Đồng chí Võ Nguyên Giáp mỉm cười trả lời: "Là anh chứ ai nữa, chính Bác đặt tên cho anh đấy". Nguyễn Vịnh vừa ngỡ ngàng, vừa sung sướng! Từ đó, cái tên Nguyễn Chí Thanh trở thành một phần lịch sử của quân đội, của cách mạng Việt Nam.
Và trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, có rất nhiều câu chuyện kể về ông thể hiện phẩm chất của nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, một đồng chí cán bộ chính trị mến yêu của cán bộ, chiến sĩ quân đội, vị tướng của nông dân. Chuyện kể rằng, năm 1951, là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, có lần ông cùng đơn vị đi chiến dịch. Khi ngang qua con suối rộng, một cán bộ đi giày đinh chiến lợi phẩm dáng sĩ quan, sợ ướt giày, đang loay hoay thì thấy ông, trong bộ quần áo nâu bạc đi qua, liền gọi lại và nói: “Ông chịu khó cõng mình qua suối một tí”. Thế là không ngần ngại, Nguyễn Chí Thanh ghé lưng, vén quần cõng anh cán bộ. Nửa chừng anh cán bộ liền hỏi: "Cậu ở đơn vị nào nhỉ?". Nguyễn Chí Thanh trả lời: "Tớ ở Tổng cục Chính trị". "Cậu làm gì ở đó?". Nguyễn Chí Thanh trả lời: "Tớ là Chủ nhiệm Tổng cục"!
Nghe vậy, người cán bộ định bỏ lưng ông, nhưng Nguyễn Chí Thanh điềm tĩnh nói: “Cậu cứ để yên” và ông đã cõng người cán bộ sang bờ bên kia. Lúc này, với giọng miền Trung nghiêm khắc, Nguyễn Chí Thanh nói: "Hôm nay tớ giúp cậu vì xét ra cậu cũng cần giúp nhưng nhớ lần sau đừng bắt anh em cõng như thế nữa nhé".
Năm 1954, từ chiến khu trở về Hà Nội, cơ quan định bố trí cho gia đình ông một biệt thự đẹp bên hồ Trúc Bạch. Nhưng ông đã từ chối và đề nghị bố trí một chỗ ở trong khu quân đội. Ông nói: "Từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, khó tránh khỏi chớm nở trong bộ đội tư tưởng đòi hưởng thụ. Mình ở nhà sang quá thì khó gần gũi anh em, mà có khi muốn nói điều cần nói cũng khó lọt tai người nghe".
Lúc sinh thời, nhà báo Hữu Thọ kể rằng, ngày về Hợp tác xã Đại Phong (Lệ Thủy, Quảng Bình) nghiên cứu tình hình, tổng kết công tác nông nghiệp, Đại tướng mặc bộ áo quần màu nâu, trên đầu mũ lá, lội đầm băng phá qua bao cánh đồng sâu. Nhiều lần ông còn ngồi bệt xuống đất ven bờ sông Kiến Giang trò chuyện với cán bộ xã và nông dân. Về kiểm tra một hợp tác xã ở Nam Định, ông hỏi vì sao năm qua số tiền bỏ vào xây dựng cơ bản chỉ có 600 đồng. Cán bộ hợp tác xã nói, chúng tôi không có “khả năng”. “Thế tại sao các đồng chí lại có khả năng bỏ ra những 2.300 đồng để liên hoan các khoản?”-đồng chí Thanh hỏi.
Nhà báo Hữu Thọ cho biết, khi tổng kết công tác, đồng chí Nguyễn Chí Thanh thường nêu những khẩu hiệu cổ vũ phong trào rất dễ nhớ. Với nông nghiệp, ai cũng nhớ câu “bám đội, lội đồng” thể hiện tác phong sát dân, sát đồng ruộng của người lãnh đạo, quản lý. Trong đánh Mỹ, ông nêu khẩu hiệu: “Nắm thắt lưng địch mà đánh”.
Với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, “ở đâu nghèo đói gọi-xung phong; ở đâu tiền tuyến cần-anh đến”; thực hiện lời dạy của Bác Hồ, coi đạo đức của người cộng sản là gốc, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một trong những người tiên phong chống chủ nghĩa cá nhân trong quân đội.
TS NGUYỄN THÀNH HỮU
Nguyên cán bộ nghiên cứu lịch sử Bộ Tổng tham mưu