Triển vọng hợp tác Mỹ - Nhật trong lĩnh vực chip

10/04/2024 13:44

Ngày 9/4, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói rằng ông nhận thấy nước này có nhiều cơ hội hợp tác hơn với Mỹ trong lĩnh vực chế tạo chip máy tính thế hệ tiếp theo.

Thủ tướng Kishida đưa ra nhận định như vậy tại hội nghị bàn tròn về công nghệ quan trọng và mới nổi do Phòng Thương mại Mỹ tổ chức tại Washington, một ngày trước khi nhà lãnh đạo Nhật Bản dự cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Tại hội nghị trên, Thủ tướng Kishida đề cập đến việc tập đoàn sản xuất chip bán dẫn Rapidus của Nhật Bản hợp tác với tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia IBM có trụ sở ở Mỹ thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển chip thế hệ mới. Trong khuôn khổ hợp tác với IBM, mục tiêu của Rapidus là kể từ năm 2027 có thể sản xuất hàng loạt chip tiên tiến nhất hiện nay tại một nhà máy ở Hokkaido, phía Bắc Nhật Bản. Thủ tướng Kishida nhấn mạnh việc Nhật Bản và Mỹ hợp tác để thiết lập nền kinh tế của mỗi nước có khả năng phục hồi, chống chịu và thích ứng đã trở nên ngày càng quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết nước này sẽ cung cấp khoản hỗ trợ bổ sung lên đến 590 tỷ yen (3,9 tỷ USD) cho tập đoàn Rapidus. Đây là một trong những nỗ lực nhằm vực dậy ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật Bản, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh đang diễn ra gay gắt giữa các nước nhằm thu hút các công ty bán dẫn.

Nhật Bản đang “đặt cược” vào những nỗ lực khôi phục ngành công nghiệp chip bán dẫn của mình như thời kỳ những năm 1980 khi các công ty của nước này như Toshiba và NEC đóng vai trò chủ đạo trong thị trường bộ vi xử lý. Trong cuộc cạnh tranh hiện nay, thị phần bán dẫn toàn cầu của Nhật Bản hiện đã sụt giảm từ mức 50% xuống còn khoảng 10%.

Nhật Bản và Mỹ đang tăng cường hợp tác để củng cố khả năng kiểm soát chuỗi cung ứng chip toàn cầu trước nguy cơ gián đoạn do các yếu tố như biến động chính trị và xung đột trên thế giới. Ngày 9/4, tập đoàn Microsoft của Mỹ thông báo sẽ đầu tư 2,9 tỷ USD trong 2 năm để mở rộng cơ sở hạ tầng đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI) tại Nhật Bản. Đây là khoản đầu tư lớn nhất của hãng trong 46 năm hoạt động tại quốc gia Đông Bắc Á này.

Theo baotintuc.vn
https://baotintuc.vn/the-gioi/trien-vong-hop-tac-my-nhat-trong-linh-vuc-chip-20240410122554049.htm
Copy Link
https://baotintuc.vn/the-gioi/trien-vong-hop-tac-my-nhat-trong-linh-vuc-chip-20240410122554049.htm
Bài liên quan
  • Động đất ở Đài Loan (Trung Quốc) tác động ra sao đến ngành sản xuất chip bán dẫn
    Nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại rằng các thiết bị điện tử thông minh sẽ tăng giá trong vài tháng tới sau trận động đất độ lớn 7,4 tại Đài Loan (Trung Quốc) sáng 3/4. Hòn đảo này vốn là nơi sản xuất 80 - 90% vi mạch tiên tiến của thế giới, vốn vô cùng quan trọng với điện thoại thông minh, laptop, ô tô và lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI)…
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Triển vọng hợp tác Mỹ - Nhật trong lĩnh vực chip
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO