Điều gì đã khiến một ca nhạc sĩ từng sở hữu hàng loạt bản hit được giới trẻ yêu thích lại lựa chọn dần rời xa sân khấu? Điều gì khiến Vũ Cát Tường sau 30 tuổi lại suy nghĩ nhiều về năng lượng và sự bình an trong cuộc sống?
Và điều gì đã khiến giọng ca sinh năm 1992, sau khi đi qua nửa đời người, chỉ mong mỏi được trở thành... người bình thường?
3 năm đi tìm một câu trả lời
- Có người bảo rằng Vũ Cát Tường chắc đang "gặp vấn đề gì đó" mới chọn con đường dần rời xa sân khấu, không màng đến các bảng xếp hạng âm nhạc?
(Cười) Tường nghĩ là do bản thân mình đã tới cái tuổi bắt đầu đặt câu hỏi thôi!
Những năm tháng tuổi trẻ, mình đi nhiều, làm nhiều, theo đuổi những thứ mà mình nghĩ phải đạt được cái này, cái kia thì mới hạnh phúc. Nhưng tới năm 30-31 tuổi, tự nhiên Tường bắt đầu ra đặt câu hỏi rằng mình thật sự muốn cái gì, trân trọng cái gì và đang theo đuổi cái gì?
Tất cả dấy lên bên trong buộc bản thân Tường phải dành thời gian đi tìm câu trả lời.
Vũ Cát Tường chia sẻ về cuộc sống sau 30 tuổi khi dần rời xa sân khấu (Ảnh: Hải Long).
- Vậy những năm trước 30 tuổi, Vũ Cát Tường cảm nhận bản thân đi không đúng hướng?
Thật sự bây giờ nhìn lại năm 2019-2020, Tường vẫn ngỡ ngàng, sao năm đó mình "trẻ trâu" vậy? (cười). Phiên bản sau 30 tuổi buộc mình phải học nhiều thứ sâu rộng hơn, bình tĩnh hơn.
Rồi đột ngột dịch Covid-19 diễn ra, mọi thứ đóng băng, nhiều mối quan hệ không còn phù hợp. Nhưng bạn biết không, điều đó lại cho Tường nhìn thấy nhiều thứ bên trong mình. Bởi năm 21 tuổi, Tường bước vào âm nhạc và bị từ chối nhiều. Chính điều đó tạo nên nỗi đau lớn khiến mình càng yêu nó, càng kiệt sức vì nó.
Nhiều lúc, Tường bất chợt hỏi mình: "Sao yêu mà lại đau đớn quá vậy?". Sau nay, Tường mới biết: "À! Bởi tình yêu đó không lành mạnh". Nó đặt trên vai Tường nhiều ước vọng, muốn bản thân phải đạt cái này cái kia, trở thành người này người nọ… đến kiệt sức.
Khi ấy, Tường cảm nhận bản thân nên bớt mong đợi và từ bi với chính mình hơn.
- Sự từ bi với bản thân đó là như thế nào?
Trong đoạn "sương mù" của cuộc đời, chúng ta đừng mong đợi ai hiểu mình, bởi chính bản thân mình còn đang không hiểu mình. Lúc đó, Tường không thể nói chuyện với ai, thậm chí là gia đình, ba mẹ. Tường đóng hết các cánh cửa lại, lắng nghe trực giác của mình để đi tìm câu trả lời.
Sau sự kỳ vọng, Vũ Cát Tường cho mình được từ bi với bản thân hơn (Ảnh: Hải Long).
Tường hiểu rằng khi bản thân mình chưa "sáng" thì âm nhạc của mình sẽ không thể "tỏ" được. Vì vậy, dù ngoài kia mọi người giục "Tường ơi, Tường đang làm cái gì vậy?", nhưng trong lòng Tường thủ thỉ "hãy bỏ qua hết những ồn ào đi".
Thời điểm ấy, bất cứ cái gì Tường trải nghiệm, Tường nghĩ đó là điều phải xảy ra nên bản thân cứ chân thành, trải nghiệm với 100% năng lượng. Tường tự cho phép mình thời hạn 3 năm từ 30 tuổi đến 33 tuổi chỉ để ngồi lại, đối thoại với bản thân.
- Dành 3 năm chỉ để đi tìm một câu trả lời, liệu có quá lâu?Chúng ta có 2 cách để học một bài học. Thứ nhất là tự trải nghiệm nhằm thấu hiểu, đó là cách dành cho những "linh hồn trẻ". Còn với những người trải qua nhiều kiếp như Tường, quan sát thôi là đã ra vấn đề. Nhưng càng "cứng đầu" thì cuộc đời càng đưa ra những bài học khiến cho bạn tỉnh ngộ.
Thế nên, nếu như tới năm 33 tuổi, Tường vẫn chưa tìm được câu trả lời, thì Tường vẫn phải tiếp tục đi tìm.
Tường có thực hiện podcast mang tên "Thời gian là đường một chiều", tức con đường ấy mình không thể đi lùi. Ngày mai, bạn vẫn phải thức dậy đi làm, ngày hôm sau vẫn là một phép trừ, đẩy bản thân đến gần năm 33 tuổi.
Đừng đòi hỏi câu trả lời sẽ xuất hiện ngay, đôi lúc nó cần hơn 3 năm. Cái mình đang trải nghiệm là điều tất nhiên phải xuất hiện trong hành trình làm sáng tỏ bản thân. Vì vậy, mình không cần phải vội vàng.
Điều tốt nhất khi ta mắc kẹt trong bóng tối là nhắm mắt, từ từ điều chỉnh luồng sáng mới thấy được con đường!
"Là nhạc sĩ, phải thành thật với bản thân"
- Trong hành trình đó, Tường đã thấy những gì?
Sự ngổn ngang, chưa thành thật với con đường sáng tạo và bản thân.
- Sự không thành thật đó có phải lý do khiến Tường từng chia sẻ rằng sẽ không bao giờ hóa thân thành ai khác trong các MV?
Tường nghĩ mình không thể đóng một vai nào nữa! Bây giờ đạo diễn đưa cho Tường kịch bản, bắt Tường diễn, Tường không làm được! Mình thực hiện dự án là mang tới cảm xúc cho người khác, nhưng không thành thật với cảm xúc bản thân thì làm sao mang cho ai?
Đã đến lúc mình dũng cảm nói với khán giả rằng mình chỉ muốn đóng vai chính mình trong cuộc đời mình thôi!
- Còn chuyện sáng tác, Tường cũng từng chia sẻ rằng bản thân biết công thức tạo ra những bản hit, thế nhưng hiện tại Tường lại không thực hiện nữa. Điều gì đã khiến Tường dừng lại?
Tất cả đều đến từ 2 phía. Một người chưa có hit sẽ luôn khát khao có được. Đó là Tường của Vết mưa, Em ơi, Yêu xa… Những ca khúc này đã giúp khán giả biết Tường là ai. Nhưng sau khi có hit rồi thì sao?
Thời điểm đó, mỗi ngày Tường luôn đối diện với áp lực tạo hit cùng sự mong đợi của khán giả. Tường cảm giác nó giới hạn bản thân, buộc mình đi theo lối mòn mà không bao giờ dám mở rộng trải nghiệm cuộc sống khác hơn.
Bản chất của nhạc sĩ là ghi dấu cuộc đời, vì vậy họ cần phải thành thật với tác phẩm, với cảm xúc. Nếu không như thế, khác nào bạn "sinh con" cho xong?
Càng đi, Tường càng tin rằng sự phát triển của một người cần nhiều hơn thế. Nó không chỉ là hit mà còn là hệ giá trị bạn mang lại cho thế giới này.
Biết công thức tạo hit, nhưng Vũ Cát Tường chia sẻ sẽ không thực hiện để có nhiều trải nghiệm sống khác hơn (Ảnh: Hải Long).
- Nhưng sự thật, chính khán giả nhận xét Tường không còn tạo ra nhiều hit, thậm chí nhiều người còn nói họ đang không hiểu Tường hát về điều gì…
Giai đoạn từ 30 đến 33 tuổi, đừng mong đợi ai sẽ hiểu mình. Tất cả những thứ Tường đang làm là đi tìm câu trả lời, đối thoại với bản thân.
Có 2 điều mình phải làm trước khi bước ra nói chuyện với người khác: Một là chấp nhận chính mình, hai là chấp nhận sự thay đổi kèm theo đó là việc đừng mong đợi. Đừng mong đợi người ta hiểu, đừng mong đợi không có ai trách, đừng mong đợi sẽ nổi tiếng, bài hát thành hit…
Tường chọn ghi lại hết cuộc đời trong các sáng tác, để một lúc nào đó mình nhìn lại, kể cả khi thấy tấm ảnh Tường thời tóc xanh, tóc đỏ mà vẫn bật cười: "Trời ơi! Sao ngày xưa mình có thể làm được vậy! Hay thật!".
Những sáng tác của mình gieo ở đâu, cứ để ở đó. Hiện tại khán giả chưa đi qua giai đoạn đó, chưa tới thời điểm mất mát người thân như mình đã trải, chưa thấy sự vô nghĩa trong cuộc sống như mình đã thấy… Nhưng khi họ đã đi qua, họ sẽ lật lại bài đó, nghe và hiểu.
"Tôi công khai giới tính để không bị hỏi bao giờ lấy chồng"
- Sự "không hiểu" ở hiện tại đã khiến Tường gặp khó khăn như thế nào?
Tường buộc phải đối diện với việc chia tay người yêu gắn bó 5 năm, bạn bè, cộng sự cũ... Nhưng Tường tin người nào "đúng" thì sẽ quay lại.
Trước 30 tuổi, mình suy nghĩ làm sai thì có thể làm lại. Qua 30 tuổi, cơ hội đó không còn nhiều. Cuộc sống trước là theo ý bản thân, nhưng đến giai đoạn này vũ trụ bắt mình sắp xếp lại để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo. Vì vậy, những mối quan hệ, cái tôi, sự kỳ vọng… đều đến lúc mình phải tập buông.
Chuyện tình yêu đồng điệu và come-out sau tuổi 30 cũng được Vũ Cát Tường tiết lộ (Ảnh: Hải Long).
- Còn "người ấy" của Tường, liệu có thấu hiểu hết những gì Tường suy nghĩ?
Thật sự con đường đi vào bên trong, Tường không thể dẫn theo ai. Tường vẫn đang đi tìm chính mình trước khi kết đôi với một ai đó. Bởi lẽ việc không hiểu mình dẫn đến chuyện mình dễ đặt những mong cầu, thậm chí là vết thương của mình lên người ta, làm khổ cả mình, cả người.
Nhưng may mắn mình nghĩ bạn ấy là một người có sự thấu cảm cao. Cộng với khả năng lắng nghe và trải nghiệm của chính mình, bạn ấy vẫn chia sẻ được với Tường.
- Tại sao Tường chọn cột mốc 30 tuổi để quyết định công khai giới tính và chuyện tình yêu?
Tường là người muốn rõ ràng với những người yêu quý mình. Thế nên, đó là lời khẳng định của Vũ Cát Tường để công chúng, khán giả không hỏi... khi nào lấy chồng.
Câu hỏi đó trước 30 tuổi thì vui. Sau 30 tuổi, mình lười trả lời nhưng lại sợ người ta nghĩ mình không tôn trọng họ. Vì vậy mình trả lời một lần để mọi người biết là Tường không vô tâm với câu hỏi đó.
"Một ngày nào đó ra đường không ai nhận ra, đó là người bình thường"
Đến 33 tuổi - thời hạn cuối cùng của quá trình đi tìm câu trả lời, Tường mong muốn nhìn thấy con người của mình như thế nào?
- Người bình thường.
- Người bình thường ấy sẽ sống như thế nào?
"Người bình thường như anh. Chẳng vội đi nhanh. Ngày ba bữa cơm canh. Tập vui lúc khó. Yêu từng bước nhỏ. Quen đối diện lắng lo..." (lời bài hát Người bình thường - PV).
- Nếu mọi thứ thành hiện thực, một ngày nào đó bước ra đường không còn hào quang, không ai vẫy tay, xin chữ ký, Tường sẽ đối diện như thế nào?
Ai cũng có "thời hạn sử dụng" của mình về tuổi tác, sức khỏe, sự nổi tiếng, bản hit… Càng về sau, nhiều nhân tài xuất hiện, tại sao Tường lại bắt khán giả vẫn chọn mình?
Trong 3 năm từ 30 đến 33 tuổi, Tường đã cho bản thân thời gian để suy nghĩ thật kỹ mình muốn gì. Ngay cả trong concert Người bình thường sắp diễn ra, có người hỏi "nếu không còn nhiều fan đến dự nữa thì sao?". Thì mình chịu! Mình đã chấp nhận chuyện không mong đợi nên cần phải đối diện với tất cả khó khăn lẫn thành công.
Với Tường, mọi thứ đều là hạnh phúc! Bởi sau 30 tuổi, ở Tường, không còn câu chuyện "bài hit" nữa mà là tương lai, gia đình và chính bản thân.
Xin cảm ơn những chia sẻ thú vị của Vũ Cát Tường!
Theo Dân Trí