 |
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Thỏ tan học về được mẹ tôi đón tận cửa, không quên trao cái ôm thật chặt và nụ hôn lên đôi má phúng phính. Thỏ năm nay đã học lớp Ba. Em Thỏ là bé Sóc đang học lớp lá cũng được hưởng đặc quyền ôm, hôn ông bà ngoại một cách rất tự nhiên - điều mà tới bây giờ, với tôi vẫn là chuyện vô cùng khó khăn, thậm chí không thể thực hiện.
Nhà tôi ở xóm dạ cầu. Mấy chục nóc nhà quây quần ở mé sông, gần chân cầu, nơi con nít có thể chạy chơi lòn bên dưới cây cầu to bắc qua sông. So với tụi con nít trong xóm, tôi có phần oách hơn vì có mẹ làm ở phòng lương thực, ba đi làm ăn xa, lần nào về cũng mua cho quà bánh. Thế nhưng, dù gia cảnh khá giả, sự quan tâm của ba mẹ tôi cũng chỉ dừng lại ở manh quần, tấm áo hay chút quà bánh. Cả cái xóm dạ cầu ngày ấy, theo tôi quan sát, rất ít đứa nhỏ được ba mẹ cưng nựng, ôm ấp, yêu chiều. Ngay cả những câu nói ngọt ngào, chúng tôi cũng ít được nghe.
Cuộc sống khó khăn, ngoài giờ đi làm, đi buôn bán, kiếm ăn, thời gian người lớn dành để quan tâm đám nhỏ cũng chỉ đủ để réo gọi chúng về nhà, nhắc làm cái này, la rầy cái kia. Tuyệt nhiên không có chuyện mấy bà mẹ trong xóm nói những câu tình cảm, chẳng hạn: “Mẹ yêu con”, “Mẹ nhớ con” hay gọi “con yêu của mẹ…” như lời thoại trong các bộ phim chúng tôi thi thoảng được coi ké ở cái ti vi trắng đen nhà cô Xuyên đầu xóm.
Năm lớp Bốn, tôi được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi văn của trường huyện. Cô giáo ra đề tả mẹ. Tôi cố tả cho ra một người mẹ dịu dàng, ngọt ngào từ cử chỉ cho tới lời nói. Khi đọc lại bài chuẩn bị nộp, không hiểu sao tôi gạch hết mấy câu nói ngọt ngào trong tưởng tượng. Tôi thậm chí không dám chạm tới sự ngọt ngào mình hằng khao khát - dù chỉ trong một bài tập làm văn.
Mãi sau này, khi tôi lên cấp II, cấp III, rồi vào đại học, có rất nhiều cột mốc, nhiều kỷ niệm, nhiều khoảnh khắc đáng nhớ mà nếu ở hoàn cảnh đó, người ta có thể dễ dàng ôm lấy ba mẹ để thể hiện niềm vui, sự xúc động. Vậy nhưng tôi đã không thể. Tôi có cảm giác ba mẹ tôi chưa bao giờ sẵn sàng cho điều đó.
Hôm nay, mẹ tôi về quê. Bà rời nhà từ sáng sớm, canh lúc bé Thỏ và bé Sóc còn chưa dậy để chúng khỏi buồn. Mẹ để dưới gối mỗi đứa một tờ giấy - là những bức thư. Trong thư, bà nói bà yêu 2 cháu rất nhiều; dặn các cháu phải ngoan, siêng học. Bà về quê hái trái cây đem bán kiếm tiền để mai mốt lên dẫn cháu đi siêu thị mua đồ chơi và ăn kem. Bà cho mỗi đứa 20.000 đồng, ôm và hôn mỗi đứa 100 cái…
Đọc thư, tôi bỗng cảm thấy một thoáng… ganh tỵ với con mình. Gần 40 năm cuộc đời, tôi vẫn chưa một lần được nghe lời yêu từ mẹ. Tôi cũng chưa từng nói lời yêu với mẹ. Có một lực cản vô hình khiến chúng tôi không thể làm điều tưởng chừng đơn giản đó.
Có những thứ nếu không tập làm từ nhỏ sẽ rất khó thực hiện khi ta đã lớn, đã già, dù trong lòng rất muốn. Tôi không trách ba mẹ. Tôi tự an ủi: có lẽ mỗi thời, mỗi thế hệ có một cách thể hiện tình cảm khác nhau. Những gì đã qua không thể nào làm lại, nhưng những gì sắp tới nằm trong tay mình. Ngọt ngào với con - hẳn rồi. Tôi cũng sẽ dành cho ba mẹ lời yêu chân thành nhất. Lời yêu ấy tôi đã cất sẵn tận đáy lòng, chờ một ngày được thốt thành lời.
Lê Trung