Vụ 'xén' khu bảo tồn xây đô thị ở Thái Bình: Sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái

Đức Văn| 30/08/2023 08:30

Nhiều người dân bày tỏ việc thu hẹp 11.000ha Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải để phát triển kinh tế có thể sẽ tác động đến môi trường và ảnh hưởng đến hệ sinh thái ở đây.

Liên quan đến việc tỉnh Thái Bình thu hẹp diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải từ 12.500ha xuống còn 1.320ha, trao đổi với phóng viên Dân trí,  ông Phạm Văn Thông (51 tuổi), trú xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, một người đang nuôi thủy, hải sản ở khu bảo tồn), cho rằng việc thu hẹp như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường, hệ sinh thái và nhiều người đang mưu sinh ở đây.

"Nếu làm sân golf, khu nghỉ dưỡng ở khu vực này thì chỉ có phá đi những cây mà người dân trước đó đã trồng. Tôi đồng ý là nếu phát triển kinh tế ở đây thì rất tốt, nhưng cũng mong muốn các cơ quan chức năng suy nghĩ thiệt hơn về việc thu hẹp phần lớn diện tích ở khu bảo tồn này. Nếu thu hẹp nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường, hệ sinh thái và nhiều người đang nuôi tôm, cua… ở đây", ông Thông nói.

Vụ xén khu bảo tồn xây đô thị ở Thái Bình: Sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái - 1

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (Ảnh: Đức Văn).

Còn ông Vũ Quốc Hương (60 tuổi), trú tại xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định (một người nuôi tôm sú ở khu bảo tồn) cho biết: "Cuối năm 2000, tôi cùng 4 anh em góp tiền thuê 10ha đầm để nuôi tôm sú. Thời điểm chúng tôi ra đây toàn là cây lau sậy cao cả mét. Chúng tôi phải phát quang, đắp đầm, làm đường rồi trồng cây sú vẹt để nuôi tôm sú và cua".

Vụ xén khu bảo tồn xây đô thị ở Thái Bình: Sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái - 2

Người dân lo ngại một khi thu hẹp diện tích của khu bảo tồn Tiền Hải thì sẽ ảnh hưởng đến thực vật, các loài chim, cò (Ảnh: Đức Văn).

Ông Hương cho biết thêm, thời điểm này mùa nắng nóng nên ít chim hơn, chứ thời tiết mát mẻ hơn thì chim, cò mỏ thìa, cò lửa, sếu đầu đỏ, sâm cầm, ngỗng, mòng két lại di cư về đây rất đông.

"Tôi rất tự hỏi là nếu làm khu kinh tế thì sẽ phá bỏ nhiều cây, thu hẹp diện tích khu bảo tồn này lại. Chúng tôi nuôi tôm ở đây, các cây dại ven đường đi do chúng tôi đắp cũng không nỡ chặt bỏ đi vì để chống bão gió.

Nếu giờ thu hẹp diện tích để làm kinh tế thì bắt buộc phải phá bỏ nhiều cây ở đây liệu có làm ảnh hưởng đến môi trường không? Mùa mưa bão sẽ như thế nào? Rồi các loại chim liệu sẽ còn nơi trú ẩn không?", ông Hương băn khoăn.

Vụ xén khu bảo tồn xây đô thị ở Thái Bình: Sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái - 3

Ông Vũ Quốc Hương băn khoăn việc thu hẹp diện tích khu bảo tồn liệu có làm ảnh hưởng đến môi trường không? (Ảnh: Đức Văn).

Cùng chung quan điểm với ông Hương, ông Phạm Văn Tâm (63 tuổi), trú tại xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, cũng đang nuôi thủy sản ở đây cho rằng nếu bây giờ tỉnh thu hồi diện tích đầm ông đang thuê để làm kinh tế thì ông chấp nhận, vì đấy là chủ trương. Nhưng ông rất muốn giữ lại diện tích thuê đầm để tiếp tục canh tác.

"Tôi đã bỏ vào đây rất nhiều của cải, công sức. Giờ bỏ đi thì tiếc thật! Cá nhân tôi nghĩ, nếu đổi môi trường sinh thái để phát triển đô thị, là chỉ nhìn vào cái lợi trước mắt, còn về lâu dài thì không nên", ông Tâm nói.

Vụ xén khu bảo tồn xây đô thị ở Thái Bình: Sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái - 4

Ông Phạm Văn Tâm cho rằng nếu đổi môi trường sinh thái để phát triển đô thị, là chỉ nhìn vào cái lợi trước mắt, còn về lâu dài thì không nên (Ảnh: Đức Văn).

Ngoài ra người dân nuôi thủy sản ở đây rất lo lắng vì khi thu hồi đầm bãi, ngoài mất công ăn việc làm, họ sẽ không được đền bù hỗ trợ gì, dù là tài sản trên đất.

Ông Tâm cho biết thêm: "Tính ra một ô đầm ở đây đều là mấy hộ gia đình chung nhau làm, chỉ để một người đi ra làm và mỗi một năm sẽ chia tiền cho những hộ đã góp vốn chung. Mà khi thu hồi chúng tôi cũng không được đền bù, hỗ trợ gì cả. Dù là tài sản trên đất, vật nuôi, cây trồng, như vậy chúng tôi rất thiệt. Năm ngoái tôi phải làm lại một cái cống do cống cũ đã sập chi phí mất 200 triệu, nếu bây giờ thu hồi tôi coi như mất trắng".

Theo nhiều người dân, trước năm 2000 khu vực này ngoài một số ít cây ngập mặn, ở các đầm, bãi triều toàn bộ là cây lau sậy và một số loài thực vật khác. Khi người dân ra nuôi thủy sản ở đây mới bắt đầu phát bỏ lau sậy và trồng cây sú vẹt. Để có được diện tích sú vẹt ở các đầm, bãi triều như hiện nay, đó cả là một quá trình.

Người dân lo ngại một khi thu hẹp diện tích của khu bảo tồn Tiền Hải thì sẽ ảnh hưởng đến thực vật, các loài chim, cò mỏ thìa, sếu đầu đỏ, sâm cầm ... không còn chỗ trú và việc xâm thực nước biển, chống gió bão sẽ không được như trước.

Tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh Thái Bình đã có quyết định số 731 về việc xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại 3 xã ven biển Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh, thuộc huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình có tên gọi là Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (khu bảo tồn Tiền Hải).

Với quyết định số 731, khu bảo tồn Tiền Hải sẽ bị thu hẹp từ 12.500ha xuống còn 1.320ha so với quyết định 2159 về việc phê duyệt đề án và xác lập khu bảo tồn Tiền Hải.

Lý do để tỉnh Thái Bình ra quyết định thu hẹp diện tích khu bảo tồn Tiền Hải là để phù hợp với việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vụ 'xén' khu bảo tồn xây đô thị ở Thái Bình: Sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO