Số lượng người tìm vé xem Blackpink trên các hội nhóm không chính thống đang có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, tình hình này vẫn không mấy khả quan với hội "phe vé". Bởi tỷ lệ chọi hiện nay là 1/100, thậm chí 1/200.
Dưới một bài đăng của khách hàng, có đến hàng trăm người bình luận rao bán. Chính điều này cũng khiến người mua cảm thấy bối rối, không biết nên tin ai.
Hy vọng gỡ vốn là điều xa xỉ
Nhật Hoàng (27 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) "ôm" 7 vé hạng cao cấp. Anh đầu tư gần 50 triệu đồng với hy vọng kiếm chút lãi. Tuy nhiên, Nhật hiện chưa bán được vé nào và phải vay tiền bố để trả nợ thẻ tín dụng.
Với tình cảnh này, Hoàng hầu như không còn cơ hội gỡ vốn. Anh cắt lỗ gần nửa giá gốc nhưng việc thu hút người mua vẫn rất khó khăn.
"Thị trường giá trôi nổi lên xuống nên tôi không biết phải để giá thế nào cho hợp lý. Phương án giải quyết của tôi là nhờ người đứng trước cổng hôm concert (buổi biểu diễn) để phe trực tiếp.
Nếu vẫn không bán được, tôi sẽ vào kêu gọi người thân đến xem. Mọi người nghĩ đó là cái kết đẹp. Nhưng số nợ tôi vẫn sẽ ôm sau khi buổi diễn kết thúc", Nhật chia sẻ.
Cận ngày diễn ra concert, người bán lại vé vẫn đối diện với tình trạng tỷ lệ chọi cao (Ảnh: Chụp màn hình).
Vé V.I.P hiện tại được rao bán với giá dao động 6-7 triệu đồng/vé (giá gốc 9,8 triệu đồng/vé). Trong khi đó, những hạng vé thấp hơn như Cat 2 hiện được rao giá 6 triệu đồng/cặp vé, tức 3 triệu đồng/vé (giá gốc 5,8 triệu đồng/vé); Cat 3 là 5 triệu đồng/cặp, tức 2,5 triệu đồng/vé (giá gốc 3,8 triệu đồng/vé).
Theo chia sẻ của nhiều người "ôm" vé, hạng Platinum, Cat 1 khu ngồi rất khó bán. Giá vé hạng Platinum trung bình hiện dao động 7-8,5 triệu đồng/cặp vé, tức 3,5-4,25 triệu đồng/vé (giá gốc 7,8 triệu đồng/vé).
Không tuyệt vọng như Hoàng, N.H. - người có kinh nghiệm ôm vé bóng đá và concert 5 năm - vẫn lạc quan, dù anh còn 2 vé Platinum và 4 vé V.I.P, lỗ 40 triệu đồng. Vốn của anh tự tích lũy được, không vay mượn.
"Dù có thế nào, tôi cũng không ra sân để phe vé. Bởi tôi phải có cái giá của mình. Hơn nữa, việc ra sân bây giờ không giải quyết được gì vì người bán quá nhiều, trong khi người mua chẳng có", N.H. bày tỏ.
Cái khó của người bán lại càng tăng khi họ đã chứng minh sự uy tín nhưng khách hàng vẫn không tin tưởng. Ban tổ chức cho đổi vòng tay nhằm giảm các hội scam (lừa đảo). Tuy nhiên, hội "ôm" vé vẫn không giải quyết được mặt hàng ế.
Có vòng tay uy tín, người bán lại vẫn không thể lấy được niềm tin của khách hàng (Ảnh: NVCC).
N.H. có mặt tại sân vận động Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vào sáng 26/7 để đổi vòng tay, hy vọng khách tin tưởng và mua hết vé. Tuy nhiên, anh chỉ bán lại được 4 vé Cat 1 khu ngồi với giá 4,5 triệu đồng/vé. Sau đó, một số khách hàng còn hủy cọc.
Người chuyên đi "phe vé" này cho biết, anh chưa từng thấy thị trường bán lại nào hỗn loạn như lần này trong 5 năm làm nghề. Người bán lại phải cắt lỗ đến mức "khó tin".
Người mua lo lắng vấn đề chính chủ
Chính vì thị trường bán lại có tình trạng giảm giá sâu, người mua cũng khó xác định thật - giả. Khi thấy giá quá rẻ, họ có tâm lý lo sợ gặp phải lừa đảo.
Tuy nhiên, đến sát ngày diễn, nhiều người vẫn không may trở thành nạn nhân. Ngọc (22 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) là một trong số đó.
Cô chia sẻ: "Nghe được thông tin vé bán lại đang rẻ bèo, tôi đã vào các hội nhóm tìm mua hạng Cat 2. Tôi thấy có người rao giá 5 triệu đồng/cặp. Vì đã tìm hiểu kỹ và thấy đây là mức giá hợp lý, thấp hơn đôi chút so với những người rao 6 triệu đồng/cặp, tôi đã đặt cọc 20%.
Thấy người bán chụp ảnh vòng tay uy tín, tôi không có gì phải nghi ngờ. Khoản tiền còn lại sẽ được thanh toán khi người bán đưa tôi qua cổng thành công. Nhưng ngày hôm sau, số điện thoại và trang cá nhân của người bán đó biến mất không dấu vết".
Không chỉ người chưa có vé, những fan (người hâm mộ) mua được vé từ nguồn uy tín cũng đang hoang mang. Đặc biệt là những người ở Hà Nội nhưng lại mua lại vé từ nguồn tại TPHCM. Bởi khâu chứng minh vé chính chủ rất quan trọng.
Khán giả chỉ được tham gia concert khi đáp ứng đủ 2 điều kiện: Có vòng đeo ở cổ tay trong suốt sự kiện và xuất trình vé điện tử của mình bất cứ lúc nào được yêu cầu.
Khánh Linh (22 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) tìm mua được 2 vé của một người uy tín ở TPHCM. Cô khá lo lắng bởi người này không yêu cầu cọc trước, giao dịch trực tiếp tại sân. Khi thấy mọi người đi đổi vòng tay, cô không chắc mình có được nhận hay không. Bởi cô phụ thuộc 100% vào người bán này.
Người mua vé không chính chủ được sắp xếp khu riêng, cần có giấy ủy quyền và bản sao căn cước công dân (Ảnh: Dĩ An).
Thực tế, việc chứng minh vé chính chủ không quá rắc rối nếu người bán cũng đi concert. Nếu không đổi vòng tay trong khoảng thời gian ngày 26-28/7, họ có thể đổi ngay trong 2 ngày diễn ra sự kiện và giao lại cho người mua.
Theo thông báo từ ban tổ chức, người bán lại cần cung cấp vé điện tử trong Gmail được gửi trực tiếp từ hệ thống bán vé hoặc trong ứng dụng. Ban tổ chức không chấp nhận ảnh chụp màn hình, Gmail được chuyển tiếp, bản in, bản photo...
Trong trường hợp người bán vé ở xa, không thể đến tận nơi đổi vòng tay, họ phải ủy quyền cho người mua vé đến nhận vòng. Người bán cần đăng nhập vào ứng dụng bán vé và cập nhật thông tin cá nhân trong trang chỉnh sửa hồ sơ. Sau đó, họ phải ký vào thư xác nhận ủy quyền cho người mua tới nhận vòng.
Người mua lại vé phải mang theo bản photo chứng minh thư, căn cước công dân hoặc hộ chiếu (của cả người bán và mua lại vé), giấy ủy quyền và vé điện tử tới địa điểm đổi vòng.