1/ Với những ai đặt chân quay trở lại Cố đô Huế, cảm nhận đầu tiên của du khách chính là những thay đổi tích cực ở đôi bờ sông Hương, khiến họ cảm nhận Huế ngày càng đổi thay bên cạnh việc bảo tồn các giá trị truyền thống.
Chạy dọc đường Lê Duẩn cạnh bờ Bắc sông Hương, du khách thấy bên dưới những tán cây xanh rậm rạp như “cánh rừng trong lòng thành phố”, nhiều người thoải mái chạy bộ, nói cười vui vẻ. Chốc chốc, chiếc xe đạp băng băng về phía trước trên đường dành riêng cho xe đạp. Bên trái, người dân tập thể dục trên dụng cụ thể thao. Con đường đi bộ dọc bờ Bắc sông Hương bừng sáng trong ánh mặt trời với hương thơm dịu dàng của muôn loài hoa được trang trí đẹp mắt trên lối đi.
Huế tràn ngập cây xanh.
Điểm nhấn ở đường đi bộ dọc bờ Bắc sông Hương được nhiều người tập trung về đây là cây cầu bán nguyệt hình cong cong đẹp mắt. Ở cây cầu này, người dân, du khách ngồi nghỉ mát, chụp ảnh, ngắm ông mặt trời chiếu những giọt nắng buổi sớm mai xuống dòng Hương.
Bên kia sông, cây cầu gỗ lim lóng lánh ánh vàng của màu đồng từ dãy lan can. Trên cây cầu đi bộ sàn lát gỗ lim này, người dân qua lại, ngắm cảnh, tập thể dục. Đưa vào hoạt động gần 5 năm nay, cây cầu dài khoảng 450m này trở thành địa điểm check-in của đông đảo du khách. Buổi tối, người Huế cũng như bao lữ khách tập trung về đây đi dạo, hóng mát, chiêm ngưỡng cảnh đẹp đôi bờ sông Hương...
Cầu gỗ lim trở thành điểm đến của nhiều người dân, du khách.
Không chỉ cầu gỗ lim làm cho diện mạo bờ sông Hương tươi mới hơn, địa phương này còn làm con đường đi bộ dọc sông ở công viên Lý Tự Trọng tạo thêm không gian vui chơi cho người dân. Điểm nhấn của không gian này là đài phun nước nằm trước UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong công viên thoáng đãng, đài phun nước kèm theo màu sắc rực rỡ tạo nên điểm chụp ảnh, check-in mới lạ. Đến tối, nhiều gia đình, các bạn trẻ rủ nhau đến đây dạo bộ, vui chơi, hẹn hò...
Du khách thoải mái chèo SUP trên dòng sông Hương thơ mộng.
Ở giữa sông, nước dòng Hương trôi êm đềm. Trong ánh ban mai, không khí mát mẻ, sông Hương có hàng chục chiếc SUP được người dân, du khách chèo qua lại, rộn ràng tiếng cười. Cạnh đó, nhiều người dân ngâm mình tắm mát, vùng vẫy thoải mái trên dòng sông quê hương, làm cho khung cảnh xứ Huế thêm tươi mới, tràn đầy năng lượng.
Trước đây, dọc hai bờ sông ít người tới lui, giờ đây, sự thay đổi của hai bên bờ sông Hương đoạn qua trung tâm TP Huế không chỉ tạo ra diện mạo đô thị khởi sắc hơn, mà còn thúc đẩy phong trào thể dục thể thao, tạo thêm không gian vui chơi cho người dân, du khách.
Địa phương này còn chỉnh trang, xây dựng nhiều nhà vệ sinh công cộng miễn phí với thiết kế hiện đại, thân thiện môi trường ở hai bờ sông Hương. Huế cũng ghi điểm trong mắt du khách khi đã vận động được hàng trăm cơ sở kinh doanh, hộ dân trên nhiều tuyến đường hỗ trợ mô hình “Điểm vệ sinh miễn phí” phục vụ du khách. Cuộc vận động này giúp du khách cảm nhận được sự hiếu khách của người dân cố đô khi cùng nhau tạo ra điều kiện sinh hoạt thuận lợi hơn cho du khách, góp phần hướng đến xây dựng Huế trở thành đô thị du lịch “Văn minh - Thân thiện - An toàn - Giàu bản sắc”.
Trình diễn áo dài ở cầu gỗ lim.
Đến Huế, du khách cảm nhận mảnh đất cố đô ngày càng xanh - sạch hơn. Đó là nhờ vào phong trào Ngày Chủ nhật xanh. Phong trào này được đông đảo tầng lớp nhân dân chung tay tham gia, mang lại nhiều hiệu quả cao.
2/ Nhắc đến sông Hương, không thể nói đến cồn Dã Viên. Với cồn Dã Viên, Huế đã chỉnh trang khu vực phía Đông làm đường đi bộ, bãi cỏ... với điểm nhấn là cây cầu gỗ dẫn từ cầu đường bộ Dã Viên xuống cồn. Trong không gian xanh - sạch - sáng, nhiều du khách đến đây vui chơi, chạy bộ... Hiện nay, Trung tâm công viên cây xanh Huế chỉnh trang khu vực phía Tây của cồn, làm đường đi bộ, nhằm đồng bộ cảnh quan khu vực, tạo nên không gian vui chơi, mang đến cảm giác gần gũi với thiên nhiên cho du khách.
Người dân, du khách tập thể dục trên đường đi bộ dọc bờ sông Hương.
Người dân, du khách chèo SUP, tắm mát và nghỉ ngơi ở cầu bán nguyệt.
Cách cồn Dã Viên không xa, dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt qua sông Hương đang được ngày đêm xây dựng. Dự án được khởi công vào cuối năm 2022 này thuộc tuyến đường vành đai 3, là trục giao thông chính, xuyên tâm vào thành phố, kết nối liên thông hai đô thị vệ tinh là thị xã Hương Trà, Hương Thủy với TP Huế. Dự án góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, giảm tải lưu lượng giao thông cho Quốc lộ 1A và các tuyến qua trung tâm thành phố.
3/ Là ngôi chợ nổi tiếng nhất xứ Huế, chợ Đông Ba nằm bên sông Hương là điểm mua sắm, tham quan, ăn uống của nhiều du khách. Trải qua thăng trầm của thời gian, ngôi chợ dần xuống cấp, ảnh hưởng đến mỹ quan cũng như sự an toàn của tiểu thương, khách hàng.
Tuy nhiên, gần đây, ngôi chợ này chuyển mình mạnh mẽ, được du khách đánh giá cao. Nhiều hạng mục được sắp xếp lại, cải tạo, chỉnh trang theo hướng văn minh - hiện đại. Ban quản lý chợ Đông Ba còn xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, xây dựng thương hiệu “Văn minh, thân thiện là người Đông Ba”, vận động tiểu thương thực hiện niêm yết giá và bán đúng theo giá niêm yết, tiểu thương chợ Đông Ba nói 3 không (không chèo kéo, không nói thách, không mỳ xưa) và 2 có (có chất lượng, có uy tín)...
Huế có thêm nhiều điểm dừng chân cho du khách.
Nói về những thay đổi của cảnh quan xứ Huế trong vài năm trở lại đây, ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, cho biết: “Những năm gần đây, diện mạo đô thị Huế đã có nhiều khởi sắc từ nhận thức đến hành động. Phong trào Ngày Chủ nhật xanh đã khơi dậy ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Việc đầu tư hình thành các tuyến đi bộ dọc sông Hương, không gian công cộng ở cồn Dã Viên, đồi Vọng Cảnh... đã giúp không gian đô thị được tôn tạo, chỉnh trang, đem lại sức sống mới trong đời sống đô thị để Huế luôn luôn mới trong không gian cổ kính, bình yên...”.