Vì sao sương mù xuất hiện dày đặc ở Hà Nội?

Mẫn Nhi| 02/02/2024 13:25

Độ ẩm tăng cao, hiện tượng nghịch nhiệt khiến bụi bẩn bị dồn nén ở lớp sát mặt đất là nguyên nhân chính tạo ra lớp sương mù dày đặc ở Hà Nội sáng nay. Hiện tượng này có thể kéo dài trong 2 ngày tới.

Sáng 2/2, Hà Nội chìm trong lớp sương mù dày đặc, tầm nhìn xa giảm xuống dưới 50m gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động tham gia giao thông của người dân.

Lớp sương mù dày này tương đối hiếm gặp trong nhiều năm gần đây ở Hà Nội, đã khiến hơn 10 chuyến bay không thể hạ và cất cánh khỏi sân bay Nội Bài.

Lý giải về hiện tượng trên, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết sương mù là hiện tượng hơi nước ngưng tụ thành các hạt nhỏ li ti trong lớp không khí sát mặt đất, làm giảm tầm nhìn ngang xuống dưới 1km.

Hiện tượng này xảy ra thường xuyên vào các tháng từ cuối mùa thu đến cuối mùa xuân, nhiều và mạnh nhất vào các tháng mùa đông. Trong trường hợp sáng nay ở Hà Nội, sương mù dày đặc có thể làm giảm tầm nhìn xuống dưới 50m.

Vì sao sương mù xuất hiện dày đặc ở Hà Nội? - 1

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trả lời báo chí sáng 2/2 về tình trạng sương mù dày đặc ở Hà Nội (Ảnh: Mẫn Nhi).

Về nguyên nhân, ông Lâm nhận định những ngày qua, không khí ẩm từ vịnh Bắc Bộ theo đới gió Đông Nam ở rìa phía Tây Nam lưỡi áp cao lạnh lục địa suy yếu lệch đông, khiến độ ẩm trong không khí tăng cao ở nhiều tỉnh, thành phố Bắc Bộ.

Đồng thời, không khí lạnh liên tục bổ sung nhưng chỉ ở lớp mỏng sát bề mặt, khiến cho nhiệt độ bề mặt thấp hơn so với nhiệt độ ở khoảng độ cao 900m, tạo ra lớp nghịch nhiệt, khiến không khí, bụi bẩn, hơi ẩm bị dồn nén ở lớp sát mặt đất gây ra hiện tượng mưa phùn, sương mù và ô nhiễm không khí.

Thời tiết lặng gió cũng là nguyên nhân khiến không khí ít bị xáo trộn, tập trung ở bề mặt.

Ông Lâm đưa ra dự báo tình trạng sương mù dày và mưa phùn ở miền Bắc còn khả năng kéo dài đến khoảng sáng 4/2. Từ ngày 5/2, sương mù và mưa phùn có xu hướng giảm do có một bộ phận không khí lạnh yếu di chuyển xuống các tỉnh miền Bắc.

Vì sao sương mù xuất hiện dày đặc ở Hà Nội? - 2

Lớp sương mù dày đặc xuất hiện sáng sớm 2/2 khiến không khí Hà Nội đặc quánh (Ảnh: Mạnh Quân).

Nhận định xu hướng chung về thời tiết Bắc Bộ trong dịp Tết Nguyên đán, chuyên gia cho biết từ nay đến ngày 7/2, khu vực duy trì thời tiết chủ đạo là mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù về đêm và sáng, trưa chiều trời có nắng.

Riêng ở đồng bằng Bắc Bộ và Hà Nội, nắng ít khả năng xuất hiện. Các tỉnh miền Trung và miền Nam duy trì trạng thái thời tiết tốt.

Khoảng ngày 8-9/2 (tức ngày 29-30 tháng Chạp), không khí lạnh sẽ được tăng cường nên miền Bắc kết thúc tình trạng mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù. Cùng với đó, trời sẽ chuyển rét, vùng núi rét đậm, có nơi rét hại.

Tại Trung Bộ, mưa khả năng xuất hiện tập trung ở khu vực Trung Trung Bộ. Trong khi đó, các tỉnh, thành phố Nam Bộ là nơi có thời tiết nắng mạnh trong những ngày Tết Nguyên Đán, rất ít khả năng xuất hiện mưa. Một số nơi có thể xuất hiện nắng nóng trên 35 độ C.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vì sao sương mù xuất hiện dày đặc ở Hà Nội?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO