Thay đổi vì học sinh chọn lựa môn học đa dạng
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng, Đại học Quốc gia TP.HCM cho hay, năm 2025 đề thi đánh giá năng lực tăng số lượng câu hỏi để tăng độ tin cậy và độ phân biệt của bài thi.
Cụ thể, phần 3 được cấu trúc lại từ các phần logic - phân tích số liệu và giải quyết vấn đề trong cấu trúc đề thi giai đoạn 2018-2024, nhằm đánh giá năng lực của thí sinh về logic và suy luận khoa học để giải quyết các tình huống thực tế thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội.
Các câu hỏi trong phần tư duy khoa học được xây dựng theo hướng cung cấp thông tin, số liệu, dữ kiện, hoạch định thí nghiệm, kết quả thực nghiệm, thông qua đó yêu cầu thí sinh thể hiện khả năng hiểu và vận dụng thông tin, xác định kết quả thực nghiệm, dự đoán quy luật.
Theo ông Chính, đề thi đánh giá năng lực từ năm 2025 bao gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn. Thời gian làm bài 150 phút và thực hiện thi trên giấy. Kết quả thi được xác định bằng phương pháp trắc nghiệm hiện đại theo lý thuyết ứng đáp câu hỏi. Điểm số của từng câu hỏi có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó của câu hỏi.
Sau 7 năm tổ chức thi đánh giá năng lực ổn định, tuyển sinh đáp ứng yêu cầu học đại học của các trường thành viên, Đại học Quốc gia TP.HCM bắt buộc phải thay đổi cấu trúc đề thi đánh giá năng lực.
Lý do theo ông Chính là chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh chọn 4 môn trong số 9 môn học là: địa lý, giáo dục kinh tế pháp luật, vật lý, hoá học, sinh học, công nghệ, âm nhạc, tin học, mỹ thuật. Như vậy có 126 tổ hợp chọn môn, cách lựa chọn của học sinh rất đa dạng.
"Đơn cử như ở TP.HCM theo số liệu Đại học Quốc gia TP.HCM có được, khối 10 có 87.000 học sinh, trong đó 64.976 học sinh chọn môn học vật lý, 58.481 học sinh chọn học môn hoá, 43.816 học sinh chọn học môn sinh, 41.075 học sinh chọn học môn địa lý, 39.900 học sinh chọn học môn giáo dục kinh tế pháp luật.
Ở khối 12 có 90.000 học sinh thì 59.319 học sinh chọn học môn lý, 52.006 học sinh chọn học môn hoá, 38.779 học sinh chọn học môn sinh, 40.729 học sinh chọn học môn địa lý, 39.152 học sinh chọn học môn giáo dục kinh tế pháp luật. Như vậy, thay đổi cấu trúc đề thi đánh giá năng lực là để phù hợp với xu hướng chọn lựa các môn học đa dạng của thí sinh trong chương trình giáo dục phổ thông 2018", ông Chính nói.
Cũng theo ông Chính, cấu trúc và nội dung đề thi đánh giá năng lực năm 2025 có nhiều nét tương đồng với các đề thi chuẩn hóa quốc tế như Scholastic Assessment Test (SAT) của Hoa Kỳ, Psychometric Entrance Test (PET) của Israel và General Aptitude Test (GAT) của Thái Lan.
Điều này giúp dánh gia năng lực tổng quát của học sinh theo chuẩn quốc tế và đảm bảo tính công bằng, tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học cho tất cả thí sinh. Cách tiếp cận này còn phù hợp với định hướng tuyển sinh theo phương thức kết hợp của các cơ sở đào tạo thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM.
Cấu trúc đề thi đánh giá năng lực 2025 thay đổi như thế nào?
So với năm 2024 và các năm trước, đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM từ 2025 có nhiều thay đổi. Phần 1 sử dụng ngôn ngữ có 60 câu hỏi, được chia đều cho 2 phần tiếng Việt và tiếng Anh. Phần 2, toán học 30 câu hỏi. Phần 3, tư duy khoa học 30 câu hỏi, trong đó logic và phân tích số liệu 12 câu, suy luận khoa học 18 câu.
Trong khi đó, từ năm 2024 trở về trước, cấu trúc đề thi cũng có 3 phần. Trong đó, phần 1 sử dụng ngôn ngữ có 40 câu hỏi, được chia đều cho tiếng Việt và tiếng Anh. Phần 2 là toán - logic - phân tích số liệu 30 câu hỏi được chia đều cho toán, logic, phân tích số liệu. Phần 3 là giải quyết vấn đề 50 câu hỏi, được chia đều cho hoá học, vật lý, sinh học, địa lý, lịch sử, mỗi phần 10 câu.
Ông Nguyễn Quốc Chính cho biết, trong 7 năm tổ chức, Đại học Quốc gia TP.HCM đã tổ chức 12 đợt thi với gần nửa triệu thí sinh tham gia. Có 53 trường đại học, cao đẳng phối hợp tổ chức thi tại 26 địa phương. Đã có học sinh của 1.924 trường phổ thông tham gia thi, 109 trường đại học sử dụng kết quả để xét tuyển. Riêng Đại học Quốc gia TP.HCM đã tuyển 37.810 thí sinh.