Theo quy định, giờ làm bài môn Ngữ văn là 7h35 nhưng từ 6h, nhiều thí sinh và phụ huynh đã rời khỏi nhà để đến địa điểm thi, chuẩn bị cho buổi thi đầu tiên.
Tại Hà Nội, chị Nguyễn Thùy Giang (huyện Thanh Trì) cho biết mặc dù con gái đã trúng tuyển sớm vào Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội và kỳ thi hôm nay chỉ có ý nghĩa để lấy bằng tốt nghiệp, nhưng chị vẫn khá lo lắng.
"Nói thật là mẹ còn lo hơn con. Con tôi thì từ hai ngày nay, khi nghe tin ban nhạc Blackpink sẽ đến Việt Nam biểu diễn vào cuối tháng 7, gần như không còn tập trung ôn tập mà quay ra tìm mọi nguồn có thể kiếm được vé xem biểu diễn. Tôi lâu nay vẫn nghĩ lực học của con thừa sức qua tốt nghiệp, nhưng sát ngày thi vẫn hơi bồn chồn sợ có chuyện đột xuất xảy ra, hay như các cụ vẫn nói là "học tài thi phận".
Vì vậy, tôi "giành" nhiệm vụ đưa con đi thi với chồng, hai mẹ con đi sớm cho đỡ tắc đường, tôi cũng có thể lái xe cẩn thận mà không bị vội" - chị Giang chia sẻ.
Tại TP.HCM, anh Lê Đức Duy (quận 10,) cũng là người chịu trách nhiệm đưa đón con trai đi thi cả 4 buổi. Anh Duy cho biết cách đây vài ngày, con anh nhận được kết quả trúng tuyển vào Trường ĐH Giao thông vận tải - phân hiệu TP.HCM, theo phương thức xét học bạ. Vì vậy, nam sinh đến trường thi trong tâm trạng khá thoải mái.
"Trong suốt thời gian qua, con cũng chịu khó ôn tập, nhưng thật sự với kết quả trúng tuyển đại học sớm, áp lực của lần thi này đã vơi đi rất nhiều đối với cả con và gia đình chúng tôi" - anh Duy vui vẻ chia sẻ.
Theo đề minh họa được Bộ GD-ĐT công bố, cấu trúc đề thi môn Ngữ văn có 2 phần quen thuộc: Phần đọc hiểu (3 điểm). Đề thi sẽ đưa ra một đoạn văn mẫu và từ đó đặt ra câu hỏi với độ khó được phân hóa theo từng câu, yêu cầu thí sinh giải quyết vấn đề được đặt ra từ đoạn văn bên trên.
Phần làm văn (7 điểm) gồm 2 câu, câu 1 làm văn về nghị luận xã hội, câu 2 làm văn về nghị luận văn học. Môn Ngữ văn là môn duy nhất thí sinh làm bài theo hình thức tự luận tại kì thi tốt nghiệp THPT. Chính vì vậy, nhiều thí sinh khá lo lắng với đề thi của môn học này. Trước khi môn thi này diễn ra, câu hỏi "đề Ngữ Văn sẽ gọi tên tác phẩm nào?" cũng được các sĩ tử quan tâm đặc biệt.
Tối muộn ngày hôm qua (27/6), chỉ vài tiếng trước giờ thi, rất nhiều thí sinh vẫn rất sôi nổi tham gia bàn luận trên mạng xã hội về đề thi Ngữ văn.
Một trong những trang có nhiều thí sinh quan tâm nhất là "Kaito Kid". Trong 3 năm liên tục (2020 đến 2022), "Kaito Kid" đã "đoán trúng" tác phẩm sẽ ra trong đề thi gồm "Chiếc thuyền ngoài xa" - năm 2022, "Sóng" - năm 2021 và "Đất nước" - năm 2020.
Trước đó một tuần, "Kaito Kid" đăng dòng trạng thái được cho là sẽ tiếp tục "đoán đề" vào tối 27/6. Vì vậy, tối 27/6, rất đông thí sinh đã truy cập trang này. Tuy nhiên, không đưa ra một tên tác phẩm nào cụ thể, "Kaito Kid" chỉ post 2 bức ảnh để thí sinh ra sức... đồn đoán.
Tại một số hội, nhóm khác, học sinh cũng thi nhau đưa ra dự đoán. Hầu hết các tác phẩm trong chương trình lớp 11, 12 được các em "gọi tên", nhưng tần suất nhiều nhất là hai tác phẩm "Người lái đò sông Đà" và "Vợ chồng A Phủ"...
Sáng nay, hơn 17.000 thí sinh tại Quảng Nam sẽ bắt đầu với bài thi môn văn của kỳ thi THPT quốc gia.
Thời tiết tại TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) nắng. Từ 6h, nhiều thí sinh đã có mặt tại điểm thi Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Phạm Oanh Trúc (lớp 12 chuyên tin, trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) cho biết: “Em ôn thi nhiều ở tác phẩm, chú trọng thơ ở bài Đất nước. Đối với nghị luận xã hội, những ngày qua, bản thân em đã lên mạng, đọc báo nhiều để nắm các luận điểm chuẩn bị cho câu hỏi này.
Năm nay, Quảng Nam có có 56 điểm thi với 865 phòng. Mỗi điểm thi bố trí 1 máy tính tại phòng trực và bảo đảm máy tính chỉ được nối mạng internet khi chuyển báo cáo nhanh cho hội đồng thi, phải ghi nhật ký sử dụng máy tính, có sự chứng kiến của Phó trưởng điểm thi phụ trách cơ sở vật chất.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT chiều ngày 27/6, cả nước có 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, được bố trí thi tại 63 hội đồng thi với 2.272 địa điểm thi và 43.032 phòng.
Tổng số thí sinh đến làm thủ tục dự thi là 1.012.398 em, chiếm tỷ lệ 98,86%. Như vậy, còn có 11.665 thí sinh chưa làm thủ tục dự thi, chiếm 1,14% so với số đăng ký.
Trong vài năm trở lại đây, phổ điểm môn Ngữ văn cũng không quá khác biệt. Cụ thể, năm 2022, kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn của cả nước cho thấy: Có 981.407 thí sinh tham gia thi bài thi Ngữ văn, trong đó điểm trung bình là 6.51 điểm, điểm trung vị là 6.5 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7.0 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 194 (chiếm tỷ lệ 0.02%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 113.888 (chiếm tỷ lệ 11.6%). Năm 2021, có 978.027 thí sinh đợt 1 dự thi môn Văn và có trung bình bài thi là 6.47 điểm, điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7.0 điểm. Trong số đó, chỉ có 3 bài thi đạt điểm 10 môn Ngữ văn. Năm 2020, điểm trung bình bài thi Ngữ văn là 6,62 điểm, điểm số có nhiều thí sinh đạt được nhất là 7 điểm. Có 119 thí sinh đạt từ 1 điểm trở xuống, chiếm tỷ lệ 0,01%. Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 75.779 (chiếm tỷ lệ 9%). Có 2 thí sinh đạt điểm 10 trong bài thi môn Ngữ văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. |
Lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2023 như sau:
Nhóm phóng viên