hay, đơn vị này đã sử dụng các công nghệ số để cải thiện chất lượng dịch vụ với khách tham quan. Theo đó, đến năm 2021, dự án thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA được triển khai với 9 ngôn ngữ, giúp khách có thể tham quan bảo tàng ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Trong năm đầu sử dụng công nghệ số, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã thu được 600 triệu đồng từ khách tham quan trực tiếp và trực tuyến. Con số tuy nhỏ, nhưng thể hiện sự thành công của hợp tác công tư, góp phần lan tỏa tình yêu nghệ thuật với công chúng yêu mỹ thuật.

Luật sư Phan Vũ Tuấn - Trưởng Văn phòng Luật sư Phan Law - nói về những thách thức của việc sáng tạo nghệ thuật trong thời công nghệ số. Ông nhận định, việc xâm phạm bản quyền của Việt Nam đạt top 3 thế giới.

"Sau một đêm, trong một trận đấu cúp C1 hay ngoại hạng Anh có khoảng hơn 500 hành vi xâm phạm bản quyền. Với lượng view là 90 triệu lượt/90 phút, nếu mỗi lượt view là 1USD thì các nền tảng như: VTVcab, FPT hay K+... đã thất thu 200 tỷ đồng một trận", ông Tuấn thống kê.

Xâm phạm bản quyền phim thiệt hại cả trăm tỷ đồng lại chỉ phạt... cảnh cáo - 3
Nhạc sĩ Quốc Trung (Ảnh: Thế Công).

Nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ tại hội thảo: "Trong thời đại của công nghệ số, quy trình quản lý đã không theo kịp. Nếu thủ tục hành chính được tự động hóa như AI sẽ đơn giản hơn nhiều".

Nhạc sĩ Quốc Trung cho biết thêm, để phát triển nghệ thuật, quan hệ giữa con quan quản lý và doanh nghiệp cần chuyên nghiệp hơn.

"Nếu không cùng nhau làm, sẽ xảy ra sự ban phát, dạy dỗ, vì nếu sáng tạo mà vẫn còn những rào cản thì rất khó làm việc. Vì thế, cả nhà quản lý và doanh nghiệp phải có sự tin tưởng nhau bằng những sản phẩm của mình, để công nghiệp văn hóa phát triển hơn. Nếu được quản lý một cách rõ ràng, chúng ta sẽ giảm bớt thời gian lãng phí, mở rộng năng lực sáng tạo của nghệ sĩ", nhạc sĩ Quốc Trung thẳng thắn.

Xâm phạm bản quyền phim thiệt hại cả trăm tỷ đồng lại chỉ phạt... cảnh cáo - 4
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty BHD có những chia sẻ thẳng thắn tại hội thảo (Ảnh: Thế Công).

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty BHD kể lại việc phim Cô ba Sài Gòn bị quay trộm và tung lên mạng, gây thiệt hại cho nhà sản xuất, đơn vị phát hành phim. Khi các cơ quan quản lý vào cuộc thì người quay trộm bị phạt 3 triệu đồng.

"Một người ăn trộm chiếc xe máy có thể bị đi tù, trong khi đó ăn trộm tài sản trí tuệ có giá hàng trăm tỷ đồng như một bộ phim lại chỉ bị phạt 3 triệu đồng. Theo tôi, việc coi các sản phẩm của công nghiệp văn hóa là tài sản được định giá thì mới giải quyết được gốc rễ của vấn đề", bà Bích Hạnh chia sẻ.

Bà Hạnh tin tưởng, công nghệ văn hóa ở Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ như Hàn Quốc, vì bà thấy rằng, người Việt Nam rất tài năng, thế hệ trẻ sẽ đưa công nghệ và giúp những câu chuyện về văn hóa, lịch sử ở Việt Nam đi xa hơn.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Xâm phạm bản quyền phim thiệt hại cả trăm tỷ đồng lại chỉ phạt... cảnh cáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO