Viện trưởng Lê Minh Trí nói về căn cứ phân hóa xử lý tội phạm vụ Việt Á

Hoài Thu| 20/03/2023 17:00

Theo Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí, trong vụ Việt Á, cơ quan điều tra, VKS, tòa án cùng nghiên cứu, đề xuất cấp chủ trương phân hóa làm 3 loại: Xử lý nghiêm, giảm và không xử lý hình sự.

Trong phiên đăng đàn chiều 20/3 tại phiên họp 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn đề cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đây là vấn đề mà ông Trí từng nhiều lần đề cập.

Vận dụng thì đúng, áp dụng lại thành sai

Chất vấn Viện trưởng VKSND Tối cao, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa nêu thực tế vừa qua có một số cán bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ, bên cạnh những việc làm được mang tính đột phá và không có yếu tố vụ lợi thì còn những việc sai sót, thậm chí vi phạm pháp luật.

Bà đề nghị Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết quan điểm và các giải pháp để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ, không bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng, đồng thời bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Viện trưởng Lê Minh Trí nói về căn cứ phân hóa xử lý tội phạm vụ Việt Á - 1

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa chất vấn Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí (Ảnh: Phạm Thắng).

Ông Lê Minh Trí khẳng định cá nhân ông và ngành kiểm sát luôn xác định tiếp tục quyết tâm cao nhằm thực hiện chủ trương của Đảng trong đấu tranh hiệu quả với phòng chống tham nhũng, tiêu cực. "Việc này để bảo vệ chế độ, xây dựng lòng tin của người dân", theo ông Trí.

Mặt khác, ông nhấn mạnh phải xử lý nghiêm đối tượng cầm đầu, chủ mưu, vụ lợi, chiếm đoạt gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Tuy nhiên, Viện trưởng VKSND Tối cao cũng nêu thực tế có trường hợp cán bộ cấp dưới thực hiện theo mệnh lệnh cấp trên, cấp trên gợi ý nhưng cấp dưới phải chấp hành, hoặc do cấp dưới tham mưu không chính xác, không đầy đủ… Đó được coi là rủi ro, bất khả kháng. Trong những trường hợp này, ông Trí cho rằng những người liên quan chủ động khắc phục hậu quả, thấy sai thì sửa, hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ vụ án…, nhưng áp dụng miễn, giảm, tha tội theo luật hiện hành thì lại vướng.

"Thực sự trong giai đoạn đất nước phát triển thế này, với lỗi do vô ý hoặc do khối lượng công việc lớn kiểm soát không được, không chủ đích chiếm đoạt, vụ lợi nên xem xét lại", ông Trí góp ý cần rà soát điều luật cụ thể ảnh hưởng đến chuyện "hậu quả không lớn vẫn bị xử lý hình sự".

Dẫn chứng, ông Trí đề cập đại án Việt Á và cho biết liên quan vụ án này, cơ quan điều tra, VKS, tòa án đã ngồi với nhau nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành chủ trương phân hóa hành vi để xử lý, chia làm 3 loại: Xử lý nghiêm, giảm và không xử lý hình sự mà chỉ xử lý kỷ luật về mặt Đảng và hành chính.

"Nhưng đó là trong từng vụ án cụ thể có tính đặc biệt nghiêm trọng với nhiều đối tượng thế nên cơ quan chức năng tham mưu đề xuất thế, còn tổng thể áp dụng cho các vụ án trên toàn quốc là chưa có", ông Trí nói.

Theo ông, những điều này nếu vận dụng thì làm được, còn áp dụng quy định của pháp luật lại là sai.

Viện trưởng Lê Minh Trí nói về căn cứ phân hóa xử lý tội phạm vụ Việt Á - 2

Viện trưởng VKSND Tối cao trả lời chất vấn chiều 20/3 (Ảnh: Phạm Thắng).

Vừa qua, ông Trí cho biết một số quy định của Đảng, điển hình như Quy định 69 đã nêu rõ việc "khi chấp hành mệnh lệnh cấp trên mà làm sai thì không kỷ luật", nhưng cái này phải cụ thể hóa bằng luật pháp, nếu không khi áp dụng sẽ vướng. "Giống như vụ Việt Á, nếu vận dụng pháp luật và xin chủ trương thì được chứ áp dụng pháp luật không được", theo lời ông Trí.

Hay đơn cử luật hình sự quy định chỉ gây hậu quả 100 triệu đồng đã bị khởi tố và xử lý hình sự. Ông Trí đề nghị xem lại định mức này vì đây là mức đưa ra từ năm 1999, không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Ông cũng đồng thời đề xuất giảm phạt tù, tăng phạt tiền để đảm bảo vừa xử lý nghiêm đối tượng chủ mưu, cầm đầu nhằm chiếm đoạt vụ lợi, nhưng cũng cần chính sách nhân văn với người làm việc có nguy cơ rủi ro.

"Tôi muốn cái nào nghiêm thì phải xử thật nghiêm để răn đe giáo dục, nhưng cũng phải có chính sách nhân văn để phát huy sự năng động sáng tạo của cán bộ trong phát triển đất nước giai đoạn hiện nay", ông Trí nói đây là vấn đề lớn nên các cơ quan cần ngồi lại để rà soát về chủ trương, chính sách hình sự, pháp luật cụ thể nhằm điều chỉnh hợp lý.

"Để cán bộ tự sống thì hết sức khó khăn"

Trả lời về giải pháp hữu hiệu để thực hiện được vấn đề "không thể, không dám, không muốn" tham nhũng, ông Lê Minh Trí nhấn mạnh để "không thể" thì cơ chế quản lý, hệ thống luật pháp phải chặt chẽ; chế tài quản lý Nhà nước hiệu lực tốt để không bị lợi dụng.

Viện trưởng Lê Minh Trí nói về căn cứ phân hóa xử lý tội phạm vụ Việt Á - 3

Phiên chất vấn, trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 20/3 (Ảnh: Phạm Thắng).

Để "không dám" thì xử lý nghiêm đối tượng chủ mưu cầm đầu, chiếm đoạt, vụ lợi, làm cho đối tượng có ý định không lành mạnh phải "chờn".

"Tôi tin rằng việc xử lý thời gian vừa qua tác động đáng kể tới những người có ý đồ vi phạm pháp luật nghiêm trọng", theo ông Trí.

Đề cập giải pháp, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí chỉ ra thực tế chế độ cho cán bộ các cấp nói chung được cải thiện, có định kỳ tăng lương, nhưng "để cán bộ tự sống thì hết sức khó khăn". Tỷ lệ "sống được", theo ông Trí, là nhờ nguồn khác như cha mẹ, anh em, vợ, chồng hỗ trợ.

"Chúng ta đòi hỏi công việc tốt nhưng phải nghiên cứu lộ trình, chính sách đảm bảo mức sống để cán bộ yên tâm công tác. Nguồn lực ngân sách có hạn nhưng phải luôn quan tâm để giảm bớt khó khăn cho người tâm huyết, nhiệt huyết, muốn giữ gìn sự trong sáng, đạo đức của mình", ông Trí nhấn mạnh.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Viện trưởng Lê Minh Trí nói về căn cứ phân hóa xử lý tội phạm vụ Việt Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO