Vì sao bão Talim chuyển hướng, suy yếu nhanh?

Mẫn Nhi| 18/07/2023 22:30

Do áp cao cận nhiệt đới hoạt động yếu, bão Talim đi chếch về phía bắc nhiều hơn so với dự báo ban đầu. Kịch bản này có xác suất xảy ra thấp nhất, nhưng ít ảnh hưởng nhất đến đất liền nước ta.

Tối 18/7, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia phát đi bản tin cuối cùng về cơn bão Talim (bão số 1). Hình thái này đã suy yếu thành một áp thấp nhiệt đới rồi thành vùng thấp trên khu vực Cao Bằng - Lạng Sơn.

Lý giải nguyên nhân cơn bão đi chếch theo hướng bắc nhiều hơn so với dự báo ban đầu, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết quỹ đạo của bão hoặc áp thấp nhiệt đới thường do trường dòng dẫn ở các tầng khí quyển chi phối.

Trường hợp của bão số 1, hướng đi do áp cao cận nhiệt đới chi phối. Theo đó, nếu áp cao lấn về phía tây với cường độ trung bình, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Ninh - Hải Phòng. Ban đầu, cơ quan khí tượng dự báo kịch bản này có xác suất xảy ra cao nhất.

Nhưng với kịch bản đã xảy ra, ông Lâm cho biết áp cao cận nhiệt đới hoạt động yếu, bão đi lệch theo phía bắc nhiều hơn và tiến vào phía nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Vì vậy, bão suy yếu nhanh do ma sát với địa hình, gió bão yếu hơn và gây mưa không nhiều.

Vì sao bão Talim chuyển hướng, suy yếu nhanh? - 1

Hàng trăm tàu thuyền của ngư dân ở quận Đồ Sơn (Hải Phòng) tập trung về thả neo, chằng giữ cố định trong 4 ngày nay để tránh bão Talim (Ảnh: Thành Đông).

Dù vậy, chuyên gia vẫn cảnh báo từ tối 18/7 đến ngày 19/7, khu vực Đông Bắc, Việt Bắc xuất hiện mưa lớn với lượng phổ biến 100-200mm. Một số nơi mưa trên 300mm. Trong khi Tây Bắc có thể ghi nhận lượng mưa 50-150mm.

Người dân đề phòng mưa với cường suất lớn gây ngập úng đô thị. Lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xảy ra tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái.

Với Hà Nội và các tỉnh, thành phố đồng bằng Bắc Bộ, khu vực chịu ảnh hưởng của rìa phía nam hoàn lưu sau bão số 1, kết hợp với đới gió đông nam mang theo hơi ẩm từ vịnh Bắc Bộ vào đất liền. Do đó, đêm 18/7, mưa dông có thể xuất hiện nhưng không quá lớn, dao động 30-50mm.

Du khách kéo ra biển ngắm sóng, ngư dân tranh thủ sửa tàu chờ bão tan

Đáng lưu ý, ông Lâm cho biết trên dải hội tụ nhiệt đới hình thành bão số 1 còn có thể hình thành các vùng xoáy thấp mới. Sáng nay (18/7), một vùng áp thấp đã hình thành, khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và bão trong 1-2 ngày tới.

"Khả năng cao đây sẽ là cơn bão số 2 ảnh hưởng đến nước ta trong những ngày cuối tháng 7. Chúng tôi vẫn đang theo dõi và sẽ cảnh báo sớm về diễn biến của cơn bão mới có khả năng hình thành này", ông Hoàng Phúc Lâm cho biết.

Hình thành từ một áp thấp nhiệt đới di chuyển từ vùng biển miền Trung Philippines vào Biển Đông, bão số 1 (tên quốc tế là Talim) mạnh lên tương đối nhanh chóng. Trong vòng chưa đầy 36 giờ kể từ khi hình thành, bão đã tăng 2-3 cấp và đạt sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15 vào chiều 17/7.

Chiều 18/7, bão đổ bộ vào đất liền phía nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với sức gió mạnh cấp 9, giật cấp 11. Sau đó, hình thái này suy yếu và tiến vào vùng núi Bắc Bộ.

Ảnh hưởng của hoàn lưu bão, đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; Hòn Dáu (Hải Phòng) và Mẫu Sơn (Lạng Sơn) gió mạnh cấp 6, giật cấp 9... Khu vực Đông Bắc của Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vì sao bão Talim chuyển hướng, suy yếu nhanh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO