Từ câu rap của Pháo, ai đang nuôi dưỡng "Peter Pan không bao giờ lớn được"?

01/04/2025 08:00

Câu rap "Peter Pan thì có nghĩa là không bao giờ lớn được" của Pháo không chỉ là lời châm biếm về người cũ mà còn mô tả về những chàng trai không thể lớn xuất phát từ cách nuôi dạy của cha mẹ.

Những ngày qua, bài rap "Sự nghiệp chướng" của rapper Pháo cùng những drama tình ái ồn ào của một nam streamer được xem là nhân vật trong bài rap thu hút sự quan tâm từ cộng động mạng đến mức khó lý giải.

Ngoài những ồn ào đời tư, sự việc này cũng được nhiều người nhìn nhận ở góc độ giáo dục, nhất là về hội chứng Peter Pan được nữ nghệ sĩ rap nhắc trong câu: "Peter Pan thì có nghĩa không bao giờ lớn được".

Từ câu rap của Pháo, ai đang nuôi dưỡng Peter Pan không bao giờ lớn được? - 1

Câu rap của rapper Pháo cảnh báo về cách giáo dục có thể tạo nên những Peter Pan - người trưởng thành nhưng không muốn "lớn", sợ trách nhiệm (Ảnh chụp từ màn hình).

Hội chứng Peter Pan là thuật ngữ tâm lý chỉ những người trưởng thành không muốn "lớn", sợ trách nhiệm. Họ lớn về thể chất và tuổi tác nhưng vẫn cư xử như một đứa trẻ, né tránh trách nhiệm, không chịu cam kết, khó kiểm soát cảm xúc, sống lệ thuộc hoặc chỉ ưu tiên cảm xúc cá nhân.

Nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, người sáng lập Faros Education chia sẻ, khi Pháo rap câu: "Peter Pan thì có nghĩ là không bao giờ lớn được" có người nghĩ đó chỉ là một lời châm biếm người yêu cũ. Còn bà thấy đó là một mô tả rất thật của nhiều chàng trai thời nay: Lớn về tuổi nhưng non về trách nhiệm.

Tuy nhiên, theo bà Phương, không phải vì họ lười biếng hay yếu kém mà vì cách nuôi dạy của cha mẹ từ bé đã khiến họ không có cơ hội học cách lớn lên.

Bà Phương chỉ ra một số cách dạy dỗ thường thấy trong nhiều gia đình Việt Nam - góp phần tạo nên những "thiếu niên lâu năm".

1. Con trai được phục vụ từ nhỏ, lớn lên không biết tự lo

Bà Phương quen một gia đình có bé trai 10 tuổi. Sáng dậy, đứa con ngồi yên cho mẹ bón cháo, chuẩn bị sẵn đồng phục, đeo cặp giúp với lý lẽ: "Tội nghiệp, con trai vụng về lắm. Con gái thì còn đỡ".

Đến khi vào cấp 2, con không biết tự nấu mì, cũng chẳng biết xếp đồ đi học nhóm. Thành thanh niên, lại nghe câu cửa miệng quen thuộc: "Thôi, lấy vợ về vợ lo hết cho".

Cậu bé ấy không được học cách chăm sóc chính mình, lớn lên thành một người đàn ông không biết chăm sóc ai cả.

2. Con trai thì được làm "việc lớn", việc nhỏ là của phụ nữ

Một học sinh cấp 3 từng kể với bà Phương: "Con rửa chén thì ba nhìn ba cười, nói "rửa vậy để mẹ rửa lại dùm cho lẹ".

Ông bố nói rằng, con trai thì nên học kỹ thuật, lập trình, kiếm tiền, còn mấy việc này con gái lo. Và đứa con lớn lên tin rằng: "Tôi không cần biết nấu ăn, dọn dẹp. Tôi lo chuyện lớn là đủ".

Nhưng bước vào đời sống gia đình, bạn đời của cậu lại không cần một "người lo chuyện lớn" mà cần một người biết sống cùng, chia sẻ cả chuyện nhỏ. Cậu trở thành một người chồng vô tâm.

Thực ra không phải vì cậu cố tình muốn thế mà cậu chưa từng nghĩ những việc nhỏ nhỏ đó là trách nhiệm của mình.

3. Con trai không được khóc, không được yếu đuối, không được sợ

Bà Phương kể, bà từng quan sát một ông bố dắt con trai 5 tuổi đi tiêm. Bé sợ quá bật khóc.

Bố nghiêm giọng: "Đàn ông gì mà mới vậy đã khóc? Câm miệng lại".

Đứa trẻ nín ngay. Không phải vì hết sợ, mà vì… nỗi sợ lớn hơn là bị coi là "không đàn ông".

Sau này, những đứa trẻ như vậy lớn lên và không biết nói ra nỗi buồn, không dám thừa nhận mình đang stress, không xin giúp đỡ vì sợ bị đánh giá là yếu.

Họ không thiếu cảm xúc, chỉ là bị dạy cách giấu đi. Và rồi, khi rơi vào mối quan hệ tình cảm, họ không biết cách lắng nghe, không biết cách chia sẻ và sợ tổn thương tới mức chọn rút lui hay "bỏ trốn" hơn là sửa chữa.

4. Con trai dễ được tha thứ hơn, được bênh vực nhiều hơn

Cùng một lỗi sai, con gái bị mắng: "Mất nết vậy ai dám rước?" Con trai thì nghe: "Con trai mà, nghịch chút cũng được".

Một cô gái từng tâm sự với bà Phương về người yêu cũ: "Ảnh sai hoài, hứa rồi lại quên, trễ giờ, nói dối ­nhưng mẹ ảnh bảo: "Nó là con trai mà, khô khan chứ không có ý xấu đâu".

Cô gái nói: "Chị ơi, nhiều lúc em nghĩ không phải ảnh không thương em mà là ảnh chưa từng được dạy phải chịu trách nhiệm khi làm ai đó buồn".

Từ câu rap của Pháo, ai đang nuôi dưỡng Peter Pan không bao giờ lớn được? - 2

Phụ huynh tham dự chương trình về dạy con ở tuổi dậy thì tạo Trường tiểu học Kiến tạo ICS, TPHCM (Ảnh: Hoài Nam).

Nhà giáo dục nhấn mạnh, con trai sinh ra không "mặc định biết làm người lớn". Cũng giống con gái, các em cần được học về việc nhà, cảm xúc, ranh giới và trách nhiệm.

Nếu chúng ta chỉ tập trung dạy con "giỏi giang, bản lĩnh, kiếm tiền" nhưng không dạy con cách chia sẻ, xin lỗi, quan tâm đến người khác thì sau này, người con yêu sẽ là người phải gánh phần đó.

Theo bà Phương, để không nuôi thêm một Peter Pan, cha mẹ cần quan tâm đến cách nuôi dạy con ngay từ nhỏ.

Một số việc cần thực hiện ngay trong gia đình như cho con làm việc nhà từ nhỏ, không phân biệt giới tính; hỏi con trai "con cảm thấy sao?" thay vì "con nên mạnh mẽ lên"; cho con thấy hậu quả khi con phạm lỗi; giữ công bằng trong cách yêu và dạy, đừng tha thứ dễ dàng hơn chỉ vì con là con trai.

"Chúng ta không cần nuôi những "người hùng" trong truyền thuyết! Chỉ cần nuôi những người con trai đủ lành, đủ thật và đủ chín để không khiến ai phải thốt lên rằng "Anh là Peter Pan, không bao giờ lớn được…", bà Uyên Phương nêu quan điểm. 

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/giao-duc/tu-cau-rap-cua-phao-ai-dang-nuoi-duong-peter-pan-khong-bao-gio-lon-duoc-20250401060255220.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/giao-duc/tu-cau-rap-cua-phao-ai-dang-nuoi-duong-peter-pan-khong-bao-gio-lon-duoc-20250401060255220.htm
    Nổi bật
        Mới nhất
        Từ câu rap của Pháo, ai đang nuôi dưỡng "Peter Pan không bao giờ lớn được"?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO