Ngày 11/10, mạng xã hội lan truyền câu chuyện một tài xế đột tử tại sân bay kèm theo phản ánh của người nhà nạn nhân về việc phải trả khoản phí sân đỗ lớn.
Cụ thể, tài xế này có dấu hiệu đột tử trên xe từ ngày 4/10. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng tử vong ngoại viện. Đến ngày 11/10, người nhà nạn nhân đến sân bay để lấy chiếc ô tô ra khỏi bãi đỗ thì phải thanh toán khoản tiền sân đỗ là 1,4 triệu đồng.
Vụ việc được lan truyền trên mạng xã hội kéo theo sự tranh luận. Đa số phản đối cách xử lý thiếu nhân văn của đơn vị quản lý sân bay khi không miễn chi phí sân đỗ cho người xấu số.
Có ý kiến cho rằng việc tính phí đỗ xe tới ngày 11/10 là không đúng luật, bởi giao kèo hợp đồng sử dụng sân đỗ lẽ ra phải chấm dứt từ ngày 4/10, thời điểm tài xế (chủ thể tham gia hợp đồng) tử vong.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó giám đốc sân bay Nội Bài, cho biết bà mới nắm được thông tin qua mạng xã hội. Trước đó, ban lãnh đạo không được báo cáo về việc thu phí trường hợp này.
Bà Ngân xác nhận có chuyện người nhà tài xế phải trả số tiền lớn để lấy xe ra khỏi sân đỗ, đồng thời khẳng định việc thu tiền đỗ xe trong trường hợp này là cách xử lý không khéo léo từ cấp dưới.
"Có sự cứng nhắc trong cách xử lý của các nhân viên sân bay, dẫn tới việc người nhà tài xế phải trả đủ chi phí sân đỗ", bà Ngân chia sẻ.
Sau khi nắm bắt sự việc, lãnh đạo sân bay đã yêu cầu trung tâm khai thác ga hành khách cử đoàn về gia đình tài xế tại Nam Định để thắp hương chia buồn và gửi một khoản tiền phúng viếng cho gia quyến.
Về ý kiến cho rằng không được tính phí lũy kế sau thời điểm tài xế qua đời, lãnh đạo sân bay cho rằng hệ thống thu phí sân bay Nội Bài nhận diện biển số xe để tính phí, không nhận diện tài xế nên khó xác định từng hoàn cảnh cụ thể của chủ xe.
"Lẽ ra chúng tôi phải dự liệu trước các việc phát sinh sau khi tài xế tử vong. Do đó, tình huống này sẽ là một "án lệ" (case study) để mặc định những lần sau hệ thống sẽ không tính phí sân đỗ khi tài xế không may qua đời", bà Ngân chia sẻ.