Mở đầu bài báo viết về phong tục đặc biệt này, phóng viên Aljazeera thuật lại câu chuyện về chuyến ra khơi đầy bảo tố của ngư dân Nguyễn Văn Lộc, một người sống trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cách đây hàng thập kỷ.
Bài báo mô tả, vào một buổi sáng, khi dùng bữa với những món ăn truyền thống, ông Nguyễn Văn Lộc giong thuyền ra khơi với hy vọng sẽ kiếm được mớ cá như ý.
Tuy nhiên, "người tính không bằng trời tính", khi tàu của ông mới vừa vượt qua khỏi các rạn san hô quanh đảo được vài giờ thì bão bắt đầu nổi lên.
Bên dưới bầu trời xám xịt, những cơn gió liên tục giật mạnh làm cho nước biển đổ ập lên tàu. Xung quanh, sóng vỗ cuồn cuộn cuốn lên cao khiến con tàu lắc lư, người trên tàu thì liên tục bị và vào boong. Sấm chớp không ngừng trên bầu trời như báo hiệu một dự cảm không lành cho các ngư dân trên tàu. Ông Lộc và các ngư dân trên tàu cảm nhận được cái chết đang gần kề với mình.
Sau khi tự buộc dây thừng vào người - để lỡ không may thì xác của họ sẽ được tìm thấy - ông Lộc và những người đánh cá nắm chặt mép thuyền và cầu nguyện. Chăm chú nhìn vào mặt biển đang biến dạng vì sóng biển, ông Lộc và những người bạn đồng hành hướng tâm trí của mình về tổ tiên, những người đã bỏ mình trên vùng biển này, thì từ đâu một vật thể hình dạng thuôn dài xuất hiện. Con vật khổng ấy có một đôi mắt sáng và đang nhìn thẳng vào các ngư dân.
Nhưng, những người đàn ông không hề cảm thấy sợ hãi vì họ biết, đó chính là thần cá voi và lời cầu nguyện của họ đã được nghe.
Khi những người đàn ông hò reo vui mừng, hai con cá voi khác xuất hiện bên cạnh thuyền của họ.
Xem thêm: Nguồn gốc tín ngưỡng thờ cá voi
Trong vài giờ tiếp theo, ba con cá voi áp sát đưa ngư dân thoát khỏi vùng mưa bão và hướng họ về nhà, rồi từ đó, ở nơi đây, câu chuyện của họ lan truyền khắp các chợ cá trên dọc bở biển Việt Nam trong nhiều thập kỷ.
Khi nghe câu chuyện về ông Lộc, người ta sẽ nghĩ đây chỉ là một câu chuyện tâm linh hư cấu chứ không phải là một trải nghiệm thực tế. Tuy nhiên, câu chuyện này không phải là duy nhất, mà nó tần suất xuất hiện khá nhiều tại các làng chài ven biển của Việt Nam. Từ đảo Phú Quốc cho đến tận thành phố biển Đà Nẵng, trong các câu chuyện, ngư dân thường khơi gợi cho người nghe về lòng vị tha của các loại cá thuộc bộ cá voi.
Có phần nào sự thật trong câu chuyện của họ không? Để tìm hiểu kĩ càng chỉ còn cách thức dậy lúc bình minh, dạo qua các chợ của ngư dân để hỏi thăm và tìm đến hàng chục ngôi đền thờ cá voi nằm rải rác dọc theo bờ biển Nam Trung Bộ Việt Nam.
Xem thêm: Những thông tin thú vị cơ bản về cá voi có thể bạn chưa biết?
Vị thần của vùng biển phía Nam
Để đi tìm lời giải, phóng viên Aljazeera bắt đầu từ thành phố bình dị Phan Thiết, cách TP.HCM khoảng 4 giờ xe chạy. Tại đây, họ đã ghé thăm bảo tàng cá voi và gặp anh Vương Đạo, người trông coi ở đây. Anh Vương Đạo thu hút du khách bằng truyền thuyết về đại dương - bao gồm cả câu chuyện về ngư dân Lộc.
Dáng người trung niên, bảnh bao trong chiếc áo sơ mi màu xanh da trời mang phong thái lịch sự cổ điển.
Trong căn phòng có bộ xương cá voi lớn nhất Đông Nam Á, anh Vương Đạo bắt đầu câu chuyện của mình về đại dương, về ngư dân Lộc và văn hóa thờ cúng cá voi linh thiêng.
Anh nói: "Đây là bộ xương của cá Ông. Nó đã hơn 200 năm tuổi. Con cá voi chết và dạt vào đây nên ngư dân đã tổ chức tang lễ và chôn cất nó. Sau ba năm, họ đã khai quật mộ và đưa xương cốt về đây để thờ cúng".
Các ngư dân địa phương đã bảo vệ xương của cá voi hàng trăm năm trước khi chúng được phục dựng và trưng bày trong bảo tàng vào năm 2003. Và, trong khi không ai biết chính xác tục thờ cúng cá voi bắt nguồn từ đâu và từ khi nào.
Xem thêm: Một con cá voi hấp thụ CO2 bằng hàng vạn cây xanh
Tuy nhiên, truyền thuyết nói rằng, vào cuối những năm 1700, vua Gia Long của triều Nguyễn cùng một đội quân đang cố gắng vượt biển thì một cơn bão bất ngờ ập đến. Những người trên thuyền bắt đầu tuyệt vọng, cho đến khi một con cá voi trồi lên từ dưới biển sâu và dùng lưng của nó làm điểm tựa để đưa con thuyền đến nơi an toàn. Để cảm ơn sinh vật to lớn kia, nhà vua đã phong cho nó cái tên "Tướng quân của Biển Nam", cuối cùng được rút ngắn thành cá Ông.Ngoài ra, một số nơi còn gọi là "Cá voi chúa" hoặc "cá ông".
Ngày nay, những câu chuyện về chôn cất cá voi và lòng vị tha của các loài cá thuộc bộ cá voi thậm chí còn lan truyền trên các phương tiện truyền thông nhà nước.
Trong một bài báo, anh Nguyễn Quốc Chính ở đảo Lý Sơn còn kể rằng, khi anh đang đánh cá cùng 20 người khác gần quần đảo Hoàng Sa thì một cơn bão xuất hiện, đe dọa đánh chìm thuyền của anh. Thật kinh ngạc, một con cá voi nổi lên - giống như một tảng đá đen khổng lồ - và những người đánh cá nằm trên lưng cá voi trong nhiều ngày, ăn rong biển và uống nước tiểu của nhau để tồn tại.
"Cá voi thường cứu người trên biển", anh Đạo thản nhiên nói thêm. "Đó là lý do tại sao những người đi biển Việt Nam tôn sùng cá voi. Họ còn gọi chúng là những Vị thần của Biển Nam ".
Những ngôi đền thờ cúng cá voi ven biển
Theo truyền thuyết, sau khi giải cứu vua Gia Long, con cá voi đã chết, xác nó chia làm ba phần trôi dạt vào bờ. Một phần đến rừng ngập mặn Cần Giờ, một huyện ven biển thuộc TP.HCM, hai phần còn lại dạt vào Phước Hải, một làng chài nhỏ ở Vũng Tàu.
Ở trung tâm Vũng Tàu ngày nay, có một quần thể đền thờ chỉ thờ cá voi và gây ấn tượng với du khách bằng đàn mòng biển quanh năm bay lượn xung quanh.
Khi phóng viên đến đây, một cụ ông già yếu, khuôn mặt dường như nở một nụ cười thường trực, vội vàng mở cánh cửa sắt cũ kĩ kêu cót két ra để đón khách. Bên trong có một tủ kính được đặt phía sau bàn thờ, nơi có hộp sọ và xương của hơn 100 con cá voi và các loài động vật trong bộ cá voi khác nằm thành từng cụm dưới ánh đèn neon sáng rực.
Ông cụ với vẻ mặt trầm lặng nhưng vẫn thường trực nụ cười vui vẻ, ngồi trên chiếc ghế đẩu sau bàn thờ và rung một chiếc chuông nhỏ khi chúng tôi nhìn ngắm những bộ xương.
Ở Phước Hải, cách Vũng Tàu một giờ đi xe, có một con đường đi dạo bằng bê tông trải dài, trên một bãi cát trắng vàng rải rác những chiếc thuyền đánh cá, lưới cũ, mạt nhựa, gáo dừa và thi thoảng là cá chết. Ở nhiều nơi, người ta còn dùng hình ảnh cá voi để tạo ra những bức tường nghệ thuật dọc bờ biển, xung quanh đó, những ngư dân già ngồi thành từng nhóm nhỏ vá lưới hoặc ngắm biển.
Một trong những người đàn ông mời phóng viên đến đền thờ cá voi Phước Hải.
Công trình kiến trúc tại đây phức tạp hơn công trình ở trung tâm TP Vũng Tàu và người chăm sóc trẻ hơn ít nhất nửa thế kỷ và mặc áo choàng. Trong ngôi đền, khói hương bay lượn quanh những căn phòng thiếu ánh sáng, họ cầu nguyện sự thịnh vượng trước vị thần của vùng biển này.
Anh Nguyễn Ngọc Thể, người trông coi đền, nhớ lại một chuyến đi biển, một số ngư dân bị lật thuyền và trôi dạt nhiều ngày trên biển. Họ không thể nhớ mình đã được cứu như thế nào nhưng biết chắc chắn một con cá voi đã cho họ ăn và đưa họ vào bờ.
Sau khi quay về bờ an toàn, những người đàn ông đã nôn ra cá cơm, họ cùng nhớ lại, và cuối cùng kết luận rằng đây chắc hẳn là sự cứu giúp của cá Ông.
"Trong khi làm việc trên biển, tôi đã thấy sự linh thiêng của cá Ông, nó đã bảo vệ cộng đồng ngư dân như thế nào", anh Thể nói.
"Mỗi khi ngư dân ra khơi, họ luôn phải cầu nguyện trước tiên… Chúng ta không thể lường trước được sóng dữ, gió dữ, bão tố hay bất cứ sự cố nào trên biển. Vì vậy, chúng tôi cầu xin cá Ông, cầu xin Ngài che chở, dẫn lối cho chúng tôi đánh bắt tôm cá để nuôi sống gia đình", anh Thể nói.
Một số khía cạnh của văn hóa Việt Nam cũng ảnh hưởng trực tiếp đến nghi lễ thờ cúng cá voi. Đối với nhiều người ở Việt Nam, việc tôn vinh người chết được cho là quan trọng hơn việc tôn vinh người sống. Theo truyền thống, các gia đình tổ chức các buổi lễ giỗ và đôi khi còn quan trọng hơn cả sinh nhật.
"Nếu Cá Ông chết trên biển, ai tìm được phải đưa vào bờ. Người đó có trách nhiệm thờ cúng, chôn cất kính cẩn. Người đó sẽ để tang aá Ông và phải thờ cúng ông vào ngày thứ 49 và 100 sau khi cá voi qua đời, và vào các ngày giỗ một năm và ba năm - như đối với ông bà của mình", anh Thể chia sẻ.
"Cũng có nhiều cá voi trôi dạt vào bờ vẫn còn sống. Chúng tôi cầu nguyện cho Ông quay trở lại biển và tiếp tục cứu con người", anh nói. "Nhưng những con cá voi không thể làm như vậy bởi vì chúng vào bờ để chết".
"Khi một con cá voi rời khỏi thế giới này, chúng tôi cứ để nó như vậy. Chúng tôi chơi trống và cồng chiêng để giúp linh hồn cá Ông ra đi thanh thản", anh nói.
Những ngôi mộ của bộ cá voi
Ngoài khuôn viên chùa, khi bước xuống một con đường đầy cát, có một bàn thờ nằm ở trung tâm nghĩa địa cá voi - một nơi khá kỳ lạ, thỉnh thoản nó bị gió biển quật vào. Vài chục ngôi mộ mọc lên trên các gò đồi cát nhỏ, với bia đá hiển thị tên của ngư dân đã tìm thấy con cá voi, số đăng ký của thuyền và ngày cá chết.
Một vài người dân địa phương đến thăm các ngôi mộ khi chúng tôi đi qua, thắp hương, đặt hoa và trái cây. Có hai ngư dân tên Hải và Tú, đang chăm sóc một trong những ngôi mộ gần đó.
Anh Hải nói rằng, một buổi sáng anh nhìn thấy một con cá voi trôi dạt vào vùng biển cạn một cách nguy hiểm. Anh nhanh chóng nhảy xuống nước và kéo sinh vật trở lại biển. Lo sợ rằng con cá voi bị nạn sẽ quay trở lại một lần nữa, anh đã dành thời gian còn lại trong ngày để canh chừng. Đến chiều tối, sau khi ba lần đưa con cá voi ra khơi, anh Hải mới chịu thua. Anh cùng những người khác khiêng xác con cá voi vào đền thờ, làm lễ an táng tại nghĩa địa.
Các sinh vật thuộc loài giáp xác đủ hình dạng được chôn ở đây - và thậm chí một con rùa - nhưng ngư dân chỉ dùng một cụm từ chung để mô tả chúng: Cá Ông.
Từ những ngôi mộ, người ta có thể nhìn thấy biển xanh ngọc bích rải rác với những mỏm đá nhấp nhô và một khu bao quanh bằng bê tông, nơi những chiếc thuyền đánh cá cập cảng sau mỗi chuyến đi biển. Tất cả những con thuyền ở đây đều được trang trí hình đôi mắt của cá voi nơi mũi với mong muốn loài vật linh thiêng này sẽ bảo vệ cho ngư dân.
Những yếu tố này gợi nhớ về tín ngưỡng thờ cúng cá voi, có thể có nguồn gốc từ văn hóa Chăm - những người sống trên những vùng đất rộng lớn ở miền Trung và miền Nam Việt Nam từ khoảng thế kỷ thứ 4. Ở ngoại ô Phan Rang, miền Trung Việt Nam, giữa đất đỏ thẫm và những ngọn núi khắc khổ, chuyên gia Chăm Inra Jaka cho biết, người Chăm tôn voi là Ông của rừng giống như họ coi cá voi là chủ nhân của đại dương.
Lễ cúng cá voi ở miền Trung
Trên đường bờ biển miền Trung của Việt Nam cách Hội An một giờ về phía Nam, có một hòn đão gọi là Tam Hải. Vào mỗi mùa xuân, người dân ở đây - và ở nhiều địa điểm khác dọc theo bờ biển - lại tổ chức một lễ hội thể hiện sự tôn trọng lớn nhất không tưởng đối với vị thần hộ mệnh đi biển của họ: lễ hội tôn vinh cá Ông.
Trong khí trời âm u trước bình minh vào một buổi sáng tháng 3 năm ngoái, những chiếc loa từng liên tục phát đi thông tin thời tiết của ngày sắp tới: u ám và có thể có mưa.
Một đám đông dân làng, tất cả đều mặc trang phục đẹp nhất, tụ tập xung quanh một ngôi đền cạnh bãi biển khi bắt đầu có những cơn mưa nhỏ lất phất ngoài trời.
Bên trong, người chủ trì buổi lễ mặc áo dài đen cùng 4 nhạc công với mái tóc bạc phơ bắt đầu biểu diễn bằng những nhạc cụ dây truyền thống. Trước bàn thờ, những bô lão trong làng cúi đầu cầu nguyện linh hồn cá voi và những ngư dân đã chết trên biển nhưng không tìm thấy xác.
Một cụ già khấn cá Ông mang linh hồn của những ngư dân bị mất tích trên biển trở về nhà. Nếu không, linh hồn của họ sẽ lang thang trên đại dương như những hồn ma.
Sau đó, dân làng chạy xuống bờ biển để xem cảnh tượng tuyệt vời nhất trong ngày. Những cụ ông lớn tuổi trong trang phục áo dài màu đỏ thẫm và vàng bước lên một chiếc thuyền, vốn được lưu giữ trong đền thờ trong những ngày bình thường, ra khơi.
Những chiếc thuyền được gắn động cơ di chuyển như những chiếc xe máy ở các thành phố lớn của Việt Nam đi phía trước, chiếc thuyền của đền sẽ đi phía sau. Khi những người thờ lớn tuổi rải giấy tiền vàng mã xuống biển cho cá Ông và cầu nguyện thì những ngư dân reo mừng, vẫy cờ hoa.
Khi trở lại bờ gần một giờ sau đó, những người tham gia lễ cúng sẽ mang chiếc thúng có hình dạng giống như mai rùa đi đến một nơi thờ cúng khác trên con đường cát hẹp. Điểm đến là nơi chôn cất của ít nhất 50 loài giáp, nằm gần đền thờ 600 năm tuổi.
Những người thờ cúng xếp hàng để cầu nguyện tại bàn thờ, nơi đặt hoa, thịt, trái cây và rượu gạo và phía trên là các bức tranh của nhiều loài giáp xác. Trong buổi lễ, người chủ trì sẽ liệt kê những con cá voi đã qua đời tại đây.
Bạch Ngọc Lan, một ngư dân 57 tuổi, cho biết họ chọn ngày 16 và 17 tháng 2 âm lịch hàng năm để tổ chức lễ hội, những ngày này được coi là ngày giỗ chung và khởi động năm đánh cá mới.
Ông Lan nói: "Cả làng tổ chức lễ hội cá voi. Chúng tôi cầu mong sự thịnh vượng cho cả đất nước và cho dân làng ở đây".
Một số người dân địa phương cho biết các quy định COVID-19 khiến mọi việc thay đổi, ít người trẻ tuổi có thể về nhà để tham dự lễ hội và tham gia các trò chơi, đồng thời cũng trích dẫn các quy định dành cho người lớn tuổi:
Ông Lan nói: "Chỉ những người trên 60 tuổi - và vẫn còn vợ - mới có thể trở thành những người đứng đầu nghi lễ thờ cúng cá voi. Những người ở độ tuổi trung niên chỉ được xem và học hỏi để họ có thực hiện sau khi những người lớn tuổi qua đời".
Sau khi các nghi lễ kết thúc, người dân biểu diễn say sưa bài hát về cá voi.
Cá có thực sự cứu người?
Hầu hết những người theo tín ngưỡng này nói rằng, họ chưa từng tận mắt chứng kiến hoặc trải qua một cuộc giải cứu cá voi. Tuy nhiên, những câu chuyện về các cuộc giải cứu của cá voi không chỉ giới hạn ở Việt Nam. Trong cuốn sách của mình mang tên "Những nơi hoang dã", Robert McFarlane chia sẻ câu chuyện về việc hai cha con ông được cứu ở Vịnh Mexico vào năm 2004 khi thuyền của họ bị lật bởi một cơn gió:
"Sau khi màn đêm buông xuống, mặt nước trở nên đậm đặc lân quang, và không khí tràn ngập một bản nhạc cao vút, được tạo nên từ nhiều nốt nhạc khác nhau, trong đó có tiếng kêu của cá heo. Chúng tôi trôi dạt và thấy mình nằm ở trung tâm của hai vòng tròn lân quang, vòng tròn này nằm bên trong vòng tròn kia. Họ nhận ra rằng vòng sáng bên trong là một vòng cá heo, nó bơi quanh chiếc thuyền và vòng ngoài là một vòng vây cá mập, bơi xung quanh cá heo. Những con cá heo đã bảo vệ hai cha con ông ấykhỏi bầy cá mập. "
Internet tràn ngập những câu chuyện về cá heo bảo vệ con người, trong khi một con cá voi lưng gù được cho là đã cứu nhà sinh vật biển Nan Hausen ở Quần đảo Cook vào năm 2018 bằng cách đưa bà lên đầu để đưa đến nơi an toàn. Trong khi đó, một con cá voi lưng gù khác đập đuôi vào bề mặt đại dương để xua đuổi một con cá mập hổ dài 15 foot (4,5m) đang rình rập cách đó chỉ vài mét.
Nhà sinh vật học biển Robert Pitman, người đã dành nhiều thập kỷ phân tích mối tương tác giữa cá voi lưng gù và cá voi sát thủ, cho biết xung lực bảo vệ của cá voi lưng gù - đối với con người và các sinh vật biển - có thể bắt nguồn từ bản năng bảo vệ bầy con của mình khỏi những kẻ săn mồi.
Tục thờ cúng cá voi có nguy cơ "thất truyền"
Bất chấp sự phổ biến của những giai thoại như vậy ở cả Việt Nam và trên toàn cầu, tương lai của văn hóa thờ cúng cá voi, đặc biệt của Việt Nam vẫn không chắc chắn khi những người trẻ tìm kiếm công việc văn phòng ở các thành phố và tránh làm những công việc trong các làng chài đánh cá hoặc đồng lúa.
Tại lễ hội ở Tam Hải, ngư dân 38 tuổi Mai Thế Lực nhắc lại một câu tục ngữ của Việt Nam là "Tre già thì tre mới mọc", nghĩa là khi thế hệ này mất đi thì con cháu sẽ thay thế, thực hiện và duy trì phong tục, vì vậy chúng tôi sẽ không mất nó".
Vài giờ sau, sau khi rời lễ hội, phóng viện đợi thuyền trở về đất liền trong một quán cà phê nhìn ra biển. Mì và các chất thải khác từ cửa hàng khiến những tảng đá trên bãi biển bị vấy bẩn. Trên bề mặt, những đốm trắng nhựa dẻo giống như những tảng băng nhỏ không bao giờ tan chảy. Lớp dầu lấp lánh bám trên bề mặt như những con sứa khổng lồ óng ánh.
Khi được hỏi liệu anh có quan tâm đến lễ hội hay văn hóa thờ cúng cá voi hay không, một thiếu niên làm việc trong quán cà phê chỉ nhìn thoáng qua từ điện thoại thông minh và nói: "Tôi phải đi làm"
Sự thay đổi thế hệ này xác định Việt Nam thời hiện đại. Thế hệ hiện tại đang thoát khỏi mối quan hệ gia đình ngột ngạt, rời khỏi nhà và chỉ thích chia sẻ cuộc sống của họ trên Instagram.
Tuy nhiên, những người thờ cúng cá voi ít để ý vấn đề này. Ở Phước Hải, khi được hỏi có nghĩ một ngày nào đó niềm tin vào cá Ông sẽ mất đi hay không, vợ của một ngư dân phủ nhận thậm chí nói vui.
"Nó sẽ không. Nó sẽ luôn luôn như vậy. Khi tôi còn trẻ, tôi không biết bất cứ điều gì, nhưng bây giờ tôi đã lớn hơn, tôi tin rằng mọi người đều tin vào cá Ông", bà chia sẻ.
Quần thể cá voi bị đe dọa
Khi những người dân địa phương ăn mặc trang trọng cầu nguyện cho cá voi, khói bốc lên từ đống rác đang cháy trên bờ biển - giống như hình một con cá voi phun nước. Ngoài ngọn lửa ra, trên bãi biển còn vô số mảnh vụn nhựa và lưới rách được vứt bừa bãi.
Theo một báo cáo năm 2017 của Ocean Conservancy, 5 quốc gia bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Thái Lan - đổ nhựa ra biển nhiều hơn những nước còn lại của thế giới cộng lại. Vào tháng 11 năm 2018, một cuộc khám nghiệm tử thi trên một con cá voi chết trôi dạt vào Indonesia đã tìm thấy 1.000 mảnh nhựa trong dạ dày của nó, bao gồm 115 cốc nhựa, dép tông và chai nhựa. Bốn tháng sau, một con cá voi con bị dạt vào bờ biển ở Philippines. Con này chết vì "sốc dạ dày" sau khi ăn phải 40kg (88 pound) túi nhựa.
Các quần thể cá voi trên toàn cầu đã suy giảm từ lâu. Một cuộc khảo sát từ năm 1999 cho thấy, các nhà khoa học chỉ tìm thấy cá heo mũi chai, đầu quay và cá heo lưng gù, và cá heo không vây - nhưng không thấy con cá voi nào.
Theo các nhà nghiên cứu, những lý do có thể tạo nên điều này bao gồm môi trường sống bị ô nhiễm, sự khai thác quá mức của con người khiến môi trường sống của cá voi bị thu hẹp.