Cụ thể, năm học 2023-2024 dự kiến với chương trình đại trà là 25 triệu đồng/sinh viên/năm.
Học phí chương trình chất lượng cao dự kiến 45 triệu đồng/năm và học phí chương trình tiên tiến dự kiến 70 triệu đồng/năm.
Đối với sinh viên học hệ chương trình quản trị khách sạn, marketing số, kinh doanh số, truyền thông marketing tích hợp vẫn giữ mức học phí 60 triệu đồng/năm.
Được biết năm học 2022-2023 nhà trường dự kiến tăng học phí. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 về học phí đối với các cơ sở GD&ĐT công lập năm học 2022-2023, các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 bằng mức thu năm học trước.
Sau quyết định không tăng học phí của Chính phủ, hàng loạt trường đại học đã đã "trót" tăng trước đó, đồng thời một số trường phải xây dựng lại mức học phí.
Do vậy, năm học 2022-2023, Trường Đại học Ngoại thương vẫn phải áp dụng mức học phí của năm 2021.
Vì vậy, nếu so mức học phí mới mà trường này công bố ngày 9/5 so với mức học phí năm 2021, các ngành đều tăng từ 5- 10 triệu đồng/sinh viên/năm.
Đại diện Trường ĐH Ngoại thương lý giải, mức học phí này được thực hiện theo quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ban hành theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ.
Dự kiến học phí của các chương trình được điều chỉnh hàng năm không quá 10%/năm.
Về chính sách miễn giảm học phí và học bổng, trường thực hiện quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo các quy định hiện hành.
Nhà trường thực hiện chế độ hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo Thông tư liên tịch số 35/2014/TTLT-BGDĐT-BTC ngày 15/10/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính về việc Hướng dẫn thực hiện quyết định số 66/2013/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng chính phủ quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học.
Với mục tiêu thu hút nhân tài và đảm bảo khả năng tiếp cận giáo dục đại học với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực vươn lên trong học tập, hàng năm nhà trường trích khoảng 30 tỷ đồng từ nguồn thu học phí của sinh viên chính quy, các nguồn thu khác của trường để cấp học bổng khuyến khích học tập, hỗ trợ tài chính và các hoạt động của sinh viên
Cụ thể, nhà trường trao quỹ học bổng khuyến khích học tập bao gồm: Học bổng khuyến khích học tập dành cho sinh viên đạt kết quả tốt trong học tập; Học bổng dành cho sinh viên các chương trình chương trình tiên tiến, chất lượng cao và các chương trình định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế; Học bổng khuyến khích dành cho sinh viên thủ khoa đầu vào; Học bổng dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đạt kết quả học tập tốt; Học bổng của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước...
Ngoài ra, nhà trường có các hoạt động hỗ trợ sinh viên gồm: Hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học; hỗ trợ ưu tiên bố trí ký túc xá và miễn giảm lệ phí ký túc xá cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ tài chính cho sinh viên trong các trường hợp khó khăn đột xuất; hỗ trợ thường niên cho các câu lạc bộ sinh viên; hỗ trợ chi phí hành chính cho đoàn thanh niên…
Năm nay, Trường ĐH Ngoại thương giữ ổn định 6 phương thức tuyển sinh.
Ngoài sáu phương thức trên, chương trình định hướng phát triển quốc tế, kinh tế chính trị quốc tế sẽ tuyển sinh riêng, xét điểm trung bình 5 học kỳ THPT (trừ kỳ II lớp 12) và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc giải quốc gia môn tiếng Anh.
Mỗi tỉnh, thành phố được đề cử tối đa 5 thí sinh, gồm ít nhất hai học sinh thuộc trường chuyên và không chuyên tốt nghiệp năm nay. Các em này phải cam kết trở lại tỉnh, thành phố làm việc sau tốt nghiệp.