Trong hôn nhân, im lặng có khi là một sự hủy hoại

21/06/2024 13:54

Các cụ ngày xưa dạy ta: Im lặng là vàng. Nhưng có phải mọi im lặng đều là vàng? Có khi im lặng lại là vàng… mã đốt cho một cuộc hôn nhân đã chết…

Im lặng là vàng?

Người xưa dạy ta học cách "biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe". Là dạy ta đừng miệng nhanh hơn não. Im lặng là cách ứng xử khôn ngoan, giữ được hoà khí. Thật chẳng có gì vui khi bạn đời của bạn cằn nhằn từ sáng đến tối, chẳng ai muốn ở bên cái người tía lia, bạ đâu nói đấy. Lời nói nhiều khi như lưỡi kiếm, làm thương tổn nhau có ngày. Nói mà không nghĩ như xả súng chốn đông người.

Nhiều người chồng thà chọn chốn huyên náo trong quán bia hơn là về nhà với vợ, vì một mình vợ chiếm quyền nói hết. Có khi số lời vợ nói nhiều hơn cả số người trong quán bia cùng nói. Nghiên cứu khoa học cho thấy: Phụ nữ nói khoảng 20.000 từ/ngày, nhiều hơn đàn ông đến 13.000 từ, gấp 3 lần đàn ông. Nên im lặng đúng là vàng với nhiều người chồng có vợ nói nhiều.

Trong thời đại mạng xã hội hiện nay, nhiều người không kiểm soát được phát ngôn của mình trên mạng xã hội, đụng đâu cũng nói. Mua hàng không như ý: Bóc phốt trên mạng. Thấy gì cũng phải "post" lên như thể sợ mình không nói ra thế giới này sẽ tận thế mất vậy. Tranh nhau nói. Nên các cuộc drama cứ thế liên miên. Cứ phải chia phe ra để tranh cãi, tấn công, thoá mạ nhau.

Trong hôn nhân, im lặng có khi là một sự hủy hoại-1
Nhà văn Hoàng Anh Tú

Để tìm được một góc an yên giữa chốn phồn hoa đô thị thật hiếm hoi. Vì chỉ cần bị "lộ" ra, chốn an yên đó sẽ thành tụ điểm mới, ùn ùn người. Trong các quán cafe, ô nhiễm tiếng ồn vì thế gây thêm stress. Đi cafe thư giãn nhưng cuối cùng lại thành bị tra tấn bằng ồn ã.

Người học được cách im lặng đúng là vàng mười đời ta. Là biết lúc nào nên im lặng. Như trong cuộc hơn thua, người biết im lặng là người chiến thắng. Người càng nói nhiều càng thể hiện việc mình đuối lý, mình kém cỏi hơn, không muốn mình thành người thua cuộc.

Như chậm lại miệng mình một phút, cơn giận nào cũng sẽ qua. Như bớt đi một câu, mối quan hệ này đã chẳng tan hoang đến thế. Như im lặng là một cách để rời đi khỏi những độc hại của miệng lưỡi người đời. Một trong những cách xử lý khủng hoảng cảm xúc cá nhân là học cách im lặng, đừng tiếp năng lượng cho cuộc khủng hoảng cảm xúc này bằng nỗi giận dữ, muốn cãi đến cùng trong mình. Im lặng thực sự như một cách thiền trong đời vậy!

Biến im lặng thành vũ khí

"Ra đường sợ nhất công nông/Về nhà sợ nhất vợ không nói gì". Đàn ông mâu thuẫn nhỉ? Vừa không thích vợ lắm lời nhưng lại sợ khi vợ im lặng. Là bởi đôi khi sự im lặng không còn là vàng nữa. Im lặng lúc này có thể chính là vàng mã đốt cho cuộc hôn nhân này vậy.

Nhiều người quả thật rất "thích" trừng phạt người khác bằng sự im lặng. Mà không biết rằng sự im lặng đó có sức tàn phá vô cùng khủng khiếp với người thực lòng yêu thương họ. Không chỉ trong hôn nhân mà cả trong mối quan hệ cha mẹ- con cái cũng vậy.

