Triển lãm thu hút sự tham dự của đông đảo trí thức người Pháp cũng như người Việt tại Pháp. Đại sứ Việt Nam tại Pháp, ông Nguyễn Thiệp, cùng bà Trần Thị Hoàng Mai – Đại sứ Việt Nam tại Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO), cũng có mặt tại triển lãm.
Tại triển lãm, Đại sứ Trần Thị Hoàng Mai chia sẻ niềm tự hào khi một danh nhân của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) vinh danh: “Hôm nay chúng ta cùng tưởng nhớ một tác giả mà có thể nói là lớn nhất của nền Văn Học Việt Nam, một nhà thơ lớn nhất.
Vào năm 2013, tại UNESCO cũng đã ra một nghị quyết là sẽ cùng với Việt Nam tổ chức kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Nguyễn Du tại Trụ sở của UNESCO cũng nhưu tại khắp nơi trên thế giới. Một trong những người đã được ghi vào danh sách để cùng kỷ niệm ngày sinh ở UNESCO phải là những người mà đã có những đóng góp đáng kể đối với nền văn hóa, nền giáo dục cũng như khoa học trên thế giới, và Nguyễn Du của chúng ta là một trong những người như thế”.
Để có được triển lãm này, các nhà nghiên cứu về văn hóa Việt Nam tại Pháp đã phải cất công tìm kiếm trong thời gian dài, vượt qua nhiều khó khăn để mang về những bản dịch tác phẩm Truyện Kiều, bằng những thứ tiếng khác nhau trên toàn thế giới.
Bà Nguyễn Sông Hương, nhà nghiên cứu văn học tại Viện nghiên cứu văn hóa quốc gia Pháp cho biết: “Đây là lần đầu tiên các bản dịch đầy đủ nhất được giới thiệu, gồm có 73 bản dịch. Trong đó có một số bản đã được tái bản nên số lượng sách hiện nay là hơn 100 cuốn. Đây là quá trình tìm kiếm rất khó khăn, bởi các bản dịch đã rất xưa và không còn trên thế giới, chỉ có một số người mua sách cổ và một số gia đình bán các loại sách này. Việc tìm kiếm cũng rất khó, bởi vì hầu hết các sách đều ở nước ngoài. Sau đó, cần có sự giúp đỡ của tất cả bạn bè, gia đình, các thầy cô và rất nhiều người trên thế giới”.
Dự kiến, triển lãm sẽ được mở cửa đến hết tháng 9. Những người quan tâm văn hóa Việt Nam nói chung và yêu mến tác giả Nguyễn Du cũng như tác phẩm Truyện Kiều nói riêng có thể khám phá hơn 100 đầu sách, với hơn 70 bản dịch khác nhau của tác phẩm Truyện Kiều tại Hiệu sách Đông Nam Á (SUDESTASIE) tại địa chỉ số 17 phố Cardinal Lemoine, quận 5, thủ đô Paris, Pháp.