Từ vụ cô giáo bị dồn vào góc lớp: Bảo vệ học sinh, còn giáo viên thế nào?

08/12/2023 06:27

Những ngày qua, hình ảnh nhóm học sinh dồn cô giáo Tuyên Quang vào góc lớp, xúc phạm, ném dép vào đầu cô... lan truyền trên mạng xã hội đã gây choáng váng dư luận.

Xem những clip liên quan tới vụ việc ở Tuyên Quang, cô giáo Hà Ngọc Anh (Lạng Sơn) cảm thấy đau lòng bởi đây là lần đầu tiên cô chứng kiến điều này, cho dù đã có hơn 20 năm đi dạy.

“Tôi bàng hoàng, cảm thấy chua xót và thương cho đồng nghiệp. Tôi thấy như chính mình đang đứng đó, cố kìm nén, né tránh những lời xúc phạm, những chiếc dép... đang nhằm vào mình.

Chiếc dép bay vào mặt cô giáo giữa những tiếng hò reo phải chăng là cú ném thẳng vào nghề dạy? Các em đã quay lưng với truyền thống tôn sư trọng đạo - nghề từng được coi trọng bậc nhất ở nước ta”.

trong bai nem dep.jpg
Hình ảnh từ clip

Cảm giác đầu tiên của thầy giáo Nguyễn Minh Phương (85 tuổi, TP.HCM) sau khi xem các clip được lan truyền trên mạng là sự choáng váng, sững sờ.

“Mấy chục năm đi dạy, rồi ngay cả khi nghỉ hưu tới nay, tôi chưa bao giờ thấy chuyện học sinh dồn giáo viên vào góc lớp, chửi bới như vậy. Thật sự quá buồn khi trong môi trường học đường lại xảy ra câu chuyện này. Tôi thấy xót xa cho cô giáo. Chắc chắn cô đã rất bất lực và tổn thương”.

Học sinh được bảo vệ, còn giáo viên ra sao?

Thầy giáo Nguyễn Minh Phương cũng bày tỏ sự thất vọng khi đọc trả lời của chính quyền về vụ việc.

"Như những gì tôi đọc được trên các phương tiện truyền thông, lãnh đạo xã nói chắc chắn có những lỗi từ ở cả hai phía “chứ không phải tự nhiên các cháu lại làm như thế". Rồi chuyện “cô giáo từng bị kỷ luật", "cô giáo ăn nói chợ búa"... được mang ra biện minh cho hành động của những học sinh, rằng vì cô thế nên mới bị học trò đánh.

Thật đáng buồn! Lãnh đạo lại biện hộ như thế hỏi sao học sinh không làm loạn? Rồi đây, giáo viên của xã này trông mong được ai bảo vệ nữa?" - thầy giáo cảm thán. "Cứ nhìn tình trạng học sinh, phụ huynh thiếu tôn trọng nghề giáo như vậy rồi con cháu chúng ta nếu học giỏi sẽ ráng học ngành khác để làm, lấy đâu ra giáo viên giỏi, giáo viên có tâm?". Các thầy cô cũng đồng tình, áp lực tứ phía từ học sinh, phụ huynh... là nguyên nhân khiến tình trạng thiếu giáo viên ngày càng trầm trọng.

Hiệu trưởng một trường THPT ở TP.HCM đánh giá sự việc lần này tiếp tục gióng lên hồi chuông về việc bảo vệ nhà giáo khi bị bạo lực trong môi trường học đường.

"Sự việc xảy ra từ ngày 29/11, nhưng đến tối 4/12, đại diện Sở GD-ĐT Tuyên Quang cho hay theo phân cấp quản lý, sự việc thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện nên Sở GD-ĐT Tuyên Quang đã đề nghị UBND huyện Sơn Dương xác minh làm rõ, chờ báo cáo chính thức từ phía huyện Sơn Dương.

Điều này cho thấy những hạn chế của ngành giáo dục trong việc bảo vệ chính "người của mình", khi không thể vào cuộc ngay mà còn phải chờ "báo cáo chính thức" từ cơ quan khác".

"Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học - có hiệu lực từ ngày 1/11/2020 - tại Khoản 2 Điều 38 quy định học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức như sau: Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm; Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Trước đó, tại Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ban hành năm 2011, Khoản 2 Điều 42 quy định học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức là: Phê bình trước lớp, trước trường; Khiển trách và thông báo với gia đình; Cảnh cáo ghi học bạ; Buộc thôi học có thời hạn.

Như vậy, từ 3 năm nay, các hình thức giáo dục, xử lý kỷ luật học sinh có sự thay đổi đáng kể. Đáng chú ý nhất là nhà trường không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường, không bêu tên học sinh nơi tập thể có đông bạn bè, giáo viên, phụ huynh. Thay vào đó, việc nhà trường cần làm nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.

Việc điều chỉnh này, ngay từ thời điểm thông tư ban hành, đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một bên cho rằng việc bỏ quy định xử lý kỷ luật học sinh bằng hình thức phê bình trước lớp, trước trường sẽ giúp tránh được tình trạng học sinh cảm thấy xấu hổ, ngại với bạn bè trong lớp, trong trường khi bị phê bình rồi dẫn đến những hành vi tiêu cực như chán ghét thầy cô, xa lánh bạn bè, bỏ học… Tuy nhiên, bên còn lại -  rất nhiều trong đó là giáo viên - lại thấy việc không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường đã tước bỏ một trong những biện pháp giáo dục của giáo viên và nhà trường.

Thật sự 3 năm qua, điều này có thể càng ngày càng thấy rõ khi những vụ việc học sinh hành xử quá trớn với giáo viên, học sinh xem thường giáo viên xuất hiện ngày càng nhiều".

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Từ vụ cô giáo bị dồn vào góc lớp: Bảo vệ học sinh, còn giáo viên thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO