Theo CNN, các quan chức Mỹ cảnh báo lá chắn “Vòm sắt” của quân đội Israel có thể bị quá tải nếu lực lượng Hezbollah ở Lebanon huy động kho tên lửa và máy bay không người lái (UAV) cho cuộc xung đột toàn diện với Israel, đồng thời nhấn mạnh đây là “những lo ngại nghiêm túc” của Washington. Thậm chí một trong những quan chức trên nói rằng, ít nhất một vài khẩu đội trong hệ thống “Vòm sắt” sẽ bị quá tải hoàn toàn.
Trước đó, chính Tel Aviv cũng từng đề cập mối lo ngại này với Washington, cụ thể quân đội Israel thừa nhận “Vòm sắt” dễ tổn thương trước kho tên lửa và UAV dồi dào, liên tục tăng cường số lượng của Hezbollah. Một quan chức Israel thừa nhận nguy cơ này có thể trở thành hiện thực nếu Hezbollah tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn bằng vũ khí dẫn đường chính xác cao, loại khí tài có thể đặt ra nhiều thách thức cho “Vòm sắt”.
Hệ thống phòng không “Vòm sắt” được lắp đặt gần Jerusalem trong bối cảnh xung đột tiếp diễn ở dải Gaza. Ảnh: Getty |
Không phải ngẫu nhiên cảnh báo trên được đưa ra vào thời điểm nguy cơ bùng nổ xung đột toàn diện giữa quân đội Israel và lực lượng Hezbollah. Các chỉ huy quân đội Israel đã phê duyệt kế hoạch tác chiến cho cuộc tấn công qua biên giới vào Lebanon để đối phó Hezbollah. Nếu kế hoạch này được thực hiện, Israel sẽ mở ra mặt trận thứ hai ở miền Bắc, đồng thời với cuộc chiến tại dải Gaza, biến những đụng độ quy mô nhỏ với Hezbollah thành cuộc chiến tổng lực. Ngoại trưởng Israel, ông Israel Katz tuyên bố Tel Aviv đang tiến rất gần đến thời điểm “thay đổi luật chơi” trong xung đột với Hezbollah, nhấn mạnh "cuộc chiến tổng lực" với Israel sẽ khiến nhóm vũ trang ở Lebanon bị "hủy diệt".
Phản ứng trên của Israel được đưa ra sau khi Hezbollah tung video UAV trinh sát của lực lượng này đã dễ dàng lọt qua hệ thống phòng không tối tân “Vòm sắt” để xâm nhập không phận của Israel, ghi lại hình ảnh nhiều thành phố và khu định cư ở nước này ngay giữa ban ngày, trong đó có một phần căn cứ hải quân ở thành phố Haifa. Video cũng xuất hiện hình ảnh các cứ điểm quân sự Israel ở phía Bắc, cùng các trận địa phòng không như hệ thống đánh chặn tên lửa David's Sling và tổ hợp “Vòm sắt”. Đây là lần lộ điểm yếu tiếp theo của “Vòm sắt” sau cuộc tấn công ồ ạt bằng cách phóng hàng nghìn quả rocket từ dải Gaza của Hamas vào lãnh thổ Israel và lực lượng này tràn vào khu vực do Israel kiểm soát ngày 7-10 năm ngoái.
Giới chuyên gia quân sự từng nhận định, mặc dù “Vòm sắt” là hệ thống phòng không tinh vi nhưng vẫn có lỗ hổng và dễ dàng bị đối phương khai thác. Một hệ thống “Vòm sắt” chỉ có thể bảo vệ một khu vực tương đối nhỏ (khoảng 150km2). Hệ thống này cũng chỉ phát huy hiệu quả với một số lượng nhỏ các mục tiêu đang lao đến và tất cả đều tới từ cùng một hướng. Còn nếu trong một cuộc tấn công dữ dội hơn, gồm ít nhất khoảng 100 quả tên lửa, “Vòm sắt” cũng sẽ bất lực khi có tới 90% số tên lửa vượt qua hệ thống này để tấn công trúng các mục tiêu. Và khi “Vòm sắt” chặn loạt rocket đầu tiên, hệ thống này gần như không thể đối phó với loạt rocket thứ hai được bắn sau loạt đầu tiên gần một phút. Do vậy, rocket từ loạt bắn thứ hai, thứ ba và thứ tư sẽ tiếp cận mục tiêu trên thực tế mà không bị cản trở. Trong vụ tấn công ngày 7-10 năm ngoái, các tay súng Hamas đã khai thác nhược điểm này của “Vòm sắt” khi cố tình phóng loạt tên lửa từ các hướng khác nhau để áp đảo hệ thống này. Nhiều quả rocket trong số đó đã vượt qua hệ thống “Vòm sắt” và bắn trúng mục tiêu, khiến hàng trăm người thiệt mạng, nhà cửa bị hư hại.
“Vòm sắt” được thiết kế để đánh chặn các tên lửa và đạn pháo tầm ngắn cũng như các mối đe dọa ở tầm trung và tầm xa, bao gồm máy bay, UAV, pháo và tên lửa. Tuy nhiên, theo tướng về hưu Michael Herzog của quân đội Israel, một nhược điểm của “Vòm sắt” là hệ thống này ít hiệu quả hơn ở tầm bắn 4km trở xuống, nên các tên lửa tầm cực ngắn cũng có thể là mối đe dọa.
Mặc dù lộ những điểm yếu nhưng dù sao “Vòm sắt” cũng đã đóng vai trò rất quan trọng trong nỗ lực của Israel ngăn chặn các cuộc tấn công rocket từ dải Gaza và bảo đảm an ninh, an toàn cho các vùng lãnh thổ của nước này. “Vòm sắt” hoạt động dựa vào một hệ thống ra-đa và phân tích để xác định mục tiêu tên lửa có gây ra mối đe dọa hay không. Hệ thống này chỉ triển khai tên lửa đánh chặn nếu xác định tên lửa đang bay tới có nguy cơ nhằm vào một khu vực có dân cư hay cơ sở hạ tầng quan trọng. Chính nhờ tính năng ưu việt này, “Vòm sắt” sẽ tránh lãng phí tên lửa đánh chặn vào một rocket có thể rơi ở khu vực vắng vẻ. Hệ thống “Vòm sắt” do các doanh nghiệp quốc phòng Israel sản xuất với sự hỗ trợ tài chính, công nghệ của Mỹ và được đưa vào biên chế quân đội Israel năm 2011.
Mặc dù vậy, Chính phủ Israel vẫn bị cho là đã quá phụ thuộc vào hệ thống “Vòm sắt” mà không đầu tư thích đáng cho các hệ thống phòng thủ khác như hầm trú ẩn.
XUÂN PHONG