V.League và giá trị từ bản quyền truyền hình

AN NGUYÊN| 13/11/2023 17:20

Giá trị của V.League được đánh giá đã tăng lên rất nhiều lần khi VPF công bố hợp tác với FPT Play bằng bản hợp đồng có giá trị 5 năm (từ mùa giải 2023 đến hết mùa giải 2027).

V.League và giá trị từ bản quyền truyền hình
Bản quyền truyền hình V.League mang lại nhiều giá trị cho sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp quốc gia. Ảnh: VPF

Năm 2022, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam và FPT Play công bố hợp tác chiến lược, hướng tới mục tiêu nâng tầm nền bóng đá Việt Nam tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế.

Theo đó, đơn vị truyền hình này sở hữu gói bản quyền truyền hình V.League, hạng Nhất Quốc gia và Cúp Quốc gia trong 3 mùa giải, từ năm 2023 đến 2027. Giá trị hợp đồng không được công bố chính thức, song nhiều nguồn tin cho biết con số ước tính khoảng 60 tỉ đồng/mùa.

Nhìn lại giai đoạn từ năm 2016-2022, đối tác cũ sở hữu bản quyền truyền hình của VPF chịu hoàn toàn việc sản xuất và phát sóng trực tiếp trên các hạ tầng internet, truyền hình,... để đổi lại bản quyền truyền hình. Đây là một kiểu hợp tác “đổi - trả”, VPF được quyền khai thác quảng cáo trên sóng truyền hình.

Đến năm 2018, VPF được đối tác này trả thêm một khoản tiền mặt với con số khoảng 2 tỉ đồng/mùa giải. Việc hợp tác giữa hai bên thời điểm này được xem là phù hợp với bối cảnh thực tế với mục tiêu lan tỏa hình ảnh giải đấu.

Trở lại với sự hợp tác giữa VPF và FPT trong việc sở hữu bản quyền truyền hình V.League, đây được bước đệm quan trọng cho sự phát triển của các giải đấu chuyên nghiệp quốc gia.

Không chỉ là bản quyền truyền hình, đôi bên còn là đối tác chiến lược, phối hợp trong mọi vấn đề liên quan đến khai thác thương mại, phát triển hình ảnh.

Đơn vị này cũng cam kết giá trị sẽ tăng theo từng năm, cùng với việc thúc đẩy tiêu chuẩn sản xuất trận đấu trực tiếp tốt hơn, đảm bảo tất cả các trận đấu trong hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia đều được phát sóng trực tiếp, đa dạng hóa các nội dung truyền thông cho giải đấu...

Các câu lạc bộ được hưởng lợi trực tiếp từ việc bán bản quyền truyền hình V.League. Ảnh: Minh Dân
Các câu lạc bộ được hưởng lợi trực tiếp từ việc bán bản quyền truyền hình V.League. Ảnh: Minh Dân

Đặc biệt, các câu lạc bộ tham dự giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia đã được hưởng lợi trực tiếp về mặt tài chính. Việc phát triển hình ảnh, truyền thông giải đấu cũng giúp các đội bóng tăng thêm giá trị, sự hấp dẫn với các nhà đầu tư, quảng cáo.

Từ đó, VPF không cần phải chia nguồn lực để đảm nhiệm nhiều công việc, thay vào đó là tập trung vào công tác tổ chức, phát triển chuyên môn giải đấu.

Câu chuyện bản quyền truyền hình V.League cho thấy tính ổn định cao, sự phát triển đúng hướng về tầm nhìn vĩ mô, đồng thời chứng minh sự phát triển theo hướng chuyên nghiệp từ các đội bóng cũng như các cấu phần khác tạo nên giải đấu.

Lấy một phép tính đơn giản để chứng minh cho giá trị của V.League ở thời điểm hiện tại. Theo thống kê của Siam Sport (tờ báo thể thao hàng đầu Thái Lan), Thai League (giải vô địch quốc gia Thái Lan) từng có giá tới 1,05 tỉ baht/mùa giải (hơn 720 tỉ đồng).

Tuy nhiên, hiện tại, các nhà đài chỉ chấp nhận bỏ ra khoảng 33 tỉ đồng cho bản quyền phát sóng Thai League 2023-2024. Con số này chỉ bằng 1/20 so với thời kì hoàng kim 2017-2020 và bằng 1/6 so với mùa giải trước. Thậm chí, giải đấu hấp dẫn nhất Đông Nam Á còn đối mặt với nguy cơ tiếp tục "hạ giá" trong tương lai.

Trong khi đó, V.League đã có bước nhảy vọt và trong ít nhất 5 năm tới, các đội bóng được hưởng lợi hơn rất nhiều. Con số 60 tỉ mỗi mùa có thể chưa làm hài lòng số đông và chưa thể so với khoản tài chính các câu lạc bộ chuyên nghiệp phải bỏ ra để duy trì hoạt động, nhưng với định hướng phát triển một cách bền vững và ổn định với những con số tích cực, giới chuyên môn và người hâm mộ có quyền tin tưởng vào tương lai đầy hứa hẹn của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
V.League và giá trị từ bản quyền truyền hình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO