UBND TP.HCM vừa có tờ trình Thường trực HĐND TP đề nghị xây dựng Nghị quyết ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn. Nếu được thông qua trong kỳ họp HĐND tới, TP.HCM dự kiến thu mỗi năm trên 1.500 tỷ đồng cho ngân sách thành phố. Đơn vị được giao nhiệm vụ thu phí là Sở GTVT và UBND TP Thủ Đức và các quận huyện, theo quyết định giao tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Năm 1991, UBND TP từng ban hành Quyết định thu lệ phí khai thác đất công, chợ, đường phố, bến bãi, cảng, mức thu là 12.000 đồng/m2/tháng đối với ngành hàng dịch vụ bày bán trên đường phố. Đồng thời, Quyết định này có tên gọi cũng không còn phù hợp với tên gọi Phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố tại Luật phí và Lệ phí.
Đến năm 2017, Quyết định trên đã được bãi bỏ do mức thu này là quá thấp, không còn phù hợp với tình hình kinh tế xã hội hiện nay.
Theo UBND TP, hiện nhu cầu sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố của các tổ chức, cá nhân rất lớn nhưng hệ thống hạ tầng giao thông chỉ đáp ứng một phần do nguồn kinh phí bố trí cho công tác đầu tư xây dựng, công tác duy tu, bảo trì hàng năm còn hạn chế. Do đó, việc xây dựng Nghị quyết về thu phí trên sẽ tạo thêm nguồn thu cho ngân sách TP để thực hiện duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố được hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo giao thông an toàn, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.
Nghị quyết trên cũng giúp nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố. Người dân có nghĩa vụ đóng góp một phần chi phí hỗ trợ tạo nguồn thu ngân sách nhà nước nhằm duy tu bảo trì lòng đường, hè phố.
Cũng theo UBND TP, để xây dựng mức phí tạm lòng đường, hè phố, thành phố đã tham khảo mức thu của các địa phương có tình hình kinh tế xã hội, hoạt động giao thông đô thị tương tự, kết hợp phương pháp xây dựng mức thu giá theo giá đất hàng năm và tỷ lệ phần trăm tính tiền thuê đất do UBND TP ban hành là phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội của TP.
Cụ thể, mức phí sẽ được tính toán theo giá đất bình quân 5 khu vực ở các tuyến đường, các quận huyện và khu vực trung tâm thành phố áp dụng mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố.
Dự kiến mức thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh là 20.000 - 100.000 đồng/m2/tháng và mức thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè để trông giữ xe là 50.000 - 350.000 đồng/m2/tháng, tùy vị trí các tuyến đường.
Theo tờ trình, các trường hợp phải nộp phí sử dụng tạm lòng đường gồm: Tổ chức các hoạt động văn hóa và điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa; địa điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; bố trí điểm trông giữ xe máy, xe mô tô, xe đạp có thu tiền dịch vụ trông giữ xe.
Các trường hợp phải nộp phí để sử dụng vỉa hè gồm: Tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm trông giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa; sử dụng làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa (thuộc danh mục do UBND cấp huyện ban hành); điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng (có thu tiền người sử dụng), lắp đặt các công trình tạm trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông; làm điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình; bố trí điểm trông, giữ xe có thu tiền dịch vụ trông giữ xe.
Ngoài ra, trong tờ trình gửi HĐND TP, UBND TP cũng nêu một số trường hợp được miễn thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, như: Tổ chức hoạt động văn hóa, tuyên truyền chủ trương, chính sách theo kế hoạch của UBND TP; làm điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị; bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng; lắp đặt các công trình tạm cổ động chính trị, các công trình phục vụ tổ chức giao thông trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông...