Vì sao con trai học giỏi lại giúp được mẹ có cơ hội giảm án trong vụ AIC?

Hoàng Hồng| 24/05/2023 07:33

Bị cáo Lê Thị Hương (cựu Phó Ban Kế toán công ty AIC) được đại diện viện kiểm sát đề xuất giảm nhẹ một phần hình phạt do có con trai 14 tuổi đạt giải toán quốc tế.

Phiên phúc thẩm xét xử vụ AIC diễn ra sáng 23/5 có phần tranh luận đáng chú ý. Cụ thể, khi trình bày quan điểm, đại diện Viện kiểm sát (VKS) đã nhắc đến các yếu tố giảm nhẹ hình phạt cho trường hợp bị cáo Lê Thị Hương (40 tuổi, cựu Phó trưởng Ban Kế toán, công ty AIC). Một trong những lý do được đề cập là bị cáo có con trai 14 tuổi đạt thành tích cao trong các kỳ thi toán quốc tế.Theo lập luận của kiểm sát viên, bị cáo Lê Thị Hương cần thời gian ở bên con để động viên con học hành. Đại diện cơ quan công tố đã đề nghị giảm nhẹ hình phạt với bị cáo Hương theo hướng cho hưởng án treo.

Vì sao con trai học giỏi lại giúp được mẹ có cơ hội giảm án trong vụ AIC? - 1

Hình ảnh trong phiên sơ thẩm vụ AIC sáng 22/5 (Ảnh: Hải Nam)

Việc con học giỏi được viện dẫn như một yếu tố giảm nhẹ hình phạt cho mẹ là điều ít thấy trong các phiên tòa hình sự tại Việt Nam.Trao đổi về vấn đề này, luật sư Hoàng Văn Liêm - Văn phòng luật sư Hoàng Liêm, phân tích:

"Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hiện nay được quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự. Trong đó, Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự liệt kê 22 tình tiết giảm nhẹ khi tòa án quyết định hình phạt cho bị cáo. Thành tích học tập của con cái không nằm trong danh sách 22 tình tiết này.

Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự cũng quy định các tình tiết là tình tiết giảm nhẹ khác: "Tòa án có thể coi tình tiết đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án"Các "tình tiết khác" này đã được Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn cụ thể tại Mục 5. Phần I, Công văn 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử. Đó là:

(i) Vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như: anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, bà mẹ Việt Nam anh hùng, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú hoặc các danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước;

(ii) Bị cáo có anh, chị, em ruột là liệt sỹ;

(iii) Bị cáo là người tàn tật do bị tai nạn trong lao động hoặc trong công tác, có tỷ lệ thương tật từ 31 % trở lên;

(iv) Người bị hại cũng có lỗi;

(v) Thiệt hại do lỗi của người thứ ba;(vi) Gia đình bị cáo sửa chữa, bồi thường thiệt hại thay cho bị cáo;

(vii) Người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khỏe của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản;

(viii) Phạm tội trong trường hợp vì phục vụ yêu cầu công tác đột xuất như đi chống bão, lụt, cấp cứu.

(ix) Ngoài ra, khi xét xử, tùy từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội mà còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.

Luật sư Liêm phân tích, như vậy, nếu thành tích học tập của con cái được ghi nhận, Nhà nước trao tặng các danh hiệu quy định tại Mục (i) nêu trên thì mới được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo".

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vì sao con trai học giỏi lại giúp được mẹ có cơ hội giảm án trong vụ AIC?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO