Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phạm Văn Tam, 44 tuổi (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo) và ông Phạm Xuân Tình (đại diện pháp luật, tổng giám đốc Công ty Asanzo) về tội trốn thuế, theo khoản 3 điều 200 Bộ luật Hình sự.
Ông Phạm Văn Tam và Phạm Xuân Tình bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú.
Theo cơ quan điều tra, trong thời gian làm giám đốc, đại diện theo pháp luật của Công ty Asanzo, ông Phạm Xuân Tình đã làm theo chỉ đạo của Phạm Văn Tam, đại diện Công ty Asanzo ký các hợp đồng nguyên tắc với nhiều công ty (Công ty TNNHH đầu tư thương mại Việt Tài, Công ty TNHH đầu tư sản xuất An Thiên, Công ty THHH Đầu tư xuất nhập khẩu Trần Thoài) để mua linh kiện, phụ kiện máy điều hòa nhiệt độ.
Sau đó Công ty Asanzo mang linh kiện về lắp ráp thành phẩm máy điều hòa nhiệt độ rồi đem bán mặt hàng này nhưng không kê khai, nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trong đó, năm 2017 xuất bán 2.531 bộ máy, năm 2018 xuất bán 1.446 bộ máy cho Công ty điện lạnh Asanzo, Công ty cổ phần đầu tư công nghệ điện tử Asanzo.
Ngoài ra Công ty Asanzo còn mua linh kiện điều hòa về thuê doanh nghiệp khác gia công một phần, phần còn lại tự lắp ráp thành phẩm mặt hàng điều hòa nhiệt độ, có dán tem và bao bì in nhãn hiệu Asanzo.
Sau đó, xuất bán hàng thành phẩm mặt hàng này cho Công ty điện lạnh Asanzo vào tháng 4-2019 (10.990 bộ) và tháng 6-2019 (15.518 bộ) nhưng không xuất hóa đơn giá trị gia tăng và để ngoài sổ sách kế toán (linh kiện và thành phẩm điều hòa nhiệt độ), không khai thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ngoài ra, bị can sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế, nhằm mục đích trốn số tiền thuế phải nộp là hơn 15,7 tỷ đồng.
Từng bị xử phạt, truy thu thuế và tố cáo không trung thực
Ông Phạm Văn Tam là người sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo- doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử khá nổi tiếng.
Hồi tháng 10/2019, Cục Thuế TP HCM đã xử phạt và truy thu tổng cộng 68 tỷ đồng đối với Công ty Asanzo. Trong đó, truy thu số tiền thuế kê khai thiếu và trốn thuế gần 40,6 tỷ đồng (gồm các khoản truy thu thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân; tiền chậm nộp thuế 1,6 tỷ. Hồ sơ vụ việc cũng được chuyển cho công an điều tra dấu hiệu vi phạm hình sự.
Ngoài ra, Asanzo cũng bị xử phạt với tình tiết tăng nặng là sau khi vi phạm có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm nên mức phạt chính là 26,3 tỷ đồng. Trong đó gồm phạt về hành vi khai sai là 4,9 tỷ đồng, phạt 1,5 lần về hành vi không xuất hóa đơn là 6,3 tỷ đồng, phạt 1,5 lần thuế tiêu thụ đặc biệt là gần 14,7 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2019, Asanzo từng bị Sharp Việt Nam ký đơn tố cáo gửi 6 bộ, ngành để tiếp tục tố cáo hành vi làm giả tài liệu và đưa ra thông tin không đúng sự thật.
Sharp tiếp tục khẳng định Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo đã có hành vi làm giả tài liệu và đưa thông tin không đúng sự thật, trong đó việc Asanzo công bố trước công chúng về việc đang sở hữu công nghệ Nhật Bản như các phát ngôn trên truyền thông và Asanzo đang có quan hệ hợp tác với Sharp Roxy (Hong Kong - SHR).
Sharp nhấn mạnh: "Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo đã có hành vi cố tình tạo ra tài liệu giả mạo với mục đích đánh lừa người tiêu dùng và các cơ quan ngôn luận rằng Asanzo vẫn đang có quan hệ hợp tác với Tập đoàn Sharp, để người tiêu dùng và dư luận tin rằng hàng hóa và công nghệ của Asanzo có nguồn gốc từ Sharp.
Hành vi của Công ty Asanzo không chỉ gây ảnh hưởng quyền và lợi ích của người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu của Tập đoàn Sharp".
Thoái vốn khỏi Asanzo từ 2017?
Ông Phạm Văn Tam được biết đến với vai trò là người sáng lập Asanzo. Tuy nhiên, theo kinhtechungkhoan.vn, tại đăng ký kinh doanh sửa đổi năm 2017 được Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo cập nhật, cơ cấu cổ đông của công ty đã thay đổi. Theo đó, ông Phạm Văn Tam đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Asanzo cho cổ đông khác. Trên giấy đăng ký kinh doanh và các giấy tờ khác, ông Phạm Văn Tam cũng không còn đứng tên là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Trong văn bản xác nhận cơ cấu cổ đông của Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo đề ngày 3/1/2020 cũng xác nhận công ty hiện có 3 cổ đông trong đó ông Tình nắm giữ 91% vốn, 9% vốn góp còn lại thuộc 1 cá nhân và 1 doanh nghiệp trong hệ sinh thái Asanzo.
Cũng theo kinhtechungkhoan.vn, ông Tam hiện nay là người đại diện theo pháp luật của Tập đoàn Winsan – doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính với vai trò hỗ trợ cho các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ.
Theo danh sách cổ đông của Winsan, ông Phạm Văn Tam là cổ đông lớn nắm quyền chi phối tập đoàn với tỷ lệ sở hữu lên đến 95%.