Vụ án 'chuyến bay giải cứu': Nhiều bị cáo khai bị hành, ép đưa hối lộ

12/07/2023 07:54

Trả lời các câu hỏi của HĐXX về việc xin cấp giấy phép thực hiện các chuyến bay giải cứu, nhóm bị cáo đại diện cho các doanh nghiệp cho biết họ bị “làm khó”, nếu không chi tiền cho Cục Lãnh sự và cựu cán bộ thuộc tổ công tác của 5 Bộ sẽ bị “gạt hồ sơ”.

“Cục Lãnh sự không bảo hộ công dân đâu mà hành dân”

Sau gần một ngày công bố cáo trạng, cuối giờ chiều 11/7, HĐXX tiến hành xét hỏi 54 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu”. Trước khi bắt đầu xét hỏi, HĐXX quyết định cách ly bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao); Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Xây dựng Thái Hòa) và Hoàng Văn Hưng (nguyên Trưởng phòng điều tra thuộc Cục An ninh điều tra Bộ Công an).

Vụ án 'chuyến bay giải cứu': Nhiều bị cáo khai bị hành, ép đưa hối lộ ảnh 1
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan

Trả lời đầu tiên, bị cáo Đào Minh Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun) cho hay, quá trình xin cấp phép các chuyến bay giải cứu đã bị hai bị cáo Vũ Anh Tuấn (cựu Phó phòng thuộc Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an) và Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) gọi điện “ép” đưa tiền.

Theo bị cáo Dương, khi gặp mặt Phạm Trung Kiên, Dương bị người này quát tháo và bảo: “Tôi biết các anh đưa tiền cho anh Tuấn thì cũng phải đưa cho tôi 150 triệu một chuyến”. Trong khi gặp mặt Vũ Anh Tuấn thì bị nói: “Em không cần tiền của các anh nhưng các anh không đưa để em đưa sếp thì chuyến bay không được duyệt”.

Trước sức “ép” của hai cựu cán bộ đại diện cho Bộ Y tế và Bộ Công an, Dương buộc phải đưa cho Kiên 1,1 tỷ đồng, Tuấn 1,6 tỷ đồng. Cũng theo trình bày của Dương, trước đó anh ta từng xin thực hiện các chuyến bay giải cứu nhưng do không đưa tiền nên bị “làm khó” mỗi lần nộp hồ sơ tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đều bị “gạt đi”.

“Ở Cục Lãnh sự, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan còn gây khó khăn, bảo bị cáo đưa tiền nhưng bị cáo không đưa nên sát ngày mới cấp phép, khó khăn cùng cực”, Dương nói.

Bị cáo giải thích rằng, khi thực hiện các chuyến bay, phải thế chấp trước 30% tiền thuê tàu bay, rồi phải nộp đủ khi được cấp phép, mỗi lần thuê máy bay từ 6 - 9 tỷ đồng.

Trong khi đó, việc không chịu đưa tiền đã khiến Cục Lãnh sự gây khó, còn công dân ở nước ngoài muốn về phải trả tiền nhà, xin nghỉ việc, gửi đồ đạc mà cứ “mai bay hôm nay mới biết mình được về” là hành hạ họ. “Cục Lãnh sự không bảo hộ công dân đâu mà hành dân”, bị cáo Dương bức xúc.

Cũng tại phần trả lời xét hỏi của mình, Dương cho biết ngoài Kiên và Tuấn, bị cáo còn phải đưa cho Vũ Ngọc Minh (cựu Đại sứ tại Angola) 864 triệu đồng. Theo Dương, tại Angola không có các hãng hàng không nên muốn được hạ cánh đón người, phải có đại diện ngoại giao cấp bay.

Không chi tiền sẽ bị làm khó

Tương tự như các bị cáo trả lời trước đó, bị cáo Phan Thị Mai (Giám đốc Công ty Sao Hà Nội) khai toàn bộ hồ sơ cấp phép bay giải cứu đều nộp tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao; đồng thời thừa nhận bản thân đưa tiền hối lộ cho Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký một lãnh đạo Bộ Y tế). Ngoài Kiên, Mai còn đưa cho Ngô Quang Tuấn (cựu Chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế Văn phòng Chính phủ). Việc đưa tiền này nhằm mục đích “dễ dàng” thực hiện các chuyến bay.

Còn bị cáo Tào Đức Hiệp (Giám đốc Công ty Công đoàn Đường sắt) cho biết, từ tháng 9/2020 - 11/2021, Công ty của bị cáo đã nộp rất nhiều hồ sơ nhưng không được giải quyết. Sau này, thông qua người thân của cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng, bị cáo Hiệp đã gặp mặt và đặt trên bàn làm việc của ông Dũng 10.000 USD.

Từ lần gặp mặt ông Dũng, Công ty của Hiệp bắt đầu được cấp phép các chuyến bay giải cứu. Quá trình thực hiện các chuyến bay, bị cáo Hiệp phải đưa thêm tiền “cám ơn” một số bị cáo khác tại Cục Lãnh sự.

Cùng trả lời xét hỏi, các bị cáo Đào Thị Chung Thúy (lao động tự do); Võ Thị Hồng (Giám đốc Công ty Minh Ngọc); Nguyễn Thế Dũng (Giám đốc Công ty Sang Trọng); Vũ Minh Thắng (Giám đốc Công ty Thuận An) và Trần Hồng Hà (Giám đốc Công ty Sao Việt) đều thừa nhận, quá trình xin cấp phép các chuyến bay đều bị các cán bộ tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao; Bộ Y tế; Văn phòng Chính phủ… gây khó dễ. Do đó, buộc phải chi tiền thì mới thuận lợi.

Vẫn theo lời khai của bị cáo Dương, trong một lần tổ chức chuyến bay giải cứu đưa người dân Việt Nam đang mắc kẹt tại Angola về nước, đã tìm đến ông Vũ Ngọc Minh (cựu đại sứ Việt Nam tại Angola) nhờ giúp đỡ. Ông Minh đồng ý hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục cất, hạ cánh tại Angola, nhưng kèm điều kiện, tất cả người về phải cho xem danh sách khi ông đồng ý mới được bán vé và mỗi vé phải chi cho ông Minh 3 triệu đồng. Công ty đã tổ chức chuyến bay đưa 298 công dân về nước và tổng cộng bị cáo đưa cho ông Minh 864 triệu.

Đưa hối lộ 226 tỷ đồng để được cấp phép “chuyến bay giải cứu”

Cáo trạng xác định, khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch. Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của 5 Bộ (Ngoại giao, Y tế, Công an, Quốc phòng, GTVT) và địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay, cho chủ trương cách ly.

Quá trình thực hiện, từ tháng 9/2020 - 12/2022, có 25 cán bộ (trong đó có cựu cán bộ Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao) và các đơn vị liên quan đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao, nhận hối lộ hơn 164 tỷ đồng và gây thiệt hại hơn 10,4 tỷ đồng; 23 cá nhân là đại diện doanh nghiệp đưa hối lộ 226 tỷ đồng; 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74,4 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 24,5 tỷ đồng.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vụ án 'chuyến bay giải cứu': Nhiều bị cáo khai bị hành, ép đưa hối lộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO