Tứ kiệt Cai Lậy: Không sinh cùng năm nhưng chết cùng ngày

Trần Chánh Nghĩa| 25/09/2023 07:00

Chúng tôi ngồi uống cà phê ở một quán gần chợ Cai Lậy (TX Cai Lậy, Tiền Giang). Đang trò chuyện, bất chợt một người bạn trong nhóm chỉ tay ra phía bờ sông Ba Gài hỏi: 'Các anh biết bia đài kia tưởng niệm ai không?'.

Về Cai Lậy mà không biết 'Bốn ông' thì quả là thiếu sót lắm đấy. Anh Tâm - người bạn của chúng tôi - dân địa phương nói.

Bốn ông là bốn vị anh hùng. Không sinh cùng năm nhưng họ đã chết cùng ngày cùng tháng. Nơi đặt bia đài bây giờ chính là nơi mà 148 năm trước giặc Pháp đã đem bốn ông ra xử trảm.

Bia tưởng niệm được đặt tại nơi trước đây bốn ông bị xử tử.

Chúng tôi cùng nhau đến thăm bia đài. Trên khoảnh đất rộng, đài bia sừng sững với 4 phía là tên của bốn vị. Mặt trước là tên ông Trần Công Thận (1825 -1871), bên phải là ông Nguyễn Thanh Long (1820 - 1871), bên trái ông Ngô Tấn Đước (? - 1871) và mặt hậu là ông Trương Văn Rộng (? - 1871).

Theo lời người xưa và theo sử sách - vì chiến công của bốn ông làm cho Pháp ăn không ngon ngủ không yên nên chúng đã tìm cách bắt toàn bộ thân nhân của bốn ông kèm theo 150 thường dân rồi tra khảo với mục đích để bốn ông đầu hàng. Không nỡ để thân nhân và thường dân bị đánh đập, bốn ông đành phải nộp mình cho Pháp.

Sau nhiều ngày dụ dỗ, tra khảo mua chuộc không kết quả, ngày 14/2/1871 Pháp đưa bốn ông đến đây xử tử. Thi thể không đầu được người nhà mang về chôn cất. 4 đầu chúng treo lên trong 7 ngày rồi hạ xuống vùi vào đám ruộng.

Người dân lén lút qui tập đầu của bốn ông đem về chôn tại một khu đất gần đó thành 4 ngôi mộ đất thẳng hàng, xung quanh có hàng rào cau bao bọc. Trải qua hơn 1 thế kỷ, giờ đây 4 ngôi mộ ấy đã được tôn tạo khang trang...

Mặt trước lăng Tứ kiệt (bốn ông).

Theo lời anh Tâm, cả bốn ông đều là nông dân cần cù. Suốt năm tháng bám ruộng đồng nhưng khi cần đã nhanh chóng trở thành những chiến binh ưu tú theo phương châm 'tịnh vi dân, động vi binh' do Nguyễn Tri Phương chủ trương.

Sau khi Pháp chiếm được ba tỉnh miền Đông, bốn ông về giúp Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều ở Tháp Mười tiếp tục chống Pháp.

Thế cô sức yếu, căn cứ Đồng Tháp Mười bị vỡ. Năm 1868, bốn ông trở về vùng đất nay thuộc các huyện Cai Lậy, Cái Bè và thị xã Cai Lậy, đứng ra chiêu mộ nghĩa binh, tiếp tục hoạt động chống Pháp. Tháp Mười, Cái Bè, Cai Lậy, Thuộc Nhiêu và Mỹ Tho là những vùng đất vang danh bốn ông.

Trong một lần trò chuyện với các bậc cao niên - anh Tâm kể tiếp - được các vị cho biết, bốn ông đều có thân hình vạm vỡ, tay chân lanh lẹ. Cả bốn ông đều giỏi võ nghệ, đặc biệt ông Thận có tài chỉ huy nên được tôn làm nguyên soái,  ông Long rất nhiều mưu mẹo là cánh tay đắc lực giúp nghĩa quân chống Pháp.

Bên trong nhà tưởng niệm, biển công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia ở giữa

Để chống lại Pháp với trang bị súng ống tối tân, nghĩa quân chỉ có gươm giáo nên bốn ông đã phải dùng đến chiến thuật ngày làm dân đêm làm lính khiến cho giặc Pháp 'thất điên bát đảo'.

Trong sử sách còn ghi lại chiến công vang dội mà bốn ông góp sức trong lần đánh vào thành Định Tường (Mỹ Tho). Trước khi đánh, nghĩa quân mất nhiều ngày cải trang lẻn vào thành thăm dò đường đi nước bước và làm nội ứng.

Đêm 1/5/1868 nghĩa quân bên ngoài tấn công trèo tường vào, bên trong nổi dậy. Cả 2 cánh phối hợp đốt rụi kho lương và giết chết thủ kho. Lực lượng nghĩa quân sau đó rút lui an toàn mà không có một thiệt hại nào.

Hai năm sau, lợi dụng sơ hở của Pháp cho quân lính tập trung về Mỹ Tho dự lễ Giáng sinh, đêm 25/12/1870 nghĩa quân bất ngờ tấn công đồn Cai Lậy. Dinh Tham biện và trại lính bị thiêu rụi. Nhiều chiến lợi phẩm trong đó có vũ khí và đạn dược bị tịch thu. Nghĩa quân rút lui an toàn. Sau những chiến công này nghĩa quân cũng đã có những hoạt động làm cho Pháp lo sợ và cuối cùng chúng đã phải tìm cách để bắt bốn ông. 

'Thôi, giờ chúng mình vào thăm lăng bốn ông nhé', anh Tâm nói. Lăng của bốn ông nằm trên đường 30/4.

Trên diện tích đất không rộng lắm, lăng được chia làm 2 khu vực. Nhà tưởng niệm và khu lăng mộ. Chúng tôi bước vào bên trong nhà tưởng niệm. Nhà rộng chừng 100m2, mái cong 2 lớp chạm hình rồng với 16 cột chạm trổ tinh xảo.

Thường xuyên có nhiều người đến viếng bốn ông.

Bên trong, giữa là bàn thờ, lư hương, bài vị. Hai bên có hai giá binh khí và đôi hạc cưỡi qui bằng gỗ được chạm khắc rất đẹp. Ở giữa cặp hạc, trên chiếc bàn nhỏ là tấm bằng công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Khu lăng mộ nằm tách rời với nhà tưởng niệm cũng lợp mái cong với 4 cây cột đỡ chạm rồng.

Bên trong, 4 ngôi mộ được cẩn  đá hoa cương màu đỏ sẫm. Phía trước 4 ngôi mộ có một lư hương lớn và tấm bia mang dòng chữ cổ tự.

Theo lời thuật lại, sau nhiều lần sửa sang, năm 1938, ông Ðội Lung vì cảm khái tấm lòng trung nghĩa của bốn ông nên thuê thợ làm tấm bia trên đặt tại đầu mộ được tạm dịch 'Ðại Nam Mỹ Tho tỉnh, Thanh Hòa thôn, Tứ vị cựu quan chi mộ'.

Bia bốn ông tại khu lăng mộ

Tiếp chúng tôi tại nhà tưởng niệm, ông Nguyễn Văn Bé, nhân viên chăm sóc di tích thuộc Ban Quản lý di tích Thị xã Cai Lậy cho biết hàng năm cứ vào ngày 23 tháng Chạp, con cháu thuộc dòng họ của bốn ông cùng bà con khắp nơi tìm về tưởng niệm công đức tiền nhân.

Chia tay anh Tâm và những người bạn Cai Lậy, câu chuyện về bốn ông hay còn gọi là Tứ Kiệt Cai Lậy đã làm cho chúng tôi thêm lưu luyến vùng đất thân yêu này...

Trần Chánh Nghĩa

Đã đăng trên Vietnamnet ngày 14/11/2019   

https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/song-la/chuyen-ve-4-nguoi-dan-ong-mat-cung-mot-ngay-o-tien-giang-586799.html?fbclid=

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tứ kiệt Cai Lậy: Không sinh cùng năm nhưng chết cùng ngày
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO