Trong quyết định số 724/QĐ-CTN do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký ngày 22/6/2023, có 77 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND). NSƯT Trần Đức là một trong những nghệ sĩ sẽ nhận danh hiệu cao quý NSND lần này.
NSƯT Trần Đức sinh năm 1954, ông sinh ra và lớn lên tại phố cổ Hà Nội. Ông là một trong những diễn viên gạo cội của làng điện ảnh Việt.
Trần Đức từng có 35 năm công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội. Đến năm 50 tuổi, ông mới chuyển sang giảng dạy ở trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đến khi về hưu.
Trên sân khấu kịch, ông thường xuyên được giao vai hiền lành, tử tế. Tuy nhiên, khi lấn sân sang lĩnh vực truyền hình, hầu hết những vai diễn của ông đều là vai phản diện, xảo quyệt, mưu mô. Các phim ông tham gia như: Chạy án, Đầm lầy lạc, Giọt nước rơi, Lời thú tội của Eva, Tình yêu và tham vọng, Biệt dược đen…
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, NSƯT Trần Đức cho biết, ông từng cảm thấy sợ khi đóng vai phản diện. Tuy nhiên, ở mỗi vai diễn, ông đều cố gắng để có những nét riêng khác biệt.
"Đôi lúc tôi cũng thấy nhàm chán, vì mãi "đóng khung" với dạng nhân vật phản diện sẽ bị ghét. Ít ai biết rằng, tôi giành huy chương vàng trên lĩnh vực sân khấu với những vai hiền lành, tử tế chứ không phải là những vai ác.
Tôi được phong NSƯT cũng là từ những vai hiền lành, nhưng khi sang truyền hình, vô tình được phân vào những vai phản diện, và các đạo diễn cứ quen mặt là mời thôi. Tôi cố gắng tính toán để tạo sự đa dạng cho từng vai diễn", ông tâm sự.
Dù nghỉ ở Nhà hát Kịch Hà Nội đã gần 20 năm, nhưng mỗi khi nhắc đến Nhà hát, NSƯT Trần Đức rất tự hào, vì nơi này ghi dấu ấn nghề nghiệp đầu đời của ông.
"Tôi vào Nhà hát Kịch Hà Nội từ năm 1971, khi ấy Hà Nội vẫn còn đang chiến tranh. Hồi đó, tôi làm tiểu phẩm ở đền Ngọc Sơn và được Sở Văn hóa và Thông tin TP Hà Nội bấy giờ tuyển vào Nhà hát.
Tôi đã có thời thanh xuân công tác ở đây, từ những vai diễn đầu đời còn vụng về đến những thành công sau này. Ngày mới vào nghề, tôi từng làm đủ các việc như hậu đài, là phục trang, đến vai phụ, sau mới có vai chính", ông kể lại.
Ở tuổi U70, NSƯT Trần Đức có cuộc sống bình yên bên gia đình. Vợ của NSƯT Trần Đức là giảng viên âm nhạc Tuyết Mai, kém ông 10 tuổi. Ngoài đời thực, các con của ông đều đã trưởng thành, lập gia đình riêng.
Con cả của ông là Trần Hoàng, người thừa hưởng tài năng nghệ thuật của cha và hiện đang theo nghiệp đạo diễn, diễn viên tại Nhà hát Tuổi trẻ.
Trần Đức chia sẻ, gia đình ông có nếp là con cái cứ lấy vợ, lấy chồng sẽ ra ở riêng. Chính vì thế, ở tuổi xế chiều, ông và bà xã sống với nhau như "vợ chồng son". Con cháu chỉ đến thăm khi nhớ bố mẹ hay gia đình có việc quan trọng.
Ông có thói quen, nếu rảnh rỗi, ông sẽ đưa bà xã đi ăn sáng rồi đi cà phê hoặc lên nhà các con, chơi với các cháu.
Chiều về, rảnh rỗi thì hai vợ chồng lại tập thể dục cùng nhau. Tối, vợ chồng ông cùng nấu cơm, cùng xem những bộ phim mình thích. Ông coi đó là sự thư giãn ở tuổi của mình...
Ông cũng dành nhiều lời "có cánh" để khen bà xã: "Cô ấy là một người tâm lý và chiều chồng con. Tôi là nghệ sĩ, nhưng bà xã không bao giờ ghen tuông. Tôi luôn cư xử đúng mực chứ không có chuyện nọ chuyện kia. Tôi đã lên chức ông nội nên giờ điều quan trọng là sống vui, sống khỏe cùng vợ và rảnh rỗi thì thăm con, cháu".
Ở tuổi U70, Trần Đức vẫn dồi dào sinh lực để tập trung cho công việc. Nghệ sĩ cho biết từ khi nghỉ hưu ông có nhiều thời gian hơn để tham gia diễn xuất.
"Đối với tôi, được trở lại với phim ảnh là cảm thấy vui rồi. Tiền cát-xê, thù lao đối với tôi không thành vấn đề. Cái chính là mình được làm việc, được công chúng biết đến. Có những nghệ sĩ về hưu, chỉ một năm không đóng phim mà khi gặp lại trông già nua, lão hóa lắm", ông bộc bạch.