Trí tuệ nhân tạo sẽ 'cướp' việc làm của những lao động 'mù công nghệ'?

20/08/2024 13:16

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, trong tương lai, nhân viên nhiều ngành sẽ bị thay thế bởi AI bởi công nghệ này tạo ra nguồn lao động không mệt mỏi, không cần thời gian "chữa lành"...

Các đại biểu tìm hiểu các giải pháp AI cho doanh nghiệp được trưng bày tại một hội thảo. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Các đại biểu tìm hiểu các giải pháp AI cho doanh nghiệp được trưng bày tại một hội thảo. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Các đại biểu tìm hiểu các giải pháp AI cho doanh nghiệp được trưng bày tại một hội thảo. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Các đại biểu tìm hiểu các giải pháp AI cho doanh nghiệp được trưng bày tại một hội thảo. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ học máy (ML), dữ liệu lớn (big data), đám mây (cloud)… đang tác động mạnh mẽ đến nguồn nhân lực trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngày càng nhiều lao động phổ thông mất việc khi công nghệ được ứng dụng sâu, rộng.

Nhân sự không đủ năng lực sử dụng công nghệ sẽ ngày càng khó tìm việc trong tương lai. Tự trang bị kiến thức và thành thạo các kỹ năng công nghệ, đặc biệt là công nghệ AI, để phục vụ công việc là giải pháp giúp người lao động luôn có việc trong thời đại công nghệ 4.0.

Công nghệ tác động đến thị trường lao động

Theo báo cáo năm 2023 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thị trường lao động khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã có những tín hiệu phục hồi tích cực. Tỷ lệ tăng trưởng việc làm đạt 2,4%, cao hơn mức 2% của năm 2022 và mức 0,9% của giai đoạn khủng hoảng vì đại dịch COVID-19.

Năm 2024, tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn đang trên đà phục hồi. Dù tốc độ phục hồi chậm nhưng tiếp tục có những tác động tích cực đến tăng trưởng việc. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên, đặc biệt là ở khu vực Đông Á khá cao (14,4-20,4%) trong năm 2023.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra tháng 1/2024, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết gần 40% việc làm trên toàn thế giới có thể bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của AI.

Đáng nói, bản thân công nghệ AI cũng biến đổi nhanh chóng, tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu lao động mạnh mẽ giữa các ngành, nghề, lĩnh vực. AI có thể hỗ trợ người lao động tự động hóa các tác vụ lặp đi lặp lại, tiết kiệm thời gian xử lý công việc, giúp người lao động có thời gian tập trung vào các công việc đòi hỏi sự sáng tạo và tư duy.

ttxvn_Giai phap AI_3.jpg
Giáo viên sử dụng phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

AI cũng có thể thay thế con người trong nhiều công việc như tự động hóa quy trình sản xuất, lắp ráp, đóng gói… Do đó, nhu cầu lao động trong các ngành này sẽ giảm. Thậm chí, các doanh nghiệp cân nhắc việc hạ lương, cắt giảm tuyển dụng con người mà sử dụng máy móc, công nghệ thay thế.

Ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, nhận định với khả năng phát triển vượt bậc của công nghệ hiện đại, đến năm 2030, có đến 375 triệu lao động trên toàn cầu có thể cần chuyển đổi hạng mục nghề nghiệp. Dự đoán, 85% các công việc sẽ tồn tại trong xã hội vào năm 2030 hiện chưa được phát minh.

Trong tương lai gần, thế hệ hiểu biết và sử dụng trí tuệ nhân tạo sẽ "cướp" việc của thế hệ già, kém công nghệ. AI không thay thế hoàn toàn con người, tuy nhiên, những người biết sử dụng AI sẽ thay thế những người còn lại.

"Xóa mù công nghệ"

Sự kết hợp của những công nghệ hiện đại đang thay thế sức lao động của con người, tự động hóa thay thế lao động chân tay, trí tuệ nhân tạo thay thế lao động trí óc... Công nghệ tạo ra một lực lượng lao động mới trong đó lao động AI dự kiến sẽ có tác động nhiều nhất đến thị trường lao động.

Chia sẻ về nguồn lao động mới - lao động AI, ông Hoàng Nam Tiến cho biết tương lai nhân viên nhiều ngành nghề sẽ bị thay thế bởi AI và robotic (tự động hóa). Bởi lẽ, những công nghệ này đang tạo ra một nguồn lao động không mệt mỏi, không đòi hỏi chế độ thưởng hay lương tháng thứ 13, không xin nghỉ vì lý do cá nhân như con ốm, gia đình có việc, cần thời gian "chữa lành"...

Ước tính, khoảng 85% nhân sự đang đảm nhận những công việc những công việc lặp đi lặp lại sẽ mất việc trong tương lai không xa. Dù không thể thay thế hoàn toàn sức lao động và trí tuệ của con người nhưng sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo khiến cho người lao động phải thay đổi để theo kịp xu thế. Thay đổi cơ bản nhất là phải "xóa mù công nghệ."

Ông Hoàng Nam Tiến so sánh nếu như trước đây, nạn mù chữ là khó khăn của nhiều thế hệ lao động Việt Nam thì hiện nay, "mù công nghệ" sẽ đem đến những thách thức lớn cho nhân sự trong thời kỳ công nghệ 4.0.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam, quý 2/2024, Việt Nam có 51,4 triệu lao động (trên 15 tuổi) có việc làm. Trong số đó, hơn 32 triệu (khoảng 61%) lao động có việc làm phi chính thức (trong các lĩnh vực: nông, lâm, thủy sản...), số còn lại là lao động có việc làm chính thức.

Báo cáo cũng chỉ ra hạn chế lớn nhất của thị trường lao động của Việt Nam là có đến 70% chưa qua đào tạo sơ cấp trở lên. Điều này làm gia tăng khó khăn cho người Việt khi tìm kiếm việc làm ở cả trong và ngoài nước. Thanh niên thiếu kỹ năng công nghệ ngày càng khó có việc làm ổn định, thu nhập cao.

ttxvn_Giai phap AI_2.jpg
Các đại biểu tìm hiểu các giải pháp AI cho doanh nghiệp được trưng bày tại một hội thảo. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Tương lai 10-15 năm tới, nhiều công việc, nghề nghiệp hiện tại sẽ giảm hoặc biến mất hoàn toàn đồng thời cũng sẽ có những công việc hoàn toàn mới ra đời. Sự chuyển dịch cơ cấu nhân sự là tất yếu và công nghệ đóng vai trò quan trọng quyết định xu hướng chuyển dịch ngành nghề, nhân sự này. Dự báo, tốp những nghề sẽ giảm dần và biến mất trong tương lai gồm: kế toán; giao dịch viên ngân hàng; nhân viên nhập dữ liệu; thư ký...

Đồng thời, danh mục những nghề sẽ xuất hiện và hút nguồn nhân lực lớn trong tương lai phần lớn đều liên quan đến công nghệ như: chuyên gia về AI và học máy (ML); chuyên gia phân tích dữ liệu; chuyên gia bảo mật thông tin; kỹ sư tài chính số (FinTech); kỹ sư robot; chuyên gia chuyển đổi số; chuyên viên/nhân viên vận hành thiết bị nông nghiệp thông minh…

Để luôn có công việc tốt, người lao động cần phải cần phải cập nhật kiến thức và kỹ năng công nghệ.

Theo ông Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch Học viện Kingsman, tự trang bị các kỹ năng số, công nghệ trên các nền tảng học trực tuyến là xu thế được người trẻ lựa chọn để nâng cấp trình độ công nghệ của mình. Đây là cách thức đơn giản, phổ biến, chi phí thấp và đa dạng lựa chọn cho người lao động theo trình độ, nhu cầu của từng người. Tuy nhiên, do thị trường đang cung cấp quá nhiều chương trình đào tạo trực tuyến nên mọi cá nhân, tổ chức cần sáng suốt để lựa chọn được các khóa học phù hợp với bản thân.

Với mục tiêu nâng cấp trình độ công nghệ cho thị trường nhân lực Việt Nam, đặc biệt là các công nghệ mới (AI, Blockchain, ML) cũng như kỹ năng sử dụng các nền tảng phục vụ cho nhân sự (HrTech), tài chính số (FinTech), quản trị văn phòng..., mới đây, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) - đơn vị đại diện cho 600 doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam đã ký cam kết hợp tác với Nền tảng đào tạo công nghệ toàn cầu Udemy và Đại học trực tuyến Funix để triển khai xây dựng hệ thống đào tạo công nghệ trong nhiều lĩnh vực trên nền tảng trực tuyến.

Tạo ra các chương trình đào tạo công nghệ trực tuyến có tính “bản địa hóa” hiện đang là mục tiêu hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nền tảng giáo dục toàn cầu và cơ sở giáo dục trực tuyến. Trong thời đại công nghệ 4.0, đây là hướng đi dài hạn để nâng cấp giá trị của lao động Việt, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam trên thị trường quốc tế./.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Trí tuệ nhân tạo sẽ 'cướp' việc làm của những lao động 'mù công nghệ'?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO