Ngày 5/7, trao đổi với phóng viên Dân trí, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk Bạch Văn Mạnh xác nhận UBND tỉnh này vừa giao ông Nguyễn Trung Thành, Phó Giám đốc Sở Y tế, điều hành Sở Y tế. Ông Thành giữ nhiệm vụ này kể từ ngày 1/7 cho đến khi kiện toàn chức danh Giám đốc Sở Y tế theo quy định.
Theo ông Mạnh, ông Nay Phi La, giữ chức vụ Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk từ ngày 1/7/2019, thời hạn 5 năm. Do đó, đến ngày 1/7, ông Nay Phi La hết thời hạn bổ nhiệm.
Theo quy định, khi chưa có quyết định bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của cấp có thẩm quyền, ông La không được thực hiện chức trách, nhiệm vụ.
"Để việc điều hành hoạt động của Sở Y tế được đảm bảo, thông suốt, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, trong thời gian chưa thực hiện xong quy trình bổ nhiệm lại chức vụ Giám đốc Sở đối với ông Nay Phi La, tỉnh đã giao người phụ trách Sở", ông Mạnh thông tin.
Giám đốc Sở Nội vụ thừa nhận việc làm quy trình tái bổ nhiệm đối với ông Nay Phi La chậm, nhưng do các nguyên nhân khách quan. Theo đó, các cơ quan phải xem xét nhiều nội dung, kết luận về chính trị và phải chờ các cấp có thẩm quyền thông qua trong những cuộc họp liên quan.
Ông Bạch Văn Mạnh cho biết ngày 4/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã thống nhất chủ trương làm quy trình lấy phiếu tín nhiệm bổ nhiệm lại chức vụ Giám đốc Sở Y tế đối với ông Nay Phi La. Kết quả, 65 cán bộ chủ chốt bỏ phiếu, tỷ lệ đạt trên 99% (do 1 phiếu không hợp lệ).
Người đứng đầu Sở Nội vụ Đắk Lắk nêu rõ sau khi lấy phiếu tín nhiệm sẽ thực hiện thêm nhiều bước khác để UBND tỉnh ra quyết định bổ nhiệm lại đối với ông Nay Phi La.
"Khi chưa có quyết định bổ nhiệm lại, ông Nay Phi La không giữ chức vụ, không ký, không điều hành mọi hoạt động của Sở Y tế", ông Bạch Văn Mạnh nêu rõ.
Trước đó, này 5/6/2023, ông Nay Phi La bị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Hơn một tháng sau, ông bị kỷ luật về mặt chính quyền với hình thức tương ứng.
Ông Nay Phi La phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu Sở Y tế về việc để xảy ra một số vi phạm, thiếu sót, khuyết điểm trong thực hiện các gói thầu mua sắm chống dịch Covid-19; chịu trách nhiệm trong việc để một số cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bị xử lý.
Theo quy định, thời hạn chấm dứt hiệu lực đối với hình thức kỷ luật đảng viên là 12 tháng. Với trường hợp của ông La, đến ngày 10/7 mới hết thời hạn xóa án kỷ luật, song ông này được lấy phiếu tín nhiệm để bổ nhiệm lại chức vụ Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk trước một tuần. Phóng viên đặt câu hỏi "việc này có đúng quy định"?.
Giám đốc Sở Nội vụ Đắk Lắk thừa nhận có nhiều người băn khoăn, tuy nhiên, ông khẳng định việc bổ nhiệm lại thời điểm này đều trong điều kiện pháp luật cho phép, có cơ sở pháp lý và cơ quan chức năng làm quy trình rất kỹ, chặt chẽ các bước.