Vì sao pháo hoa không tiếng nổ... vẫn nổ?

Ngọc Tân| 09/02/2024 17:38

Những tiếng "lụp bụp", "lạch tạch" của giàn phun hoa, giàn phun viên bắn lên trời khiến nhiều người thắc mắc vì sao lại gọi chúng là "pháo hoa không tiếng nổ"?

Nghị định 137/2020 ra đời đã tạo điều kiện cho người Việt được mua và sử dụng các loại pháo hoa hợp pháp. Tuy nhiên, các khái niệm mà nghị định nêu ra cũng dễ gây hiểu lầm, đơn cử như thế nào là "pháo hoa", "pháo hoa nổ".

"Pháo hoa" - theo cách hiểu của đại bộ phận người dân - gồm cả các loại pháo hoa được quân đội bắn tại các địa điểm công cộng và dịp lễ tết, Quốc khánh... Người ta quen nói "tối nay ra bờ hồ xem pháo hoa", chứ không ai nói "tối nay ra bờ hồ xem pháo hoa nổ tầm cao".

Tuy nhiên, theo Nghị định 137/2020, loại pháo như vậy được gọi tên đầy đủ là "pháo hoa nổ". Chúng bao gồm 2 loại là "tầm cao" và "tầm thấp" với điểm chung là gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.

Thẩm quyền quyết định sử dụng loại pháo này là của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc Thủ tướng. Người dân không được tự ý sử dụng.

Vì sao pháo hoa không tiếng nổ... vẫn nổ? - 1

Trận địa pháo hoa nổ tầm cao được chuẩn bị tại công viên Thống Nhất. (Ảnh: Mạnh Quân).

Trong đêm nay 9/2, 30 Tết, một trận địa pháo hoa đã được chuẩn bị ở Công viên Thống Nhất (Hà Nội) để phục vụ người dân. Loại pháo này có tên đầy đủ là "Pháo hoa nổ tầm cao" chứ không đơn thuần là "pháo hoa".

Vậy "pháo hoa" là gì?

Theo Nghị định 137, khái niệm "pháo hoa" được giải thích: "là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ".

Cụ thể, các sản phẩm như giàn phun viên, giàn phun hoa... được nhà máy Z121 (Bộ Quốc phòng) sản xuất và phân phối cho người dân chính là "pháo hoa".

Vì sao pháo hoa không tiếng nổ... vẫn nổ? - 2

Nội dung giải thích "pháo hoa không tiếng nổ" được đăng tải trên Website của nhà máy Z121.

Từ đây, rắc rối bắt đầu phát sinh. Người dân không thể gọi giàn phun viên và giàn phun hoa là "pháo hoa" được, vì nó sẽ gây nhầm lẫn với các loại pháo hoa nổ, thậm chí gây nhầm lẫn với pháo lậu từ Trung Quốc.

Để nhấn mạnh tính hợp pháp, người ta nghĩ ra cách gọi nó là "pháo hoa không tiếng nổ", "pháo hoa Z121" hay "pháo hoa Bộ Quốc phòng". Tuy nhiên, những cách gọi này vẫn chưa chuẩn.

Trên thực tế, các loại pháo hoa như giàn phun viên, giàn phun hoa... vẫn có tiếng nổ. Chúng phát ra tiếng nổ "lụp bụp" khá lớn khi viên pháo được phóng khỏi nòng và thêm những tiếng "lạch tạch" khi viên pháo nổ trên không.

Cách gọi pháo hoa Z121 hay pháo hoa Bộ Quốc phòng cũng không chuẩn, bởi kể cả các loại pháo hoa nổ tầm cao, tầm thấp cũng do Z121 sản xuất.

Vì sao pháo hoa không tiếng nổ... vẫn nổ? - 3

Năm 2022, sản phẩm giàn phun hoa từng bị tạm dừng bán vì nghi ngờ có tiếng ồn quá mức 120 dB. Kết quả thẩm định cho thấy âm thanh sản phẩm vẫn trong ngưỡng cho phép.

Khác biệt rõ ràng nhất giữa "pháo hoa" và "pháo hoa nổ" có lẽ là lệch về âm lượng giữa chúng. QCVN 04:2021/BCA đã nêu rõ âm lượng của pháo hoa không được vượt quá 120dB. Trong khi đó, pháo hoa nổ không bị giới hạn âm lượng.

Để dễ hình dung, mức 120dB tương đương tiếng máy ủi hoặc âm thanh trong một show ca nhạc.

Những năm gần đây, giàn phun viên và giàn phun hoa được cải tiến với nhiều hiệu ứng ánh sáng hơn, tầm bắn cao hơn và tiếng nổ (hiệu ứng âm thanh) cũng đa dạng hơn. Tuy nhiên, ngưỡng trần âm lượng vẫn phải đảm bảo là 120dB.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Thiếu tướng Phùng Đức Thắng, Phó cục trưởng Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), khẳng định nhà máy Z121 trong quá trình sản xuất pháo hoa cũng phải tuân thủ quy chuẩn này.

Trước đó, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) từng yêu cầu dừng bán dòng pháo hoa "giàn phun hoa" vì có ý kiến nghi ngờ âm thanh vượt quá 120dB. Kết quả thẩm định cho thấy sản phẩm có âm lượng trong mức cho phép.

Lãnh đạo Cục C06 sẽ giám sát và "tuýt còi" ngay nếu phát hiện sản phẩm pháo hoa của Z121 có âm lượng quá mức cho phép.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vì sao pháo hoa không tiếng nổ... vẫn nổ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO