Vành đai 3 TPHCM có thể bị chậm vì thiếu cát

Thư Trần| 20/03/2024 07:02

Đến hết quý II năm nay, nguồn cát đắp nền nếu không được tháo gỡ sẽ đe dọa tiến độ dự án Vành đai 3 TPHCM.

Giữa tháng 3, hoạt động thi công tại các công trường thuộc dự án đường Vành đai 3 TPHCM diễn ra nhộn nhịp. Tuy vậy, các nhà thầu mới chỉ triển khai thi công được các hạng mục kết cấu cầu như cọc khoan nhồi, bệ thân trụ… Riêng phần đường, việc thiếu cát đắp nền khiến một số đoạn chưa thể thực hiện.

Vành đai 3 TPHCM dài hơn 76km đi qua 4 tỉnh thành, dự kiến cần hơn 14,8 triệu m3 vật liệu cát. Trong đó, cát đắp nền cần cung cấp cho dự án trong năm nay là hơn 7,2 triệu m3. Riêng TPHCM cần 4,7 triệu m3 dàn trải từ quý II đến quý IV.

Vành đai 3 TPHCM có thể bị chậm vì thiếu cát - 1

Vành đai 3 TPHCM đoạn qua gói thầu xây lắp 3 ở TP Thủ Đức (Ảnh: Nam Anh).

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông - chủ đầu tư), cho biết, TPHCM đã chủ động làm việc với các tỉnh để tìm nguồn cát.

Theo ông Phúc, 3 địa phương là Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang vừa thông báo có 60 mỏ trên địa bàn đã kiểm tra chất lượng đạt yêu cầu và được đưa vào danh sách cụ thể để sẵn sàng cung cấp phục vụ các dự án trọng điểm.

Cụ thể, các mỏ cát tại Tiền Giang có thể đáp ứng khoảng 2 triệu m3, còn lượng cát tại sông Ba Lai (Bến Tre) cho khai thác hơn 10 triệu m3. Các tỉnh cũng có chủ trương sử dụng số cát này phục vụ dự án Vành đai 3 TPHCM.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay là việc hoàn chỉnh thủ tục, cụ thể hóa cho từng mỏ này và vạch ra tiến độ chi tiết để giao sớm nguồn cát cho các nhà thầu thi công.

"Trữ lượng tương ứng từng mỏ này cũng như những mỏ đang khai thác sẽ được bố trí sớm. Những mỏ cần điều chỉnh sẽ chuyển sang giai đoạn 2", ông Lương Minh Phúc trả lời phóng viên Dân trí.

Mặt khác, chủ đầu tư cũng có giải pháp điều phối linh hoạt nguồn cát chung của một số nhà thầu đang nhận thầu thi công cùng lúc cả Vành đai 3 và các dự án cao tốc miền Tây.

"Nếu hết quý II năm nay tình hình không cải thiện, dự án có thể bị ảnh hưởng, hiện mức độ ảnh hưởng chưa quá nghiêm trọng", ông Phúc nói.

Với những giải pháp này, ông Phúc cho hay chủ đầu tư kỳ vọng trong quý II, Vành đai 3 có thể được tháo gỡ vấn đề thiếu cát, duy trì tiến độ theo kế hoạch đề ra.

Vành đai 3 TPHCM có thể bị chậm vì thiếu cát - 2

Gói thầu XL6 đường Vành đai 3 đoạn qua huyện Củ Chi TPHCM (Ảnh: Nam Anh).

"Chủ đầu tư đã làm việc với các nhà thầu ở từng gói thầu cụ thể. Đối với những đầu việc không phải chờ cát sẽ đẩy nhanh tối đa tiến độ như các công tác khoan, cọc, mố... và các phần kết cấu cọc. Còn phần đường song hành, các nhà thầu vẫn đang phối hợp giải quyết cuốn chiếu", ông Phúc nói thêm.

Trong buổi kiểm tra dự án vào mùng 4 Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ đã giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì làm việc với các bộ ngành và địa phương để giao nhiệm vụ cụ thể, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho dự án Vành đai 3 TPHCM.

Vừa qua, lãnh đạo Chính phủ cũng nhiều lần trực tiếp kiểm tra các dự án, làm việc với các địa phương và yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn về vật liệu xây dựng cho các dự án.

Với việc Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, cùng cơ chế thí điểm đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường, thủ tục cấp phép khai thác vật liệu tại các mỏ có thể rút ngắn được khoảng 8-10 tháng.

Điều này được kỳ vọng có thể tháo nút thắt giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đang khan hiếm nguồn cát đắp trên cả nước hiện nay, không riêng Vành đai 3.

Vành đai 3 TPHCM có thể bị chậm vì thiếu cát - 3

Sơ đồ đường Vành đai 3 TPHCM (Đồ họa: Ngà Trịnh).

Dự án Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM có 14 gói thầu xây lắp, trong đó 10 gói thầu xây lắp chính, 4 gói thầu phụ trợ phục vụ khai thác vận hành. Đến nay, có 4 gói thầu xây lắp chính (XL3, XL6, XL8, XL9) đang triển khai thi công. 6 gói thầu xây lắp chính khác (XL1, XL2, XL4, XL5, XL7, XL10) đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật, đang lựa chọn nhà thầu.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vành đai 3 TPHCM có thể bị chậm vì thiếu cát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO