Tháng 5/2023, Tuấn Hùng được bầu làm Chủ tịch Hội sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Chỉ sau đó 2 tháng, cậu tiếp tục được bầu vào hội đồng trường, trở thành sinh viên duy nhất trong số 23 thành viên của hội đồng này.
Ngay từ khi là học sinh trường THPT Trung Giã (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), Tuấn Hưng có niềm đam mê với môn Vật lý, thích những điều liên quan tới máy móc, động cơ, robot... cậu cũng tự tìm hiểu thêm các tài liệu về các hệ thống thông minh, hệ thống tự động để nghiên cứu. Đó cũng là lý do cậu đăng ký xét tuyển vào ngành Kỹ thuật điều khiển tự động hoá, Đại học Bách khoa Hà Nội. Cậu trúng tuyển với 28,5 điểm tổ hợp khối A (Toán, Lý, Hóa).
Hưng yêu thích ngành này cũng bởi các kiến thức liên quan đến điện, thiết bị điện, chức năng, các cách để thiết kế ra hệ thống thông minh, thiết bị điều khiển chương trình điều khiển.
Yêu thích ngành học nhưng Hưng từng khá vất vả để bắt kịp được nhịp học ở đại học. Học kỳ đầu đại học, mỗi tiết trên giảng đường luôn chật kín khoảng 100 - 150 sinh viên, thầy cô không thể sát sao, rất dễ sao nhãng việc học và ngủ gục trên bàn. “Thời gian đầu em thực sự gặp khó khi tiếp xúc lượng kiến thức khổng lồ, nhất là các môn về lý luận chính trị", nam sinh chia sẻ. Cậu từng chủ quan nghĩ rằng không cần học quá nhiều, trước ngày thi ôn tập bài vẫn kịp.
Hệ quả, học kỳ đầu tiên cậu đạt kết quả trung bình chung với 2.33/4.0. Bản thân cậu chưa bao giờ bị nhiều điểm thấp tới vậy nên không dám nói với gia đình.
Đối ngược hoàn toàn với Hùng ở năm nhất, người bạn thân đạt thành tích học tập rất cao, càng khiến cậu sốc và hoài nghi về năng lực của bản thân.
Từ cú sốc học kỳ I, sang học kỳ II, Hùng bắt đầu lập kế hoạch "phục thù". Cậu đăng ký vào “Ban cán sự năm nhất” - câu lạc bộ đặc biệt trực thuộc đoàn thanh niên và hội sinh viên trường có nhiệm vụ cung cấp thông tin, hoạt động, các cuộc thi trực tiếp tới các bạn sinh viên năm nhất.
Tại đây Hùng được các anh chị khóa trên chia sẻ về các phương thức học tập, cách sắp xếp thời gian hợp lý.
Sau thời gian học trên lớp, mỗi ngày Hùng đều duy trì thói quen tự học ở nhà đến 1 - 2h sáng, tự tổng hợp kiến thức và làm bài tập.
"Trong thời gian dịch COVID-19, tất cả sinh viên đều học online, nhưng em coi đây là lợi thế. Mỗi buổi học online đều được các thầy cô lưu lại thành video gửi cho sinh viên xem lại. Do đó, khi quên kiến thức, em dễ dàng mở lại bài giảng cũ của thầy cô để xem lại. Cho đến thời điểm hiện tại em vẫn còn sử dụng các bài giảng như vậy để học tập", nam sinh Hà Nội chia sẻ. Cậu đạt điểm trung bình học tập 3.46/4.0 ở học kỳ II năm nhất.
Ngoài thời gian học tập, Hùng cũng dành thời gian buổi chiều và tối cho câu lạc bộ sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội để hỗ trợ các bạn sinh viên mất định hướng học tập.
Trước đây khi chưa làm Chủ tịch Hội sinh viên, công việc Hùng không quá nhiều, nhưng khi đảm nhiệm vị trí mới, lượng công việc “trên trời rơi xuống” khá nhiều. Việc cậu phải xin phép thầy cô để ra ngoài giải quyết các công việc như tổ chức sinh hoạt công dân, talk show chia sẻ phương pháp học tập cho các bạn sinh viên... diễn ra khá thường xuyên.
Hiện Hùng cũng là thành viên của hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội, trọng trách càng lớn hơn Vai trò của cậu trong hội đồng đại học là đại diện cho ý kiến, nguyện vọng của sinh viên về các hoạt động của nhà trường.
Hùng cũng cho biết, khi đảm nhận hai vị trí mới này, cậu phải nghỉ công việc gia sư môn Vật lý vì không đảm bảo được việc học và tham gia hoạt động. Chia sẻ về dự định của bản thân, Hùng sẽ cố gắng hoàn thành bậc cử nhân thật tốt và tiếp tục theo học lên bậc thạc sỹ tại trường.
Chị Nguyễn Thị Phương Dung, Uỷ viên Ban thường vụ Đoàn thanh niên Đại học Bách khoa Hà Nội nhận xét, Nguyễn Tuấn Hùng là thủ lĩnh sinh viên bản lĩnh, nhiệt huyết và sáng tạo.
"Hùng luôn sâu sát mọi hoạt động, tận tâm với các nhiệm vụ, chân thành với mọi người. Bạn cũng rất nỗ lực hoàn thành tốt các học phần và đam mê nghiên cứu khoa học", chị Dung nói.