Táo quân ra mắt khán giả từ năm 2003 với hình thức tiểu phẩm hài thuộc chương trình Gặp nhau cuối năm. Tiểu phẩm có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ đình đám thời bấy giờ như NSND Quốc Trượng, Công Lý, Xuân Bắc…
Tiểu phẩm mô phỏng buổi làm việc của Thiên đình với người đứng đầu là Ngọc Hoàng. Tại đây các Táo sẽ báo cáo với Ngọc Hoàng về những việc xảy ra ở hạ giới trong năm qua và chờ chỉ thị để triển khai công việc trong năm tới.
Táo quân vừa ra mắt đã nhận được phản hồi tích cực từ công chúng. Sau số đầu tiên, “Thiên đình” của Táo quân cũng dần có sự thay đổi, thậm chí từ một tiểu phẩm Táo quân trở thành “linh hồn” của Gặp nhau cuối năm.
Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, Táo quân vướng phải không ít ý kiến trái chiều mỗi khi ra mắt khán giả. Không ít người cho rằng chương trình ngày càng “nhạt”, kém hấp dẫn. Đã có những ý kiến đề xuất nên bỏ Táo quân, thay thế bằng chương trình mới hơn.
Tuy nhiên, mỗi dịp cuối năm, chủ đề về Táo quân vẫn được rất nhiều người quan tâm, bàn tán. Và điều thú vị là mặc dù những năm gần đây, Táo quân liên tục bị chê “nhạt”, “chán”, “nên bỏ”… nhưng tình trạng săn lùng vé xem ghi hình của chương trình lại được săn lùng rất sôi nổi.
Đơn cử, ngay từ đầu tháng 1/2024 đã xuất hiện các hội nhóm mua bán vé xem ghi hình chương trình Táo quân. Ngay cả khi phía BTC chương trình chưa ấn định thời gian ghi hình và mẫu vé cụ thể, các hội nhóm này đã hoạt động sôi nổi với những lời hứa “chắc nịch” sẽ có vé trước 20/1.
Càng sát ngày ghi hình Táo quân 2024, trên các hội nhóm mua bán vé xem chương trình càng diễn ra những màn rao bán, “chốt đơn” với mức giá từ vài triệu tới hàng chục triệu đồng/cặp vé. Không chỉ thế, một số kẻ gian còn thiết kế vé giả để giao dịch khiến những người săn lùng vé xem ghi hình Táo quân hoang mang.
Trước tình trạng này, VTV đã phải đưa ra cảnh báo: "Mọi thông tin về vé xem Táo quân 2024 được rao bán trên mạng xã hội đều không chính xác. Khán giả cần cẩn trọng khi tìm mua. Cũng bởi, khi đã đặt cọc, tiền sẽ mất khỏi tài khoản còn việc nhận được vé hay không thì không ai đảm bảo".
Trong các ngày ghi hình, ngay Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, tình trạng phe vé diễn ra hết sức nhộn nhịp. Vậy vì sao lại có tình trạng “ngược đời” như vậy?
Đầu tiên, phải kể đến việc Táo quân là chương trình đã có tuổi đời hơn 20 năm, lại xuất hiện trong thời điểm đặc biệt – khi năm hết Tết đến.
Với hơn 2 thập kỷ gắn bó cùng người dân Việt Nam trong khoảnh khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới, Táo quân có thể được xem là người bạn, là món ăn tinh thần của nhiều thế hệ người Việt. Với không ít người, Táo quân giống như một phần hương vị đặc trưng của ngày Tết.
Chính vì vậy, người ta xem Táo quân như một cách để thưởng thức, chờ đợi năm mới.
Không chỉ vậy, việc được xem ghi hình Táo quân còn đem đến cho khán giả cảm giác rất đặc biệt, khác hẳn khi xem miễn phí trên truyền hình vào dịp Giao thừa.
Thông thường, Táo quân sẽ có 2-3 buổi ghi hình diễn ra trước khi phát sóng khoảng 2-3 tuần. Những tấm vé theo dõi buổi ghi hình của Táo quân thường được BTC chương trình dành tặng cho nhà tài trợ, các diễn viên tham gia biểu diễn trong chương trình, các đơn vị hỗ trợ…Đơn vị sản xuất không bán vé. Do đó, việc sở hữu một tấm vé Táo quân có ý nghĩa đặc biệt với rất nhiều người. Điều này đã trở thành một trong số những nguyên nhân khiến tấm vé xem ghi hình Táo quân được săn đón nhiệt tình.
Thêm vào đó, những nghệ sĩ xuất hiện trong chương trình đều là tên tuổi gạo cội, khi xem ghi hình chương trình, khán giả sẽ được trực tiếp “gặp gỡ” những nhân vật nổi tiếng này. Đây cũng chính là điểm tạo nên sức hút cho tấm vé xem ghi hình Táo quân.
Táo quân về cơ bản vẫn là chương trình hài kịch biểu diễn trên sân khấu. Khi xem trực tiếp, khán giả sẽ có cảm xúc đặc biệt hơn. Không chỉ thế, chương trình trực tiếp trên sân khấu sẽ có nội dung đầy đủ hơn so với phần hậu kỳ đã được biên tập để phát sóng vào đêm Giao thừa.
Có thể thấy, dù có nhiều ý kiến trái chiều về nội dung chương trình nhưng Táo quân vẫn có sức hút nhất định trong lòng khán giả.