Tranh cãi tại Mỹ liên quan đến việc ban hành quy định kiểm soát AI

08/10/2024 18:33

Trong khi những người ủng hộ sự an toàn của AI thất vọng trước quyết định phủ quyết dự luật về quản lý AI của Thống đốc Newsom thì phần lớn ngành công nghệ coi đây là "sự ủng hộ của đổi mới sáng tạo."

Thống đốc California, Gavin Newsom. (Ảnh: Getty)
Thống đốc California, Gavin Newsom. (Ảnh: Getty)

Việc Thống đốc bang California (Mỹ) Gavin Newsom phủ quyết dự luật về quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) hôm 29/9 đã kéo theo cuộc tranh luận trên toàn nước này về cách quản lý hiệu quả công nghệ đang phát triển nhanh chóng.

Theo Thống đốc Newsom, ông đã phủ quyết Dự luật 1047 của cơ quan lập pháp bang California, còn được gọi là Đạo luật Đổi mới an toàn và bảo mật cho các mô hình AI tiên phong, do lo ngại dự luật này cản trở đổi mới sáng tạo, ảnh hưởng đến vị thế dẫn đầu của bang trong phát triển AI.

Ông cho biết dự luật không phân biệt mức độ rủi ro của hệ thống AI, tức không xem xét liệu hệ thống đó có được sử dụng trong các môi trường nguy hiểm, có tham gia vào quá trình ra quyết định quan trọng, hay có xử lý dữ liệu nhạy cảm hay không.

Thay vào đó, dự luật áp dụng các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt ngay cả với những chức năng cơ bản nhất của AI nếu đó là do một hệ thống lớn với công nghệ phức tạp vận hành.

Trong khi những người ủng hộ sự an toàn của AI bày tỏ sự thất vọng lớn trước quyết định này của Thống đốc Newsom, thì phần lớn ngành công nghệ lại hoan nghênh quyết định trên, coi đây là "sự ủng hộ của đổi mới sáng tạo."

Ông Kai-Fu Lee, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Sinovation Ventures đánh giá quy định trong dự luật 1047 của California có thể kiểm soát rủi ro do AI tạo ra, nhưng việc quản lý công nghệ chưa hoàn thiện khá khó khăn, không có lợi cho doanh nghiệp.

Ông cho rằng cách tiếp cận hiệu quả nhất để đảm bảo an toàn cho AI có thể đến từ chính công nghệ. Lấy dẫn chứng về sự xuất hiện của điện, Internet và những rủi ro, cách phòng tránh đi kèm sau đó.

Ông nói: "Khi điện được đưa đến từng nhà, điện giật là một vấn đề lớn, sau đó các cầu dao điện được phát minh để ngăn chặn mối nguy hiểm này," hay "khi máy tính cá nhân được kết nối với Internet, virus bắt đầu lây lan khắp nơi. Chúng tôi đã không quản lý PC kết nối với internet, mà thay vào đó, các công nghệ được gọi là phần mềm diệt virus đã giải quyết được vấn đề." Do đó, ông cho rằng hàng rào an toàn với AI cũng chủ yếu là công nghệ, chứ không phải là quy định.

Tuy nhiên, ông Kai-Fu Lee không hoàn toàn phủ nhận tầm quan trọng của quy định. Thay vào đó, ông đề xuất quy định nên là phần mở rộng của các luật hiện hành.

Trong khi đó, Yangqing Jia, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Lepton AI có trụ sở tại Palo Alto, cho rằng nếu dự luật được ký thành luật, có thể gây hại cho cộng đồng nguồn mở.

Jia, cựu chuyên gia AI và là Giám đốc điện toán đám mây tại Alibaba, cho biết:" Kinh nghiệm của tôi trong lĩnh vực AI đã dạy tôi rằng việc có nhiều đối tượng hơn có thể tiếp cận công nghệ sắp ra mắt luôn là điều tốt. Trước khi chúng ta biết công nghệ này có thể làm gì và không thể làm gì, chúng ta muốn có nhiều người tìm hiểu về công cụ này hơn."

Tự gọi mình là "người ủng hộ mạnh mẽ nguồn mở," ông Jia cho biết việc thúc đẩy nhận thức và áp dụng AI hiện quan trọng hơn việc thực hiện các quy định dựa trên lo lắng hay e ngại về những điều chưa biết./.

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/tranh-cai-tai-my-lien-quan-den-viec-ban-hanh-quy-dinh-kiem-soat-ai-post981970.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/tranh-cai-tai-my-lien-quan-den-viec-ban-hanh-quy-dinh-kiem-soat-ai-post981970.vnp
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tranh cãi tại Mỹ liên quan đến việc ban hành quy định kiểm soát AI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO