Thông tin đó được đại diện Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đưa ra tại Hội thảo bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành tư pháp về phát triển công tác xã hội, do Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp tổ chức ngày 21/11.
Thống kê cho thấy, hiện nay số lượng người yếu thế, dễ bị tổn thương, hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu sử dụng dịch vụ công tác xã hội nhằm giải quyết các vấn đề xã hội chiếm khoảng 20% dân số.
Trong đó, có khoảng 17 triệu người cao tuổi, 7,06 triệu người khuyết tật, 10 triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần, 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; khoảng 2,23% hộ nghèo và 3,1% hộ cận nghèo; 3,3 triệu người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và 1,5 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm…
Tình trạng bạo lực, bạo hành gia đình, phụ nữ và trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại; trẻ em lang thang kiếm sống trên đường phố; phòng chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm,... tiếp tục là những vấn đề xã hội nóng, bức xúc cần phải tập trung giải quyết.
Để phát triển đội ngũ người làm công tác xã hội chuyên nghiệp trợ giúp cho những người yếu thế, dễ bị tổn thương, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành: Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Luật Trẻ em, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, Luật Phòng chống bạo lực gia đình.
Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành các quyết định phát triển nghề công tác xã hội, làm cơ sở pháp lý cho bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện.
Đến nay 100% các tỉnh, thành phố có cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội thuộc ngành LĐ-TB&XH; 100% bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh đã thành lập các phòng, bộ phận công tác xã hội.
"Đội ngũ công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên làm công tác xã hội chuyên nghiệp đã được hình thành với khoảng 235.000 người. Đến nay đã có 55 trường đại học, cao đẳng và 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo chuyên ngành công tác xã hội. Hàng năm có hơn 10.000 lượt cán bộ, nhân viên và cộng tác viên xã hội được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xã hội", đại diện Cục Bảo trợ xã hội thông tin.
Dù vậy, khuôn khổ pháp lý phát triển công tác xã hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Các quy định về phát triển công tác xã hội được quy định tản mác tại nhiều văn bản, hình thức chủ yếu là văn bản cá biệt, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thông tư của các bộ.
"Chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định tổng thể, đầy đủ, chuyên sâu về công tác xã hội, quyền và nghĩa vụ của đối tượng công tác xã hội, người hành nghề công tác xã hội, quy trình và các điều kiện đảm bảo cung cấp dịch vụ công tác xã hội; trách nhiệm quản lý nhà nước và điều khoản thi hành về công tác xã hội", đại diện Cục Bảo trợ xã hội cho hay.
Trong khi đó, bà Lê Thị Thúy, đại diện Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp), phản ánh, thực tiễn cho thấy hoạt động trợ giúp pháp lý đã tham gia rất hiệu quả vào công tác xã hội.
"Đây là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Nó phù hợp với đông đảo nguyện vọng của nhân dân, với thực tiễn phát triển của đất nước", bà Thúy nói.
Tuy nhiên, theo bà Thúy, so với nhu cầu của người dân và nội dung vụ việc ngày càng phức tạp cho thấy số lượng trợ giúp viên pháp lý còn mỏng. Đặc biệt, ở một số địa phương số lượng trợ giúp viên pháp lý rất ít, gây khó khăn không nhỏ cho hoạt động này trên địa bàn, nhất là ở miền núi.
Hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người dân ở vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn do người dân ít có điều kiện được tiếp cận với phương tiện thông tin đại chúng. Đối tượng được trợ giúp pháp lý chưa biết hoặc chưa sử dụng tối đa quyền được trợ giúp pháp lý của mình.
Đại diện Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH sớm hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh nghề công tác xã hội; ban hành tiêu chuẩn, quy trình cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tiêu chuẩn đạo đức cán bộ làm trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, cơ quan này đề xuất các địa phương tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền và sở ngành về vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan trong triển khai công tác xã hội trường học. Xem xét bố trí ngân sách, cơ sở vật chất cho dịch vụ công tác xã hội tại địa phương.