Trung Quốc thống trị thị trường vàng thế giới, giá dự báo tăng mạnh

08/11/2023 13:07

Theo Hội đồng vàng Thế giới, Trung Quốc đang thống trị thị trường vàng, với hoạt động mua vào rất mạnh. Dự kiến lượng vàng ngân hàng trung ương các nước mua ròng trong năm 2023 đạt mức kỷ lục mới.

Trung Quốc thống trị thị trường vàng thế giới

Theo Hội đồng vàng Thế giới (WGC), Trung Quốc tiếp tục thống trị thị trường vàng thế giới với hoạt động mua vào rất mạnh tháng thứ 12 liên tiếp. "Bữa tiệc mua sắm" của quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn tiếp tục. Riêng trong tháng 10/2023, Trung Quốc mua thêm 23 tấn vàng, giá trị khoảng 1,5 tỷ USD.

Đây là số liệu được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) công bố và được WGC trích lại.

Không chỉ Trung Quốc, ngân hàng trung ương nhiều nước khác đang đẩy mạnh mua vàng trong bối cảnh thế giới bất định, khủng hoảng địa chính trị xảy ra ở nhiều khu vực, thị trường chứng khoán nhiều nước chao đảo. Dòng tiền tìm đến các kênh an toàn, trong đó có đồng USD và vàng.

WGC nâng dự báo, cho rằng ngân hàng trung ương các nước sẽ thiết lập một kỷ lục mua ròng vàng mới trong năm nay, cao hơn kỷ lục đã thiết lập trong năm 2022.

vangnganhangtrunguongcacnuoc2023.jpg
Hoạt động mua vàng của ngân hàng trung ương các nước. (Nguồn: WisdomTree)

Cũng theo WGC, cho tới cuối tháng 10, Trung Quốc mua thêm 204 tấn vàng so với đầu năm và nâng tổng dự trữ vàng lên 2.215 tấn, với tổng giá trị hơn 140 tỷ USD.

Trong quý III/2023, ngân hàng trung ương các nước mua tổng cộng 337 tấn vàng (tương đương khoảng 21,3 tỷ USD). Đây cũng lượng vàng các nước mua vào cao kỷ lục đối với quý III.

Sức mua vàng trong 10 tháng đầu năm 2023 đã vượt kỳ vọng của các chuyên gia WGC. Trước đó, họ tin rằng, các nước sẽ khó mua vượt được mức cao kỷ lục đã thiết lập trong năm ngoái.

Với sức mua tiếp tục mạnh trong thời gian còn lại của năm, hoạt động mua vàng của ngân hàng trung ương các nước sẽ thiết lập một kỷ lục mới. Qua đó cho thấy việc lựa chọn vàng trở thành chiến lược của các nước.

Tính từ đầu năm tới nay, các ngân hàng trung ương đã mua 800 tấn vàng, trị giá gần 51 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong cả năm 2022, các ông lớn này đã mua một lượng vàng kỷ lục 1.135 tấn (trị giá gần 72 tỷ USD).

Juan Carlos Artigas, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu toàn cầu tại WGC, trong một cuộc phỏng vấn với Kitco, cho rằng vàng hiện là một tài sản toàn diện, có thể đóng một vai trò quan trọng trong danh mục đầu tư, mang lại lợi nhuận dài hạn, đa dạng hóa, đặc biệt trong những thời điểm cần thiết và có tính thanh khoản cao.

vangdiachinhtri kc.jpg
Các cuộc khủng hoảng và biến động của giá vàng.

Các nhà phân tích không ngạc nhiên khi ngân hàng trung ương các nước tiếp tục mua vàng nhằm đa dạng hóa dự trữ, giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Kitco News, Robert Minter, Giám đốc Chiến lược đầu tư ETF tại Abrdn, nói rằng nợ và thâm hụt ngày càng tăng của Chính phủ Mỹ là gánh nặng ngày càng lớn đối với đồng USD. Khó có khả năng USD mất vị thế đồng tiền dự trữ thế giới, nhưng các quốc gia sẽ tiếp tục đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của mình.

Vàng biến động khó lường

Gần đây, nhiều dự báo cho rằng, Mỹ đang ở cuối chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ và sẽ sớm đảo chiều giảm lãi suất khi có một số tín hiệu cho thấy nền kinh tế số 1 có thể rơi vào một đợt khủng hoảng. Khi đó đồng USD sẽ suy yếu và là cơ sở để vàng tăng giá.

Vàng cũng thường được hỗ trợ từ những bất ổn định chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới cũng như căng thẳng thương mại-tiền tệ Mỹ-Trung và sức cầu đối với mặt hàng kim loại quý từ ngân hàng trung ương nhiều nước trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, rủi ro địa chính trị và suy thoái kinh tế có thể đẩy vàng đi theo những con đường hoàn toàn khác.

Các nhà phân tích cho rằng, cuộc chiến giữa Israel và Gaza đã thúc đẩy nhiều người tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn và vàng là một lựa chọn hàng đầu.

vangdubao.jpg
Dự báo giá vàng. (Nguồn: WisdomTree)

Hồi cuối tháng 9 giá vàng có suy giảm, với giá trung bình động 50 ngày (DMA) xuống dưới ngưỡng trung bình 200 ngày (200-DMA). Nhưng gần đây, vàng đã phục hồi đáng kể, bất chấp những trở ngại như lợi tức trái phiếu cao và đồng USD vẫn mạnh.

Nhu cầu vàng ngày càng gia tăng của ngân hàng trung ương được xem là yếu tố hỗ trợ quan trọng giúp vàng đi lên bất chấp Fed vẫn duy trì xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của mình.

Theo WGC, nhu cầu tiêu thụ vàng ở một số thị trường vàng lớn trên thế giới như Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang rất mạnh.

Các nhà phân tích đến từ WisdomTree cho rằng, vàng cũng được coi là tài sản “trú ẩn an toàn”, có nghĩa là trong thời kỳ kinh tế bất ổn hoặc rủi ro địa chính trị tăng cao, các nhà đầu tư trong lịch sử đã chuyển sang kim loại quý để bảo vệ, đẩy giá của nó lên cao.

Hiện, tình trạng hỗn loạn hiện nay ở Trung Đông được xem là một sự kiện đẩy giá vàng đi lên, cho dù chưa rõ cuộc xung đột tại khu vực sẽ kéo dài bao lâu và mức độ nghiêm trọng của nó như thế nào.

Ở chiều ngược lại, giới đầu tư cũng đang theo dõi sát thị trường trái phiếu Mỹ và biến động của đồng USD. Lợi tức trái phiếu 10 năm của Mỹ đang ở quanh mức cao nhất kể từ năm 2008.

Lợi tức trái phiếu cao gây áp lực lên vàng. Tuy nhiên, nó cũng là tín hiệu cho thấy kinh tế Mỹ có thể sẽ rơi vào khủng hoảng. Và khi đó vàng lại là một lựa chọn hàng đầu của giới đầu tư. Vàng có xu hướng hoạt động mạnh mẽ trong thời kỳ suy thoái.

Theo đánh giá của WisdomTree, trong kịch bản tăng giá, Fed sẽ phản ứng với các dấu hiệu cảnh báo suy thoái kinh tế và bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm 2024.

Và nếu suy thoái kinh tế thành hiện thực, WisdomTree kỳ vọng lạm phát sẽ giảm xuống mức mục tiêu. Trong kịch bản này, vàng có thể đạt 2.300 USD/ounce trong năm 2024, cao hơn 12% so với mức cao mọi thời đại đạt được vào tháng 8 năm 2020.

Ngược lại, nếu lạm phát cao và lợi tức trái phiếu Mỹ ở mức cao kéo dài, thì giá vàng có thể suy giảm, tối đa về ngưỡng 1.670 USD/ounce.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc thống trị thị trường vàng thế giới, giá dự báo tăng mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO