Chị Lê Quỳnh Anh (32 tuổi, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) cho biết, mỗi dịp rằm tháng 8, chị đã quá quen với cảnh hàng trăm người xếp hàng mua bánh trung thu trước một cửa hàng trên phố Cầu Đất (quận Ngô Quyền).
Năm nay, nhu cầu mua bánh dường như tăng cao hơn nên nhiều người đã phải xếp hàng từ đêm. Họ ngồi đợi nhiều tiếng liền, chờ tới giờ cửa hàng mở bán.
Để đảm bảo công bằng và tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy, chủ cửa hàng đã phát số thứ tự cho khách vào mua bánh. Để nhận được những số đầu tiên, nhiều người đã có mặt từ 1-2h. Có người còn mang gối, trải chiếu, thảm trên vỉa hè để ngủ, ăn uống tại chỗ.
Chị Bùi Vân Nga (phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền) cho biết, hàng năm chị thường xếp hàng 1-2 tiếng để mua bánh đi biếu bạn bè, người thân ở Hà Nội.
Tuy nhiên, năm nay, số lượng người xếp hàng quá đông, có hôm, chị Nga đứng chờ một tiếng đồng hồ mà thấy trước mình đã có khoảng 300-400 người.
"Năm nay, tôi không đủ kiên nhẫn xếp hàng nên đành sang một vài cửa hàng gần đó mua bánh trung thu loại khác. Tôi cũng nói với bạn bè, người thân thông cảm vì không mua được loại bánh như mọi năm", chị Nga nói.
Theo chị Nga, thương hiệu bánh này rất nổi tiếng ở Hải Phòng. Mấy năm gần đây, thương hiệu này được người dân các tỉnh thành khác biết tới nên nhiều người săn lùng làm quà biếu tặng.
Bánh trung thu tại đây có nhiều loại nhưng được yêu thích nhất vẫn là loại nhân thập cẩm truyền thống. Ngoài ra, cửa hàng còn làm nhiều loại bánh với nhân bào ngư, yến xào… để phục vụ các khách hàng VIP.
Trên Facebook, cửa hàng bánh này đã ngừng nhận các đơn online từ ngày 15/9. Có thời điểm, cửa hàng còn phải dán biển thông báo tạm đóng cửa vì không kịp làm hàng bán cho khách.
Chị Nga cho biết, tình trạng xếp hàng mua bánh đã diễn ra cả tháng nay. Khách phải chờ đợi rất lâu và vất vả. Tuy nhiên, số lượng bánh mua mỗi lần cũng bị giới hạn bởi người chủ muốn ai cũng có cơ hội mua bánh.
Anh Vũ Huy Hiếu (quận Lê Chân) cho biết, gia đình hai bên nội ngoại của anh đều thích bánh của cửa hàng này nên năm nào anh cũng xếp hàng mua cho bằng được.
"Ở Hải Phòng có rất nhiều cửa hàng bánh nhưng tôi chỉ mua ở đây. Có thể nhiều người sẽ nói chỉ là cái bánh trung thu, mua ở đâu cũng được, chỉ là một miếng bánh để ăn, đâu cần tốn công xếp hàng như vậy?
Tuy nhiên, quan điểm cá nhân tôi thấy rằng, có được chiếc bánh chuẩn vị truyền thống như của cửa hàng để ăn và làm quà biếu tặng trong dịp này là một niềm vui. Chỉ cần bản thân vui thì có tốn công sức thế nào cũng đáng".
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thời gian xếp hàng, chờ đợi như anh Hiếu. Nhiều người vì vẫn muốn sở hữu những hộp bánh của thương hiệu này đã chấp nhận mua lại của người khác với giá cao hơn. Tại khu vực này vì thế xuất hiện một "nghề mới" đó là xếp hàng mua bánh hộ.
Gần đây, chị Bùi Liên (45 tuổi) tạm gác công việc buôn bán hải sản thường ngày để đi xếp hàng mua bánh trung thu.
Chị Liên cho biết, chị thường xếp hàng từ 3h sáng, chờ đến 7h30 cửa hàng mở cửa để mua bánh.
Số lượng bánh mỗi lần chị Liên mua được không cố định. Có hôm 20 chiếc, 12 chiếc nhưng cũng có hôm chỉ 6 chiếc. "Những ngày nào cửa hàng trả cho khách công ty thì khách lẻ sẽ chỉ mua được 6-7 chiếc", chị Liên lý giải.
Chị Liên cùng một số người thân của mình phải xếp và quay vòng liên tục mới đủ bánh trả cho khách. Nhiều khi khách gọi điện nhờ mua hộ nhưng chị không dám nhận lời vì không phải cứ muốn mua bao nhiêu là được.
Vì số lượng người xếp hàng mua bánh rất đông, chật kín từ vỉa hè đến các khoảng trống trong cửa hàng nên chị Liên thường không dám rời đi hay về nhà ăn uống, nghỉ ngơi. Người phụ nữ này thường mua đồ ăn về ăn tại chỗ, chờ cửa hàng ra mẻ bánh mới là vào mua.
Đỗ Hồng Nhung (sinh viên một trường đại học ở Hải Phòng) cho biết, từ đầu tháng 9 cô đã tranh thủ mỗi dịp cuối tuần ra xếp hàng mua hộ bánh.
Giá của bánh nhân thập cẩm truyền thống - loại được yêu thích nhất - có giá từ 60.000 đến 70.000 đồng/chiếc. Mỗi hộp gồm 4 chiếc. Những người xếp hàng mua hộ bánh như Nhung sẽ lấy công từ 40.000 đến 80.000 đồng 1 hộp bánh.
"Cũng có thời điểm khan hàng, gặp khách, tôi có thể lãi được 200.000 đồng mỗi hộp bánh", Nhung nói.