Vén màn bí ẩn về gia đình 'âm binh'

28/05/2023 19:56

Theo TS.BS Trần Thị Hồng Thu, biểu hiện của các thành viên trong gia đình "âm binh" khả năng cao có vấn đề về tâm thần, tuy nhiên để có kết luận thì phải giám định.

Như VTC News đã phản ánh, từ một gia đình khá giả, bỗng nhiên vào năm 2001, gia đình bà Nguyễn Thị Thành ở xã Thành Vân (nay là thị trấn Vân Du, Thạch Thành, Thanh Hóa) bất ngờ bán hết đàn trâu bò, mua hàng vạn chiếc bát, hàng ngàn chiếc lưỡi cày, hàng tấn sắt thép về treo lên cây và chôn trong vườn, trong nhà…

Sau đó, mẹ con bà Thành gần như tuyệt giao với thế giới bên ngoài và chỉ khi gia đình hết những nhu yếu phẩm cần thiết thì ông Mai Hồng Thái (chồng bà Thành) mới xuất đầu lộ diện nhưng ăn mặc vô cùng kỳ dị đi mua nhu yếu phẩm, sau đó về lại ẩn giật trong khu vườn bí ẩn.

Năm 2022, cả bà Thành và ông Thái qua đời. Rất nhiều người đã lo lắng cho hai người con của họ là Mai Thị Thanh và Mai Văn Toàn bởi dù bố mẹ chọn cách sống lập dị nhưng ông bà vẫn là chỗ dựa cho 2 chị em.

Mặc dù người thân, hàng xóm láng giềng hết lời khuyên ngăn nhưng chị em Thanh, Toàn vẫn ăn mặc kỳ dị như xưa, lựa chọn cuộc sống tách biệt với xã hội, không điện, không nước sạch, từ chối sự giúp đỡ của mọi người…

Vén màn bí ẩn về gia đình 'âm binh' - 1

Vén màn bí ẩn về gia đình 'âm binh' - 2

Những câu chuyện kỳ bí xung quanh 2 thế hệ của gia đình bà Thành - Thái hàng chục năm qua không có câu trả lời. Nhiều lời đồn đoán khu vực đền Bùi (thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành) - nơi gia đình bà Thành sinh sống, là vùng đất dữ, gia đình đó phạm tội “trời” nên bị trừng phạt, gọi là gia đình “âm binh”. Hay theo lời của bà Mai Thị Tình (em gái ông Thái) thì “ông Thái và gia đình bị ma làm”.

Đem sự việc hỏi các bác sĩ trong ngành tâm thần, nhiều người cho rằng nhiều khả năng gia đình bị gọi là “âm binh” kia mắc một thể bệnh tâm thần.

TS.BS Trần Thị Hồng Thu - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Mai Hương (Hà Nội) - cho biết rõ hơn là thông qua các phương tiện truyền thông, bà biết câu chuyện về gia đình sống gần như tuyệt giao với xã hội ở Thanh Hóa từ năm 2017.

Vén màn bí ẩn về gia đình 'âm binh' - 3

TS.BS Trần Thị Hồng Thu

Từ việc làm, biểu hiện báo chí phản ánh, khả năng cao những người trong gia đình đó có vấn đề về tâm thần. Tôi nhấn mạnh là khả năng bởi về mặt khoa học, bệnh lý để chuẩn đoán thì phải có dữ kiện. Phải được tiếp cận, thăm khám, trò chuyện mới có thể khẳng định được”, TS.BS Hồng Thu nói.

Theo bà, chính việc chưa được giám định bệnh lý nên những năm qua dư luận xã hội không lý giải được cuộc sống lập dị của bà Thành và các thành viên trong gia đình. Đồng thời, họ lấy lý do tâm linh để tự lý giải nguyên nhân mỗi khi nhắc đến gia đình đó.

Hay những lời đồn bà Thành mắc bệnh tâm thần rồi lây cho chồng và những người con là phản khoa học. Bệnh tâm thần không lây lan qua tiếp xúc cũng như qua các sinh hoạt gia đình thường ngày như ăn uống, học tập, làm việc chung... Lý giải đơn giản cho biểu hiểu lập dị của cả gia đình là bà Thành có thể mắc bệnh, bà ấy nắm kinh tế, có quyền kiểm soát nên sai khiến chồng con phải nghe theo”, TS.BS Hồng Thu phân tích.

Bà cho hay, bệnh tâm thần nếu không được điều trị sẽ ngày càng nặng lên, tuy nhiên ở chị em Thanh và Toàn không có biểu hiện đó. Ngược lại họ bắt đầu trồng trọt, chăn nuôi, tương tác hàng xóm dù là rất ít sau khi bố mẹ qua đời.

Tôi phỏng đoán có thể chị em họ mắc rối loạn nhân cách - một dạng rối loạn tâm thần. Khác với bệnh tâm thần, rối loạn nhân cách cố định và bền vững về biểu hiện. Sau hàng chục năm sống tách biệt với xã hội họ chưa thể thích nghi, thay đổi được lối sống, cách ăn mặc dù hiện tại không còn ai sai khiến”, vị chuyên gia nói.

Vén màn bí ẩn về gia đình 'âm binh' - 4

BS Trần Thị Hồng Thu cũng nêu ra một số đặc điểm của chứng rối loạn nhân cách như thiếu quan tâm đến các mối quan hệ xã hội hoặc cá nhân, thích ở một mình; biểu hiện cảm xúc một cách hạn chế; không có khả năng tiếp nhận các dấu hiệu xã hội bình thường; biểu hiện lạnh lùng hoặc thờ ơ với người khác…

Cũng theo bà Thu, gia đình cùng chính quyền địa phương cần có kế hoạch đưa chị em Thanh và Toàn đi giám định các bệnh lý về tâm thần để xác định mức độ bệnh và điều trị.

Những năm 2000 chính quyền đã đưa gia đình họ đi thăm khám, nhưng nhận lại sự phản ứng tiêu cực và chúng ta cũng không quyết liệt nên sự việc kéo dài đến tận bây giờ. Nhất định phải cho 2 chị em họ đi giám định, nếu có bệnh tâm thần thì phải đưa vào điều trị bắt buộc, đó là quyền lợi của người bệnh”, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Mai Hương nói thêm.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vén màn bí ẩn về gia đình 'âm binh'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO