Mới đây, một nữ sinh ở Hà Tĩnh làm bài thi Ngữ văn trong kỳ thi lớp 10 dài 21 trang, được chấm 9,75 điểm. Nhờ đó, nữ sinh đã trở thành thủ khoa đầu vào lớp chuyên Văn của Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh.
Thông tin này làm bùng nổ tranh cãi trên mạng xã hội. Nhiều người ngợi khen vì nữ sinh phải có vốn kiến thức phong phú, tư duy mạch lạc mới có sức viết “khỏe” tới vậy. Tuy nhiên, cũng có người lại cho rằng: “Trung bình chỉ cần chưa tới 9 phút đã viết kín một trang giấy thi, nhanh như vậy chẳng khác nào máy chạy chữ tự động”.
“Đề thi ấy to tát đến mức độ nào mà học sinh phải cắm đầu, cắm cổ viết 21 trang mới làm rõ được vấn đề? Thi văn như vậy còn hơn cả thi lực sĩ?”. Thậm chí, có người còn chỉ trích giám khảo “hẳn đang đo gang chấm điểm”.
“Không phải chuyện nhất thời tỏa sáng”
Trao đổi với VietNamNet, cô giáo Nguyễn Phương Thanh - Tổ Phó Tổ Văn, Sử, Địa, Giáo dục Công dân (Trường THCS Giảng Võ, Hà Nội) cho rằng với thời gian 150 - 180 phút, một học sinh chuyên Văn viết khoảng 4 tờ giấy, tương đương 16 trang hoặc hơn thế là chuyện bình thường. Nhưng cùng thời gian ấy, nếu học sinh viết được 21 trang giấy, đó lại là điều rất phi thường.
Theo cô Thanh, để được các thầy cô đánh giá cao chứng tỏ nữ sinh này phải có bút lực dồi dào, tức khả năng tư duy, diễn đạt và tốc độ viết rất nhanh, đồng thời phải có trí nhớ tốt, vốn kiến thức sâu rộng, vững vàng.
“Tôi cho rằng đây không phải chuyện nhất thời toả sáng. Em ấy đã chứng tỏ thực lực của mình trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và bằng chứng là em đã đạt giải Nhất môn Văn cấp tỉnh đầy thuyết phục.
Đó là một nhân tài không có gì phải bàn cãi. Là một giáo viên, tôi thấy khâm phục và trân trọng những học sinh có năng khiếu nổi trội như thế”, cô Phương Thanh nói.
Tuy nhiên, theo cô Phương Thanh, không phải ai viết dài cũng đồng nghĩa với việc viết hay. Thực tế khi đi dạy học sinh giỏi và học sinh đại trà, cô Thanh luôn chú trọng rèn cho học sinh 2 kỹ năng gồm: từ ý chủ đề biết phát triển thành một bài văn dài; từ một bài văn dài, biết tóm gọn lại thành một bài ngắn, thành một đoạn ngắn, thậm chí tóm tắt trong một câu.
“Một bài văn hay trước tiên phải là một bài văn đúng và đủ ý, tức phải đúng chủ đề, có hệ thống ý mạch lạc, liên kết chặt chẽ, hành văn sáng rõ, dễ hiểu, sau đó mới xét đến các yếu tố khác như diễn đạt uyển chuyển, cách viết giàu hình ảnh, cái kết gây ấn tượng và để lại dư âm sâu sắc trong lòng người đọc...”.
Theo cô Thanh, xu hướng dạy Văn hiện nay là chú trọng rèn luyện cho học sinh cách viết ngắn gọn nhưng đủ ý, lập luận chặt chẽ, hướng tới mục đích thiết thực là làm cho người đọc, người nghe cảm thấy dễ hiểu.
Giáo viên Trường THCS Giảng Võ cũng cho biết, thực tế có nhiều bài viết ngắn gọn, khúc chiết nhưng vẫn sâu sắc và có sức lay động trái tim của triệu con người. Những bài văn chính luận bất hủ của Bác Hồ là minh chứng tiêu biểu cho điều đó.
“Ở kỳ thi chọn học sinh giỏi vào trường chuyên, cần trân trọng và tôn vinh những bài thi như thế. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên “lăng xê” thái quá mà vẫn cần học cách viết ngắn gọn, đủ ý, dễ hiểu.
Chúng ta không nên đánh đồng rằng viết dài đồng nghĩa với viết hay. Tuỳ hoàn cảnh, mục đích, đối tượng, mình nên có cách nói, cách viết sao cho phù hợp”, cô Phương Thanh nói.
Độ dài, ngắn không đo được chất lượng của bài Văn
Cô Nguyễn Thị Thúy, giáo viên Ngữ văn của Trường THPT Chuyên Thái Bình (tỉnh Thái Bình), cũng bày tỏ sự cảm phục với cô học trò Hà Tĩnh về sức viết, sự miệt mài và tận tâm.
“Ở độ tuổi của em, tay chưa có lực nhiều mà vươn lên như vậy, thật sự đáng nể phục”, cô Thúy nói.
Cô Thúy cho rằng với một bài thi Văn, việc viết dài hay ngắn còn tùy thuộc vào sự lựa chọn, khả năng và “tạng” Văn của mỗi người. Có những người cần viết dài mới có thể diễn đạt trọn vẹn ý, gửi gắm đầy đủ thông điệp nhưng có những người lại có khả năng viết gọn gàng, cô đọng, súc tích.
Do đó, dung lượng dài hay ngắn không phải thước đo cho chất lượng một bài thi Văn. Để có một bài văn hay, theo cô Thúy, học trò cần bày tỏ được quan điểm của mình về vấn đề được nêu ra trong đề bài bằng hệ thống lập luận, cảm nhận và cảm xúc của bản thân; có cách nhìn và khám phá vấn đề mang dấu ấn cá nhân; có những sáng tạo trong cách hành văn, diễn đạt…
“Đọc một bài văn có thể thấy được chất riêng, trí tuệ, tâm hồn của học trò, đó sẽ là một bài viết ấn tượng”, cô Thúy nói.
Cô giáo Nguyễn Thiên Hương, giáo viên Ngữ văn của Trường THCS Đống Đa (Hà Nội), cũng khẳng định độ dài, ngắn không phải yếu tố quyết định chất lượng một bài văn.
“Với những học sinh có vốn kiến thức phong phú, tư duy mạch lạc, giàu cảm xúc văn chương, dù viết dài, nội dung viết vẫn được trình bày cụ thể, toàn diện và thuyết phục; người đọc vẫn cảm thấy rất “cuốn”.
Ngược lại, có những thí sinh viết dài nhưng lan man, “dây cà ra dây muống” sẽ không làm rõ được nội dung đề bài yêu cầu và không ai muốn đọc.
Hay có những học sinh viết rất ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn thuyết phục; nhưng lại có những bài viết quá ngắn không thể triển khai trọn vẹn các ý”.
Do đó, theo cô Hương, một bài văn hay phải rõ trọng tâm đề bài, đủ ý, diễn đạt mạch lạc, chặt chẽ, logic, ngôn từ trong sáng, lời văn giàu cảm xúc, hình ảnh. Thông qua đó, bài viết phải thể hiện được những quan điểm cá nhân độc đáo, sâu sắc.
Đạt được những yếu tố ấy, dù dài hay ngắn, bài viết chắc chắn sẽ đạt điểm cao.