Mấy đứa cháu ngoại ở xa về thăm bà ngoại hay nói “Bà ngoại giống mẹ quá!”. Con gái cầm điện thoại lên ghé vô bên mẹ, chụp hình “coi có giống thiệt không”. Mà giống thiệt, 2 mẹ con có tướng đi tướng ngồi, đến cái bóng lưng cũng giống hệt nhau. Bà ngoại nói bà cũng giống mẹ mình, là giống bà cố. Mấy đứa cháu suy ra... vậy là bà cố cũng giống mẹ luôn.
Nhưng giống hay không mẹ không còn nhớ. Bà cố sống vào khoảng đầu thế kỷ XX, tức là cách đây gần trăm năm. Bà chỉ có 1 con gái - là bà ngoại. Chồng bà cố bị Tây bắn chết lúc bà mới ngoài 20, bà ở vậy nuôi con. Hồi đó ai cũng vậy. Nghề nông bán mặt cho đất bán lưng cho trời, bà cố, bà ngoại đều không biết chữ.
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok |
Bà cố lúc còn sống hay kể chuyện bình dân học vụ, đi chợ mà không đọc thuộc mặt chữ thì không được đi. Chữ nghĩa của bà cố chắc cũng rơi rụng dần nhưng với bà ngoại thì vẫn còn. Cách mạng thành công, bà ngoại được đi học rồi đi “thoát ly”, ra miền Bắc. Sau này, bà cố được con gái đưa ra theo, sống cùng gia đình con…
Bà cố bây giờ là một bức ảnh đen trắng trên bàn thờ, nét mờ nhạt. Đám cháu ngoại ngày xưa bà chăm bẵm giờ đã 40, 50 tuổi. Ký ức còn lại là một bà cụ nhỏ bé, lưng hơi còng, lặng lẽ với những bữa cơm nấu trong chái bếp với mùi khói củi, khói mùn cưa mù lên những buổi sáng, buổi chiều mùa đông ẩm lạnh.
Một trăm năm trước
Trăm năm với một gia đình là ba hay bốn thế hệ. Bảng biểu số liệu thống kê tổng quát của các nhà nghiên cứu có thể cho thấy những bước tiến vượt bậc của nữ giới trong 100 năm gần đây. Nhưng với mỗi gia đình, sự chuyển mạch giữa các thế hệ gần như một vòng lặp. Tuổi 70, bà ngoại bây giờ có những nét, những tính cách giống bà cố ngày xưa một cách lạ lùng.
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Dù thuộc lớp phụ nữ tiến bộ, được học hành, được làm việc trong cơ quan nhà nước, được tham gia các tổ chức đoàn thể… nhưng về bản chất, bà ngoại vẫn là một phụ nữ của gia đình, lo toan, vun vén cho chồng con. 2 cuộc chiến tranh dài, người đàn ông trong đời đi xa biền biệt. Nhìn những bức ảnh phụ nữ Việt Nam đầu hay cuối thế kỷ XX, mắt họ vẫn là ánh mắt nhìn vào bên trong mình, đằm thắm, biết rằng mình phải gánh vác và sẵn lòng giữ gánh nặng ấy trên vai.
Tính nữ là một đặc trưng của văn hóa nông nghiệp, thể hiện sự tôn trọng người phụ nữ trong gia đình. Người mẹ, người vợ trong gia đình Việt được kỳ vọng là người “vượng phu ích tử”, tay hòm chìa khóa trong nhà, chăm lo dạy dỗ con cái, chăm sóc cha mẹ già yếu, gìn giữ nếp nhà. Dù dưới ảnh hưởng của những lớp văn hóa phụ hệ, phụ nữ bị hạn chế học hành, không có tiếng nói ngoài xã hội nhưng trong cánh cổng gia đình, người mẹ người vợ vẫn là người quan trọng.
Người phụ nữ tảo tần, chịu thương chịu khó đã trở thành một hình mẫu, ăn sâu trong máu thịt nhiều thế hệ. Khi xã hội tiến bộ, họ bước ra khỏi cánh cửa nhà, tham gia hoạt động xã hội, cất lên tiếng nói mạnh mẽ. Sự thuyết phục của họ, sức mạnh của họ phần lớn đến từ tính nữ đó, từ tình yêu thương, sự gắn bó và trách nhiệm, sự quán xuyến, chăm lo cho công việc chu toàn.
Các dì, các cô đồng trang lứa với bà ngoại, trải qua bao nhiêu thăng trầm của thời cuộc, khi về hưu đều trở thành những bà nội, bà ngoại một lòng lo cho con cháu, gia đình. Bà ngoại nói, nàng Kiều tài sắc vẹn toàn đến thế, gia cảnh nào phải tầng lớp nghèo hèn, chữ nghĩa được trau dồi, người yêu cũng đã ước hẹn, vậy mà rồi gia cảnh biến suy, nàng vẫn quyết lòng bán mình chuộc cha. Đó là cái nghĩ, cái quyết của nàng chứ nào đâu phải ai ép buộc.
Người đàn bà Việt là thế, từ cả trăm năm trước cho đến tận hôm nay, sống vì gia đình, lo toan vun vén cho chồng con là bản chất vững bền nhất. Từ đó, người ta nhận ra người đàn bà Việt; nhận ra mình có thể trông cậy, nương náu vào hơi ấm nhân hậu, đằm thắm, có trước có sau từ những người mẹ người chị của mình.
Một trăm năm nữa
Bà ngoại có 4 đứa cháu gái. Chưa đứa nào lấy chồng dù chúng đều có bạn trai, học hành giỏi giang, nghề nghiệp ổn định. Bà hay nói: Sao không đưa bạn về cho ngoại coi mắt? Đứa nào cũng cười hì hì, mở điện thoại ra nói ngoại muốn coi mắt hay coi gì cũng được. Cháu gái của bà ngoại có đứa làm sếp, lương cao, tự mua được nhà.
Bà ngoại nói chuyện với lũ cháu hoài không thấy kết quả, có bữa đã kêu mấy đứa con gái - là mẹ của đám cháu kia - về nhà “sinh hoạt tư tưởng”. Bà nói, con hư tại mẹ, cấm có sai. Mấy đứa con cứ nói để cho đám nhỏ tự do, tự quyết, miễn sao sống hạnh phúc là được. Nhưng hạnh phúc chỉ một mình, hạnh phúc chỉ một thời là không bền, là không vững. Người lớn trải đời, cần nhìn xa hơn đám nhỏ. Con mình đẹp đẽ, khỏe mạnh, thông minh, có học... - cần phải đẻ con để tiếp nối cái hay cái đẹp đó. Đàn bà con gái, trừ một số người giỏi giang xuất sắc phi thường, còn lại bình thường thì ai cũng nên lấy chồng sinh con, lúc đó mới là đẹp là giỏi thực sự.
Cũng tưởng chỉ có mình bà ngoại mới nói chuyện kiểu cổ lỗ sĩ vậy thôi nhưng rồi bỗng nhiên một ngày, cô cháu gái Anh Đào xách vali về nhà bà ngoại. Con bé nói cần thời gian để chữa lành. Ở nhà ngoại, con bé vẫn làm việc online, vẫn điều hành. Tháng sau, bà ngoại báo tin con bé có bầu, giọng bà vui lắm.
Vậy là thế hệ thứ tư đã xuất hiện. Chẳng biết là con trai hay con gái nhưng tin Anh Đào sắp sinh con ở nhà bà ngoại khiến mấy cô cháu còn lại, cùng với cha mẹ chúng, ngạc nhiên hết sức về độ “cấp tiến” của bà cụ già.
Thì ra người đương thời có khi không “nữ quyền”, không tự do bằng người muôn năm cũ. Thì cũng vẫn những cái vướng vấp đó thôi: gia thế mình thế này; con mình đi du học về giỏi giang xinh đẹp thế kia; vị trí công việc, vị trí xã hội này nọ… vẫn là những rào cản đối với mọi người, đặc biệt là đối với phụ nữ.
Trăm năm nữa, phụ nữ chắc chắn sẽ tiến bộ hơn rất nhiều. Phụ nữ sẽ tham gia sâu rộng vào lĩnh vực công nghệ, làm chủ khoa học kỹ thuật, không chỉ sử dụng công nghệ mà còn góp phần tạo ra các đổi mới công nghệ. Phụ nữ có thể đặt chân đến những lĩnh vực mới, khẳng định mình không thua kém đàn ông.
Phụ nữ có thể bình đẳng, ngang hàng với nam giới trên nhiều lĩnh vực. Sự phát triển của y học cá nhân hóa sẽ giúp phụ nữ sống khỏe mạnh và năng động hơn trong suốt cuộc đời. Tất cả những điều đó sẽ khiến phụ nữ dễ chạm đến hạnh phúc hơn. Nhưng để có hạnh phúc lâu bền, hạnh phúc thực sự, phụ nữ vẫn cần nắm giữ bằng chính đôi tay mình, bằng mối dây ràng buộc riêng.
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Một trong những mối dây đó là tình mẫu tử, vốn được bảo bọc bằng gia đình, bằng chồng vợ, bằng một tế bào không tự nhiên sinh ra mà do 2 con người yêu nhau quyết định tạo lập và gìn giữ cùng nhau.
Những ngày này, bà ngoại vui lắm. Cô cháu gái bận rộn chuẩn bị “nằm ổ”, mấy anh giao hàng vô ra, chuyển đến nhà bao nhiêu thứ bà chưa thấy bao giờ. Lần đầu bà ngoại lên sóng video call, kể chuyện Anh Đào mới mua cái xe nôi cho em bé. Bà mẹ trẻ vẫn làm việc từ xa, vẫn tập thể dục theo lớp của các bà bầu do bệnh viện phụ sản tổ chức, hướng dẫn qua mạng.
Bà ngoại nói đứa bé là con gái, nó sẽ đến với cuộc đời này vì mẹ nó đã quyết định, đã tự do lựa chọn. Đó sẽ là một em bé hạnh phúc và xinh đẹp, như tất cả phụ nữ trong gia đình mình.
Hoàng Mai