Trong hôn nhân, im lặng có khi là một sự hủy hoại-2
Ảnh minh họa

Nhiều người rất "thích" dùng sự im lặng để trừng phạt lỗi lầm (nói mãi không nghe) của con mình. Rồi chính ta "dạy" lũ trẻ lặp lại cách trừng phạt đó với người thân của con mai này (có khi bao gồm cả chúng ta lúc về già). Bởi sự im lặng của ta khiến con cái sợ hãi, hoang mang và lo lắng. Nên lũ trẻ sẽ học để dùng sau này như 1 hình phạt hữu hiệu mỗi khi chúng gặp tình huống tương tự.

Im lặng chính xác là một hình thức "bạo hành lạnh" nếu như ta dùng nó để trừng phạt nhau. Là khi biến im lặng thành thứ vũ khí. Cho dẫu nó là vũ khí tự vệ kiểu: "Nói ít hiểu nhiều. Anh ta cũng đủ lớn rồi để phải tự hiểu chứ!". Kiểu: "Tôi nói thì kêu mệt tai! Thì tôi im lặng cho biết tay".

Là ta dùng sự im lặng của mình như cách để chứng minh… ta im lặng là đúng. Là người đang bị tổn thương (vì anh ta/ cô ta đã sai) lại tạo ra tổn thương cho người khác. Nó tàn nhẫn hơn cả việc hai người cãi nhau một trận ầm ĩ. Bởi thà là cãi nhau to để cả hai nói ra cho hết những suy nghĩ của mình còn hơn im lặng khiến đối phương cảm thấy bị khinh bỉ, coi thường.

Nhiều khi, nói ra, xả ra cũng là cách để lôi vết thương ra bên ngoài, để được lành liền lại mau hơn, thay vì một vết thương sâu bên trong.

Đau đớn hơn, việc ai đó đau khi ta im lặng chỉ xảy ra khi họ hết mực yêu thương ta. Như con cái của ta, như bạn đời của ta, như cha mẹ của ta. Bằng họ không yêu ta, sự im lặng của ta lại là "món quà" cho họ. Kiểu "tốt quá, đỡ hơn phải nghe càm ràm". Nên tôi mới nói: Im lặng là một sự tàn phá mối quan hệ.

Im lặng với kẻ không yêu ta thì chính ta sẽ đón nhận lại nỗi đau của việc dửng dưng đáp lại. Im lặng với người yêu ta thì sẽ đẩy người đó ra xa ta hơn. Ai chả có phản ứng tự vệ như thế, bị đối xử im lặng, họ sẽ tự co lại.

Có những cuộc hôn nhân bị huỷ hoại bởi những cuộc "chiến tranh lạnh" kiểu này. Là chiến tranh nhé! Tức là thi gan với nhau, xem ai là người mở miệng trước. Kẻ mở miệng trước là kẻ thua. Ai im lặng lâu hơn là người chiến thắng.

Cuối cùng thì sao? Hoá ra người mở miệng trước lại là người chiến thắng. Là họ chiến thắng cái tôi sĩ diện hão trong họ để giữ lại cuộc hôn nhân này. Là bởi họ cần cái CHÚNG TA hơn cái TÔI của họ. Là họ dũng cảm hơn người im lặng lâu hơn kia. Họ xứng đáng để ta yêu thương họ nhiều hơn chứ, đúng không hỡi những người im lặng lâu hơn ơi?

 Im lặng của những tổn thương

Người thương yêu bạn sẽ tổn thương khi bạn im lặng. Người không yêu bạn thì sự im lặng của bạn là tự gây ra những tổn thương cho mình.

Nhiều người vợ, người mẹ đã nói với tôi rằng họ không được lựa chọn. Hàng chục ví dụ của nhiều hình thái im lặng đã được mọi người liệt kê ra. Như cuộc triển lãm những vết thương vậy. Có người chọn im lặng vì không còn quyền được nói. Đến tin nhắn gửi chồng mà chồng còn không thèm đọc.

Có người chọn im lặng vì thương tổn quá sâu, trái tim đông đặc lại rồi. Lại có người im lặng vì ngoài im lặng ra, họ chẳng còn gì nữa cả. Im lặng có khi là sự khinh bỉ. Im lặng có lúc thành một sự buông xuôi. Im lặng đến cả từng giọt nước mắt rơi không thành tiếng. Đau thay, có cả những im lặng của đớn hèn vì cuộc đời phải phụ thuộc, cha mẹ nói con phải nghe, nếu con cãi thì bị cắt nguồn tài chính.

Đau thay, những người vợ bị bạo lực dán chặt miệng. Cả những người phụ nữ tưởng chừng mạnh mẽ nhưng cũng chọn im lặng nuốt vào trong vì bị đánh vào chỗ yếu tim nhất: Con cái. Muốn buông cuộc hôn nhân này xuống nhưng sợ mất con, bị kẻ kia dùng con như vũ khí.

Đừng im lặng kiểu đó nữa, được không? Giống như đừng quên BẠN ĐƯỢC QUYỀN HẠNH PHÚC. Quyền hạnh phúc bao gồm việc bạn được nói ra những gì bạn nghĩ, bạn muốn. Bạn không thể im lặng chỉ vì họ muốn bạn im lặng hay bạn nghĩ im lặng cho xong chuyện.

Người yêu thương bạn thật lòng sẽ sợ bạn im lặng với họ. Họ thương tổn nếu như bạn dùng im lặng để trừng phạt họ, đặc biệt là những đứa con do bạn sinh ra. Còn kẻ không thương bạn thì rất cần sự im lặng của bạn. Vì bạn im lặng cũng là đồng tình với những gì họ làm với bạn. Bạn im lặng có nghĩa là họ đúng (nên bạn đâu dám cãi- họ chẳng nghĩ đó là sự im lặng khinh bỉ đâu, đừng hão huyền).

Im lặng là cách nhanh nhất đẩy bạn xuống hố đen. Im lặng với cái xấu là đồng tình với cái xấu. Im lặng với người thân là bạn biến người yêu thương bạn thành vô dụng. Vậy sao bạn vẫn còn im lặng?

Kết
Học ăn, học nói, học gói, học mở. Học cách im lặng và học cả cách đừng im lặng. Là sử dụng sự im lặng giúp cho hôn nhân đừng rơi vào "vùng thời tiết xấu" nhưng cũng phải học cách nói ra để đi xuyên qua "vùng thời tiết xấu" của hôn nhân.

SỰ IM LẶNG ĐỘC HẠI

Thuật ngữ khoa học gọi là "silent treatment". Người sử dụng nó để thao túng tâm lý và nắm quyền kiểm soát trong mối quan hệ. Họ là những người có biểu hiện sau:

1. Sử dụng sự im lặng như một đòn trừng phạt vì bạn không nghĩ giống họ hoặc bạn không tuân theo họ. Biến bạn thành nhỏ bé, yếu đuối và mất dần tự tin vào bản thân bạn.

2. Sử dụng im lặng trong nhiều ngày, nhiều tuần và lặp lại liên tục sự im lặng này mỗi khi có mâu thuẫn với bạn.

3. Im lặng bao gồm cả không nói, không nhìn, không trả lời điện thoại, tin nhắn của bạn. Im lặng toàn phần.

4. Ngay cả khi họ sai, họ cũng chọn cách im lặng, tránh né phải nói lời xin lỗi.

5. Họ chỉ mở miệng sau khi bạn đã xin lỗi.

6. Họ tiếp tục im lặng nếu như bạn chưa xin lỗi một cách thành thật (theo đánh giá của họ), thậm chí phải nài nỉ, van xin họ.

7. Họ vẫn vui vẻ giao tiếp với tất cả mọi người xung quanh. Trừ bạn! Bạn là kẻ duy nhất bị họ đối xử như vậy.

8. Họ không quan tâm sự im lặng này có thể khiến mối quan hệ trở nên tệ đi, thậm chí đổ vỡ.

9. Họ thích thú với sự đau khổ của bạn trong suốt thời gian họ im lặng với bạn.

10. Họ muốn huỷ hoại bạn bằng sự im lặng này.

Theo PNVN

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Trong hôn nhân, im lặng có khi là một sự hủy hoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO