Từ câu chuyện bé gái 8 tuổi bị bạo hành, TS. Vũ Thu Hương băn khoăn, còn bao nhiêu ông bố, bà mẹ chưa trưởng thành và xem nhẹ giá trị giáo dục từ trong gia đình? |
Rất nhiều khía cạnh được bàn đến như giáo dục con bằng roi vọt thay cho các phương pháp hiệu quả khác hay hậu quả của ly hôn, vấn đề mẹ ghẻ con chồng… Tuy nhiên, tôi lại đặc biệt quan tâm đến người cha, những gì anh ta đã dành cho chính đứa con của mình.
Theo lời kể của người hàng xóm tức thì tiếng la hét khóc lóc và ầm ĩ đó đã có từ một năm trước và gần đây trở thành nỗi ám ảnh của người xung quanh. Vậy người cha ruột có thể là kẻ đứng ngoài vô can khi đang chung sống cùng con mình nhưng lại để người tình ra tay với con đẻ?
Và thực tế, việc đánh đập là một hành vi vi phạm pháp luật chứ không phải là giáo dục trẻ. Giáo dục chính là tạo môi trường cho trẻ phát triển và truyền cho trẻ các thông điệp giáo dục.
Nếu môi trường sống của con “vẩn đục” bởi các toan tính của người lớn thì mọi biện pháp giáo dục đi kèm cũng không còn ý nghĩa. Hẳn là, trẻ sẽ không thể lớn lên và trưởng thành với sự thờ ơ, xem nhẹ giáo dục, không có hành động trao yêu thương của người lớn.
"Bạo hành liên tục về thể xác và tinh thần chính là cách mà người lớn truyền cho con thông điệp dữ dội: phải nghe lời. Thông điệp này vốn dĩ không dành cho việc giáo dục một đứa trẻ". |
Một nền giáo dục gia đình tối ưu chính là một môi trường gia đình đầm ấm, những người lớn tôn trọng và yêu thương lẫn nhau. Môi trường sống đó sẽ chính là khuôn đúc để những đứa trẻ lớn lên, được uốn nắn thành những con người tử tế, tôn trọng và yêu thương thế giới xung quanh và yêu chính bản thân mình. Hơn hết, ở đó có những người thân yêu của con mà không cần bạo lực hay là rao giảng đạo đức.
Còn ở đây, trong môi trường vẩn đục khi người bố đẻ không bảo vệ được con mình. Một môi trường mà người thân yêu của con sẵn sàng dùng "nắm đấm" để ứng xử với nhau thì không thể đem đến cho con sự bình yên và hạnh phúc, càng không thể giúp những đứa trẻ trong môi trường đó phát triển bình thường.
Tôi được biết có không ít đứa trẻ bị trầm cảm nặng khi cha mẹ ly hôn, phải sống cùng cha dượng hoặc vợ mới của bố.
Với bé gái 8 tuổi bị bạo hành kia, cú sốc chứng kiến cảnh bố mẹ ly hôn, phải sống cùng và tỏ ra yêu thương người không phải mẹ mình, đó cũng là một áp lực.
Sống với người mà con căm ghét, phải tỏ ra ngoan ngoãn, thậm chí yêu thương con người, đó chắc chắn không phải là điều dễ dàng. Vậy với môi trường sống đáng sợ như vậy, bé gái ấy đã nhận được sự giáo dục thế nào?
Ngoài ra, bạo hành liên tục về thể xác và tinh thần chính là cách mà người lớn truyền cho con thông điệp dữ dội: phải nghe lời. Thông điệp này vốn dĩ không dành cho việc giáo dục một đứa trẻ.
Nhiều đứa trẻ đang bị bạo hành cả thể xác và tinh thần. (Ảnh: Minh họa) |
Để con đẻ của mình sống trong môi trường thiếu lành mạnh như vậy và liên tục nhận được các thông điệp kinh hoàng, hứng chịu đòn roi, không hiểu ông bố này muốn giáo dục con kiểu gì? Rõ ràng, người cha đó chưa đảm nhận tốt trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ và nuôi dưỡng con đẻ. Thực tế, không khó hiểu khi tình trạng không ít đứa trẻ bị bỏ rơi, cô đơn trong chính nhà mình vì sự vô tâm của người lớn.
Có thể rồi, người cha đó cũng sẽ bị trả giá trước pháp luật. Nhưng nhìn lại, ta cảm thấy băn khoăn, làm sao để bảo vệ những đứa trẻ? Làm sao để môi trường lớn lên của những đứa trẻ thực sự an toàn, an lành? Làm sao để cuộc sống của những đứa trẻ không bị đe dọa?
"Bao nhiêu người đang 'thả nổi' việc giáo dục con em mình? Còn bao nhiêu người đang đùn đẩy việc giáo dục cho nhà trường, thầy cô? Bao nhiêu người không cần biết làm sao trẻ khôn lớn và trưởng thành, có được thừa hưởng môi trường giáo dục an lành hay không? Còn bao nhiêu đứa trẻ đang phải đối mặt với bạo lực thể xác lẫn tinh thần?". |
Từ vụ việc đau lòng này, nhiều người đã lên tiếng để đòi quyền lợi cho bé gái, để những kẻ có tội phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Vấn đề là làm sao để hạn chế hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em là việc cần được quan tâm đúng mực. Xã hội văn minh không có chỗ cho sự tồn tại của hành vi bạo lực.
Hơn thế, đàn ông hay phụ nữ đều có trách nhiệm ngang nhau trong việc chăm sóc và giáo dục con trẻ. Còn bao nhiêu ông bố, bà mẹ chưa trưởng thành và xem nhẹ giá trị giáo dục từ trong gia đình?
Bao nhiêu người đang “thả nổi” việc giáo dục con em mình? Còn bao nhiêu người đang đùn đẩy việc giáo dục cho nhà trường, thầy cô? Bao nhiêu người không cần biết làm sao trẻ khôn lớn và trưởng thành, có được thừa hưởng môi trường giáo dục an lành hay không?
Còn bao nhiêu đứa trẻ đang phải đối mặt với bạo lực thể xác lẫn tinh thần? Có khi nào dư luận "dậy sóng" khi có sự vụ về bạo lực ở đâu đấy xảy ra, khi người lớn mượn danh "thương cho roi cho vọt" đối với trẻ, nhưng rồi lại đâu vào đấy, những sự việc tương tự lại tiếp diễn.
Từ câu chuyện này, có khi nào chúng ta giật mình, tự hỏi quyền trẻ em ở đâu? Ai sẽ bảo vệ trẻ những khi các em kêu cứu? Ai sẽ đòi công bằng cho trẻ khi phải sống trong giáo dục bằng đòn roi?
Khi những ông bố, bà mẹ "chưa trưởng thành" tại sao có quyền sinh con, có quyền bảo trợ cho con khi bản thân họ còn chưa đủ năng lực cá nhân và hiểu biết về giáo dục.
Rõ ràng, chúng ta cần sửa lại những kẽ hở, những quy định cho phù hợp để đảm bảo quyền lợi của những đứa trẻ. Vì xã hội văn minh cũng không có chỗ dành cho các ông bố "không lớn" - thiếu trách nhiệm và vô cảm.