Kết thúc phiên tòa sáng 15/3, HĐXX thông báo tòa tạm nghỉ và sẽ tiếp tục vào ngày 19/3 (thứ 3) với phần luận tội của đại diện VKS.
Sáng cùng ngày, tòa đã làm rõ phần dân sự trong vụ án, trong đó bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị giải quyết nhiều bất động sản của mình để khắc phục hậu quả vụ án. Song, riêng căn biệt thự cổ ở địa chỉ số 110-112 Võ Văn Tần (quận 3, TPHCM), bị cáo Lan đề nghị HĐXX không kê biên.
Biệt thự di tích
Căn biệt thự cổ tọa lạc ngay tại vị trí giáp ba mặt tiền đường Võ Văn Tần - Bà Huyện Thanh Quan - Nguyễn Thị Diệu. Biệt thự được bà Trương Mỹ Lan mua lại vào năm 2015 với giá 35 triệu USD.
Căn biệt thự cổ này trước đây có tên là biệt thự Phương Nam do hai cụ Đặng Kim Chi (sinh năm 1938) và Nguyễn Kim Sa Dang (sinh năm 1934) là chủ sở hữu. Căn nhà được xây dựng trên khu đất 2.819 m2 theo kiến trúc Pháp cổ, là nhà cấp 2-3 gồm 2 tầng, với tổng diện tích sàn xây dựng là hơn 2.000 m2.
Theo bị cáo Trương Mỹ Lan, trước khi bà bị bắt, căn biệt thự này đang được tu sửa. Tuy nhiên, việc trùng tu này phải tạm dừng từ tháng 10/2022.
"Xin HĐXX đừng kê biên nhà đó vì không mua bán được mà phải bảo tồn. Đó là di tích của Việt Nam", bị cáo Lan đề nghị cơ quan tố tụng giao lại cho gia đình để tiếp tục sửa chữa.
Đây cũng chính là tài sản duy nhất mà bà Lan có ý kiến muốn giữ lại, thay vì dùng để đưa vào khắc phục hậu quả vụ án.
Ngoài ra, qua phần hỏi của HĐXX, chủ nhân của khách sạn Daewoo Hà Nội (tọa lạc ở số 360 Kim Mã, Ba Đình) cũng chính là bà Trương Mỹ Lan.
Bị cáo Lan đề nghị HĐXX nếu bán được khách sạn này thì cũng đưa vào giải quyết thiệt hại trong vụ án.
Tại tòa, đại diện ủy quyền cho Công ty Gia Tuệ, Lâm Đồng trình bày trước đây có giao kết chuyển nhượng 2 dự án ở Hồ Tuyền Lâm cho một công ty của Vạn Thịnh Phát, với giá 960 tỷ đồng. Thời điểm đó, công ty của Vạn Thịnh Phát mới trả 672 tỷ đồng. Do đó, Công ty Gia Tuệ đề nghị hủy hợp đồng, và hoàn trả lại 672 tỷ cho bà Trương Mỹ Lan. Với yêu cầu này, bị cáo Lan đồng ý.
SCB và bà Trương Mỹ Lan tranh cãi thiệt hại
Tại tòa, SCB cho rằng theo cáo trạng và kết luận điều tra, tổng số tiền mà SCB bị thiệt hại là hơn 498.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, SCB không đồng ý với số tiền này, mà cho rằng thiệt hại tạm tính đến ngày 5/3 là hơn 760.000 tỷ đồng (nợ gốc 482.000 tỷ đồng, lãi/phí hơn 277.000 tỷ đồng).
Luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan) đặt câu hỏi cho SCB, nếu SCB không đồng ý xác định số tiền thiệt hại, tức là thẩm định giá của Công ty Hoàng Quân chưa đảm bảo chính xác tại thời điểm xử lý hay sao?, Đại diện SCB đã không trả lời câu hỏi trên.
Ngoài ra, luật sư Hoài còn đặt nhiều câu hỏi cho đại diện SCB để làm rõ về việc thẩm định tài sản, cũng như những tài sản mà ngân hàng này đang quản lý của khách hàng có được trừ cả gốc và lãi cho khách hàng không… Tuy nhiên, luật sư Hoài liên tục bị SCB từ chối trả lời.
Luật sư Phan Trung Hoài hỏi ý kiến khi SCB đòi bồi thường thiệt hại hơn 760.000 tỷ đồng, bị cáo Trương Mỹ Lan không đồng tình. Bà cho rằng yêu cầu của SCB không hợp lý. "Có rất nhiều tài sản, nhưng cách tính toán của SCB không hợp lý và không cơ sở nào để SCB xác định số tiền đó. Kính đề nghị HĐXX xem xét lại", bị cáo nói.
Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh (bào chữa cho bị cáo Trần Thị Mỹ Dung) hỏi SCB rằng, cáo trạng kết luận SCB đã bị chiếm đoạt với số tiền rất lớn, để xảy ra hậu quả như ngày hôm nay vậy SCB có trách nhiệm như thế nào?
Đại diện SCB trả lời: "Mục đích cuối cùng của SCB là đòi lại tối đa số tiền mà các bị cáo trong vụ án gây ra thiệt hại. Còn trách nhiệm như thế nào thì HĐXX quyết định".
Trước đó, SCB có văn bản gửi tòa cho rằng ngân hàng này bị thiệt hại tạm tính là hơn 760.000 tỷ đồng. Lý do mà SCB đưa ra, việc sử dụng kết quả định giá của Công ty TNHH Thẩm định giá Hoàng Quân (gọi tắt Công ty Hoàng Quân) để khấu trừ là do cơ quan điều tra xác định. Kết quả định giá này theo ngân hàng là không đảm bảo tính chính xác về giá trị tài sản được định giá tại thời điểm thanh lý thực tế.