Theo đó, cô Đặng Việt Hà - giáo viên chủ nhiệm lớp 10A15 (Trường THPT chuyên Đại học Vinh) cho biết, bản thân và các em học sinh trong lớp đều rất sốc khi biết tin em N. tự tử.
Nữ sinh này là một học sinh ngoan, có nghị lực trong học tập. Lớp 10A15 có 27 học sinh, mỗi em có một cá tính riêng. Đầu năm học, N. chơi thân với một nhóm bạn trong lớp. Tuy nhiên, khoảng tháng 11/2022 nhóm bạn này không còn chơi với nhau.
Khi biết sự việc này, cô Hà đã gặp các em học sinh để tìm hiểu nguyên nhân, song các em chỉ nói “do không còn hợp tính nhau”. Trước thông tin một số học sinh lập nhóm anti-fan để nói xấu N., cô Hà cho hay việc này nằm ngoài tầm kiểm soát của giáo viên chủ nhiệm, cô không nằm trong nhóm nên không nắm được sự việc.
Xem thêm: Nữ sinh trường chuyên ở Nghệ An tự tử, nhà trường nói gì?
Theo cô Hà, thời gian gần đây, em N. thường xuyên nghỉ học với lý do đau chân, đau vai cổ... Khi tần suất nữ sinh này nghỉ học quá nhiều, cô Hà gọi điện thoại cho mẹ của em N. thì mới được biết thời gian đầu là mẹ của em nhắn tin xin cho N. nghỉ học. Còn những buổi sau là do N. không muốn đi học nên lấy điện thoại của mẹ để nhắn tin xin cô giáo nghỉ.
Sau đó, cô Hà tìm gặp em N. nói chuyện. Nữ giáo viên này cho hay, vì quan tâm nên hỏi han tình hình sức khỏe của em chứ không mắng hay nặng lời với N.
Chiều 17/4, gia đình và người thân vẫn đang lo hậu sự cho em N.T.Y.N. Theo người thân của N., trước khi xảy ra cái chết thương tâm, nữ sinh này thường nhắn tin cho mẹ của mình, tâm sự “chán, không muốn đi học nữa”. Khi được mẹ hỏi lý do, em N. cho hay, “em ghét cô Hà”.
Giáo viên chủ nhiệm của N. cho hay, nữ sinh này từng nhắn tin với cô xin mẫu giấy chuyển lớp, song cô trả lời không có. Còn về quyền quyết định thuộc trách nhiệm của ban giám hiệu nhà trường, do đó cô không tìm hiểu nguyên nhân sâu xa.
Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Đại học Vinh Phạm Xuân Chung xác nhận, khoảng giữa học kỳ 1, em N. trực tiếp lên gặp thầy hiệu trưởng để xin chuyển sang một lớp khác. Tuy nhiên, nữ sinh này không nói nguyên nhân là do bị bạn cô lập, nói xấu… mà nêu lý do thích một cô giáo ở lớp khác nên muốn chuyển.
“Trong chương trình mới này không phải muốn chuyển là chuyển ngay được. Nhà trường có phân hóa giữa các lớp khác nhau, các môn học khác nhau. Em N. phân vào lớp thứ 3 theo điểm đầu vào nên nếu muốn chuyển lên thì em phải có thêm thời gian chứng minh năng lực”, ông Chung nói và cho biết, sau đó ông đã khuyên em N. về cố gắng học tập tốt hơn để có thể chuyển lớp theo nguyện vọng.
Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền thông tin nữ sinh N. tự tử do bị đánh, bị ngược đãi và bị áp đảo tâm lý".
Sự việc xuất phát từ một tài khoản tự nhận là người thân của N. chia sẻ: "Gia đình mất con, chúng tôi mất cháu. Thương tiếc bao nhiêu công lao dưỡng dục chăm bẵm. Thương tiếc bao nhiêu, đứa trẻ mạnh mẽ, ngoan ngoãn... cuối cùng lại bị tổn thương bởi xã hội và chính xác là bạo lực học đường. Tự bản thân gia đình nhận lỗi khi không nắm bắt được con/cháu mình đang rơi vào hoàn cảnh nghiêm trọng đến thế".
Người đăng tải bài viết cho biết, nữ sinh N. học lực tốt nhưng bỗng dưng bỏ học, nói với mẹ "con sợ đi học, sợ đến trường". Khi người mẹ tìm hiểu mới biết con là nạn nhân của bạo lực học đường.