Nhà ga metro tuyến Bến Thành - Suối Tiên (ảnh: Hồng Kỳ) |
Chiều có việc ra phố, chúng tôi hẹn nhau đi thử tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Và chúng tôi xuống ga Nhà hát thành phố. Tàu đi, tôi nhận thấy khách trên tàu chừng mực, nói chuyện vừa đủ, nghe được tiếng loa phát thanh các trạm dừng.
Tuy nhiên, trên chuyến tàu về thì tôi thấy hơi lộn xộn, người lớn, trẻ con gọi nhau í ới, trẻ nhỏ có bé đứng hẳn lên ghế, chân mang giày dép... (ghế mới sạch sẽ dễ bị trầy trụa, tôi đã thấy nhiều bệ toilet ở nơi công cộng trầy trụa vì người bỏ giày dép lên).
Lũ trẻ nói chuyện ồn ào nhưng không một người lớn nào đi cùng nhắc nhở, vì chính người lớn cũng đang mải mê nói chuyện...
Qua câu chuyện nhỏ, tôi nghĩ việc cha mẹ dạy con trẻ khi đến nơi công cộng có vẻ thiếu sót. Có lần tôi thấy một phụ nữ cùng đứa con lên xe buýt. Xe rộng, thằng bé tay cầm điện thoại và nằm dài trên băng ghế trống, khiến tài xế phải nhắc...
Tôi từng đi metro nhiều ở các nước Đông Nam Á, tôi thấy cách hành xử đặc biệt quan trọng của họ là không nói chuyện ồn ào. Hy vọng câu chuyện trên đây chỉ là hiện tượng nhất thời của những ngày đầu tiên thành phố có metro.
Tuy nhiên, có những điều cha mẹ cần phải chú ý khi dạy con cái. Đôi khi vì quan niệm con còn nhỏ mà không để ý, hay vì “thương”, vô tình cha mẹ đã tập cho con những tật xấu khó sửa, khi lớn thành một thói quen.
- Chiều chuộng, chấp nhận các yêu sách của trẻ, cho trẻ bất cứ cái gì con muốn ngay khi còn là một đứa bé nằm nôi. Nhiều khi chỉ vì ý nghĩ chẳng đáng gì khi cho con thứ này, thứ khác. Không muốn con thiệt thòi, thiếu thốn… Được nuôi dạy như thế, đứa bé sẽ lớn lên với ý nghĩ cả xã hội phải phục vụ mình.
- Khi trẻ nói những từ ngữ bụi đời, chửi thề… việc cha mẹ mỉm cười hoặc tán thưởng đôi khi còn "dạy thêm" cho trẻ… khiến trẻ nghĩ lầm rằng điều ấy dễ thương và sẽ tìm thêm những từ “dễ thương” kiểu đó. Đây là điều thường thấy trong gia đình đông người, hai - ba thế hệ.
- Không chỉnh nắn con khi trẻ sai phạm. Từ những chuyện nhỏ nhặt như cha mẹ ra mặt bênh con khi con có lỗi với hàng xóm, với thầy cô, bạn bè… dẫn đến những việc lớn như khi lớn lên con vi phạm pháp luật vẫn nghĩ mình không có lỗi gì.
- Nếu người mẹ luôn dọn dẹp quần áo, giày vớ, sách vở con bày lộn xộn khắp nhà, khi lớn lên, trẻ trút mọi trách nhiệm lên đầu người khác. Đây là tâm lý thường thấy của cha mẹ khi cho rằng: Thà mình làm cho xong, nhắc con làm vừa bực mình, vừa không ưng ý.
- Để trẻ tự do đọc sách báo, xem phim dung tục, bạo lực… khác nào bát đũa, ly tách thì khử trùng sạch sẽ, nhưng lại khuyến khích con ăn đồ ăn không đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Cha mẹ thường xuyên gây gổ, cãi nhau trước mặt con cái. Cứ thế, khi lớn lên, trẻ chẳng thấy xúc động, cũng không tiếc nuối khi gia đình đổ vỡ.
- Con cái muốn tiêu bao nhiêu tiền, lập tức có bấy nhiêu. Không dạy cho con biết làm việc và giá trị đồng tiền do việc làm ấy đem lại. Lớn lên, trẻ sẽ nghĩ tại sao phải khó nhọc mới kiếm được tiền.
- Thỏa mãn mọi đòi hỏi của trẻ về thức ăn, thức uống và tiện ích... với lý do sợ từ chối sẽ làm trẻ giận giữ, nguy hại tới sức khoẻ.
- Luôn luôn bênh con, phản đối đối những cảnh báo của người khác như hàng xóm, thậm chí là nhà trường, cho rằng mọi người có thành kiến với con mình.
- Cuối cùng, khi trẻ hư hỏng, cha mẹ mới chịu thú nhận bất lực với con, không làm gì được nữa.
Kim Duy