Chiều 6/12, kỳ họp HĐND TPHCM lần thứ 13, khóa X, bước vào phiên thảo luận tổ. Một trong những thắc mắc được các đại biểu đưa ra là tại kỳ họp này, HĐND TPHCM chưa xem xét chủ trương xây dựng cầu Cần Giờ như kế hoạch đề ra trước đó.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, chia sẻ, thời gian qua, HĐND, UBND thành phố rất quan tâm và luôn ưu tiên việc phát triển hạ tầng giao thông. Ngay tại kỳ họp này, nhiều công trình, dự án lớn đã được xem xét thông qua chủ trương đầu tư, trong đó có cả các dự án nhóm A.
Đối với công trình cầu Cần Giờ, nghị quyết của phiên họp HĐND trước đây đã nêu sẽ thông qua chủ trương vào kỳ họp cuối năm 2023. Tuy nhiên, do dự án có nhiều phần việc cần giải quyết, việc trình xin chủ trương xây dựng cầu Cần Giờ chưa kịp thực hiện tại kỳ họp này.
"Hiện nay Sở GTVT TPHCM đã trình Hội đồng thẩm định thành phố báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ. Lẽ ra, nếu phần việc này được làm sớm hơn thì chủ trương dự án sẽ được xem xét tại kỳ họp này", ông Trần Quang Lâm thông tin.
Giám đốc Sở GTVT TPHCM làm rõ thêm, cầu Cần Giờ của TPHCM là công trình dây văng rất đặc biệt. Thành phố đã tổ chức thi tuyển kiến trúc, cây cầu có trụ hình cây đước. Về mặt kỹ thuật, cầu bắc qua đoạn sông có độ cong lớn nên cần có phương án nghiên cứu đảm bảo khả thi, đạt được hiệu quả về kinh tế.
TPHCM đã nghiên cứu kỹ lưỡng và lấy ý kiến các bộ ngành, đặc biệt là Bộ GTVT về tĩnh không, luồng hàng hải. Ngoài ra, Sở GTVT cũng lấy ý kiến tham vấn từ Hội đồng Kiến trúc thành phố.
Về cân đối nguồn vốn, cầu Cần Giờ có tổng vốn đầu tư 11.000 tỷ đồng, trong đó 50% được sử dụng từ ngân sách TPHCM, phần còn lại được thực hiện theo hình thức BOT.
"Sở GTVT đã trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, phấn đấu sẽ trình HĐND TPHCM tại kỳ họp tiếp theo. Nếu chủ trương đầu tư dự án được thông qua đầu năm 2024, công trình sẽ được khởi công vào năm 2025", ông Lâm thông tin lại về tiến độ.
Liên quan đến dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, lãnh đạo Sở GTVT TPHCM thông tin thêm, dự án đã được trình lên Ban Thường vụ Thành ủy và hoàn chỉnh để chuẩn bị trình Chính phủ. Trong quá trình nghiên cứu, các đơn vị đã tính toán đầy đủ về phát triển nguồn lực dịch vụ hàng hải với số lượng người lao động tham gia từ 6.000 đến 8.000 người.
Để chuẩn bị nguồn nhân lực này, TPHCM sẽ xây dựng trung tâm đào tạo tại khu vực rộng 10ha tại huyện Cần Giờ. Trung tâm này sẽ liên kết với các trường đại học, đào tạo nhân lực phục vụ việc xây dựng, phát triển, vận hành cảng.